Thường – lạc – ngã – tịnh: Đạo – đời viên dung
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.
Đạo Phật cũng có bốn đức tính quý báu: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh mà thiếu một đức thì không thể thành con người được. Trong đó:
Khi nghĩ đến tâm ta nhận thấy nó vô thường nên dựa vào thiền “Song thân” để tâm trở nên thường hằng và thanh tịnh.
Ảnh minh hoạ.
Khi nghĩ đến thọ ta nhận thấy khổ nên dựa vào thiền “Song thân” để ta không cố giữ ái hữu bởi cố quá tất sẽ quá cố (chắc mất) mà cũng không thoái trốn ngoại chướng bởi tránh vỏ dưa tất gặp vỏ dừa. Hãy dần dà buông xả nội ma vốn đầy đủ hám lạm, hận thù và mê muội theo đúng chân ngôn mà Cổ Đức từng thấu đạt:
“Kiến danh, kiến lợi, kiến thị phi như nhãn trung trước tiết”
Khi nghĩ đến pháp ta nhận thấy nó vô ngã nên dựa vào thiền “Song thân” để biết sống chân thật ít nhất là đối với chính mình. Bởi con người sống không thật với bản thân thì Trời tru Đất triệt ngay trong tam vận của kiếp nhân sinh.
Khi nghĩ về thân ta nhận thấy nó bất tịnh nên cần vệ sinh, tập thể dục, ngồi kiết già thiền định “Song thân” hàng ngày.
Vậy thiền định “Song thân” được diễn ngôn tựa hành như sau:
Hãy bắt đầu ngày mới bằng cách nghiêng người sang trái hít sâu rồi niệm
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Xong nghiêng người sang phải hít sâu rồi niệm:
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Xong nằm ngửa hít sâu vào, vừa đưa hai chân – hai tay lên xoa vào nhau, vừa niệm:
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Cuối cùng, nằm ngửa ta vừa xoa hai chân vào nhau vừa niệm:
Nam mô Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Phật (3 lần)
Rồi đọc tiếp thần chú Dược Sư như sau:
Nam mô bạt già phạt đế, bệ sát xã, lũ lô thích lưu ly bác lặc bà, hắc ra xà giả.
Đát tha yết đa da, a ra hắc đế.
Tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha.
Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.
Tiếp đến, ta vừa xoa hai tay vào nhau vừa niệm:
Nam mô Đại nguyện Địa tạng Vương Bồ tát ma ha tát (3 lần)
Om bra ma ni da ni so ha (3 lần)
Bắt đầu ngày mới từ từng hơi thở vào nhớ niệm:
Nam mô Vô lượng quang A Di Đà Phật – Ba
Trong lúc giữ hơi thở tại huyệt Đan điền (bụng) niệm tiếp:
Nam mô Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Phật – Mẹ
Cuối cùng vừa cho hơi thở ra vừa niệm:
Om vaj ra pa ni hum – tiêu trừ ác nghiệp thân khẩu ý
Trước khi ngủ chúng ta cũng hành trì như thế để giấc ngủ được sâu ngon thì bệnh tật mới sớm tiêu trừ. Do đó, hãy kết thúc một ngày hoạt động bằng cách:
Nghiêng người sang trái hít sâu rồi niệm:
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Xong nghiêng người sang phải hít sâu rồi niệm:
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Rồi nằm ngửa hít sâu vào, vừa đưa hai chân – hai tay lên xoa vào nhau, vừa niệm:
Nam mô A Di Đà Phật – Ba (10 lần)
Nam mô Dược Sư Phật – Mẹ (10 lần)
Tiếp tục trong từng hơi thở vào nhớ niệm:
Nam mô Vô lượng quang A Di Đà Phật – Ba
Trong lúc giữ từng hơi thở tại huyệt Đan điền (bụng) niệm tiếp:
Nam mô Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Phật – Mẹ
Cuối cùng vừa cho từng hơi thở ra vừa niệm:
Om vaj ra pa ni hum – tiêu trừ ác nghiệp thân khẩu ý
Cho đến khi thân tâm ta chìm vào giấc ngủ.
Theo quan điểm khoa học: Lúc ta hít sâu vào là lúc lá phổi và Đan điền (huyệt ở ổ bụng dưới rốn) nạp đầy dưỡng khí Oxy. Thời gian ta nín thở là lúc mà dưỡng khí ấy có đủ điều kiện giải phóng khí CO2.
Theo quan điểm cá nhân tôi: “Phụ mẫu tại lòng như Phật tại thế” nên khi niệm Phật là nhờ vào tha lực cứu độ mầu nhiệm của Như lai và lồng ghép Ba-Mẹ mình vào tương ứng với từng vị Phật là thể hiện sự tự lực hoàn thiện bản thân. Đó là lối song hành hợp bích trên bước đường lĩnh hội đầy đủ bảy thứ báu của mười phương chư Phật đồng nhất như sau:
Tín: ngôn hành tự hứa sống tốt cho bản thân và tha hứa sống đẹp với người.
Tinh tấn: sự chuyên cần phấn đấu, nỗ lực miên mật.
Tàm: khả năng nhận rõ lỗi lầm.
Quý: khả năng sửa sai thành đúng.
Trí tuệ: tiến dần từ thế gian vốn thông minh, khoa học lên Bát nhã vốn thuần thiện, vô nhiễm.
Đa văn: kiến thức tự tích lũy từ sách vở và giao tiếp để ứng dụng một cách hiệu quả và lợi ích cho bản thân cũng như cho đồng loại.
Chánh niệm: suy nghĩ đúng đắn, tích cực, lạc quan không bị dao động theo hướng thuận cảnh lợi dưỡng, cũng không bị cuốn theo nghịch cảnh, trắc trở. Cụ thể, trong từng hơi thở niệm Phật lồng ghép Ba – Mẹ ta vào tức là bản thân hành giả đã miên mật an lạc bước đi trên con đường Trung đạo. Nói cách khác, đó là lối đi nhân sinh không bị buông thả, phóng túng theo dục lạc trần thế vốn giả huyễn mà cũng không ép mình khổ hạnh, căng thẳng vốn dể đưa con người đến gần với trầm cảm, tâm thần phân liệt, ung thư, đột quỵ
Sau cùng, có thể nói rằng: thiền “Song thân” là kim chỉ nam bất biến cho hành trình sống của mỗi cá nhân bởi trong dòng máu đỏ và xác thịt của chúng ta luôn có sự hiện hữu của Ba-Mẹ. Chúng ta nghĩ về họ trong từng hơi thở là thuận theo lẽ tự nhiên của Trời-Đất. Đó là trường sinh lực đầy đặn lưỡng cực âm dương đủ sức phò thiện – diệt ác thuận theo luật nhân-quả của Phật thuyết. Chúng ta thực hành pháp môn Niệm Phật (A Di Đà và Dược Sư) để cầu nguyện cho cha mẹ được phúc thọ dài lâu thì bản thân cũng sẽ được hai Ngài gia thí trí tuệ Bát nhã.
Cá nhân tôi đã thực hành, trải nghiệm và sở dụng trí tuệ Bát nhã ấy một cách diệu kỳ và hiệu quả. Đó là loại trí tuệ vốn thuần thiện và vô nhiễm giúp con người sống đầy đủ ý nghĩa: tốt cho bản thân – đẹp cho đời. Nó là phương tiện duy thiết trong hành trình nhân sinh miên mật, giữ chúng ta vĩnh tiến theo lối Trung đạo ngay giữa đời sống vốn dĩ đầy biến động và bất trắc này. Rằng tham mà không hề lạm nên tiểu lộc luôn song hành với tri túc giúp cuộc sống cá nhân ổn định. Rằng sân mà không hề hận giúp từ bi và bao dung tăng trưởng để ta biết yêu mình đúng lẽ và thương người tùy duyên. Rằng si mà không hề mê giúp ta sáng suốt và tỉnh giác trôi theo suối nguồn Chánh niệm vốn đầy đủ an nhiên và tự tại ngay trong hiện kiếp.
Cuối cùng, xin bất biến nhớ rằng muốn đạt được cảnh giới tứ đức: Thường – Lạc – Ngã – Tịnh không thể không nương theo Pháp môn niệm Phật mà phương tiện trọng yếu là thiền định “Song thân” như đã trình bày. Miên mật hành trì hai yếu tố này trong từng hơi thở của đời sống để ta mãi tấn tới tùy duyên – thuận pháp – vô ngã – vị tha.