Thực trạng sách giáo khoa tại nước ta
“… Điều trăn trở nhất của các nhà khoa học là hiện nay, sau rất nhiều cuộc cải cách giáo dục, sau nhiều lần thay sách, với khoản chi phí khổng lồ, chúng ta vẫn chưa có một chương trình chuẩn theo đúng nghĩa khoa học”. – GS.Nguyễn Kế Hào.
Nội dung thiếu nhất quán, thiếu sự xuyên suốt giữa các cấp học
Chúng ta có thể nhặt ra rất nhiều những điểm chồng chéo giữa chương trình các khối lớp khác nhau. Thực trạng đó chúng ta dễ dàng thấy được qua sự trùng lặp, không thống nhất thông tin về kiến thức cơ bản đôi khi khôi hài, chẳng hạn ở môn Toán học sinh tiểu học đang được dạy các phép tính trong phạm vi 1.000 nhưng ở bài tập đọc tiếng Việt cùng khối lớp lại đề cập đến các số 4.000, 6.000! Đó là chưa kể đến sự bất hợp lý, không logic trong mạch kiến thức ở nội dung một số môn học.
Với môn ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, dễ thấy sự thiếu hợp lý trong viêc phân bố phần ngữ pháp, nhất là cách sử dụng các ‘thì’ (tenses), lại không dựa theo nguyên lý đồng tâm, nên thật khó cho học sinh nắm bắt được những trọng điểm ngữ pháp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh sau khi đã học ngoại ngữ nhiều năm mà vẫn… mù ngoại ngữ như nhiều thống kê giáo dục cho biết.
Những lỗi như thế không phải là hiếm trong các sách giáo khoa dùng cho học sinh ở cả 3 khối: tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học ở nước ta hiện nay, được xã hội phản biện và báo chí đã nói nhiều, mà ở giới hạn của bài báo này không thể kể ra hết.
Nội dung chương trình nặng từ chương, thiếu ứng dụng, xa thực tế
GS.Nguyễn Lân Dũng đã từng nhận xét rằng nội dung sách giáo khoa môn Sinh học của Việt Nam là “lạ” nhất thế giới, vì nó quá xa rời với những gì đang diễn ra trong lĩnh vực ấy trên trái đất này. Nói cách khác, chúng ta đang bắt học sinh phải làm một thao tác quá phí thời gian và máy móc là “down load” những kiến thức mang tính chung chung, không kích thích khả năng tư duy, liên hệ và ứng dụng.
Với nhiều nước trên thế giới, đội ngũ biên soạn sách giáo khoa chính là những người đang trực tiếp phụ trách và điều hành công tác giáo dục và theo chuyên môn mà họ đang đảm trách. Với nước ta, dù được xã hội rất quan tâm, Nhà nước có chính sách đặc biệt, nhưng sách giáo khoa cho học sinh lại thường do một đội ngũ không hoặc ít gắn bó với công tác dạy học và nghiên cứu giáo dục cùng cấp biên soạn.
Nhiều khi người nhận chủ trương biên soạn sách giáo khoa và có thẩm quyền quyết định, đánh giá giá trị của sách giáo khoa cho học sinh lại đang… ngồi quản lý hoặc theo biên chế ở một đại học nào đó. Do vậy, trong sách giáo khoa của chúng ta hiện nay, không thiếu những nội dung, cả lối diễn đạt bất hợp lý, xa rời thực tế lại không có khả năng gợi mở tư duy phù hợp với học sinh lại được các thầy cô đứng lớp truyền lại theo quy định và hướng dẫn của Bộ, trường, và học sinh cứ vậy mà… “gạo bài” để lấy điểm!
Coi nhẹ giáo dục đạo đức lối sống
Trong khi chúng ta mải mê truyền thụ kiến thức theo chủ trương, những bài học đức dục vô tình đã bị xem nhẹ. Chúng ta dạy cho học sinh những điều cao vời về “nghĩa vụ đóng thuế” (lớp 9), duy vật biện chứng (lớp 10)… mà không dành một thời lượng nào trong chương trình để dạy các em lối sống, văn hóa ứng xử tối thiểu như xếp hàng, nhấn kèn xe, hút thuốc nơi công cộng… thậm chí chúng ta dạy cho học sinh về giới tính mà không nói đến tình yêu (?). Chẳng trách học sinh bây giờ có những em thực dụng đến lạnh lùng trong tình yêu, hay lầm lạc theo vật chất mà không nghĩ đến hậu quả. Điều đó sẽ để lại những di hại nặng nề cho xã hội và sự nghiệp xây dựng xã hội văn minh.
Với chính sách khuyến khích sự phản biện mang tính xây dựng của Nhà nước, đã có rất nhiều bài viết trên các báo, tạp chí phê bình những sai sót trong sách giáo khoa cần phải đính chính. Ngay cơ quan có trách nhiệm về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây cũng thừa nhận có tới… 129 điểm cần phải chỉnh sửa trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 11. Tất nhiên, có cả những lỗi được quy cho… máy in!
Thay cho lời kết
Sự phản biện của xã hội, đặc biệt là của đội ngũ thầy cô giáo đang đảm trách công tác giảng dạy ở các trường, về vấn đề sai sót trong sách giáo khoa được báo chí chuyển tải khá nhiều, và ngay trong các phiên họp Quốc hội, vấn đề này cũng đã được đặt ra trong chương trình nghị sự.
Có nhiều ý kiến đồng tình việc phá bỏ thế độc quyền của một nhà xuất bản giáo dục và một nhóm soạn giả được chỉ định tung hoành lâu nay và giao quyền, chuyển giao trách nhiệm về cho hiệu trưởng các trường. Một số khác lại băn khoăn về tính thống nhất và khách quan khi quyền quyết định chọn sách giáo khoa dùng cho học sinh ở trường mình, bởi lẽ ai có thể đảm bảo ông hay bà hiệu trưởng ấy có đủ năng lực thẩm định và đủ công tâm trong việc quyết định đó.
Nếu chỉ đề cập ở đó thôi thì không khác gì chúng ta đi tìm nguyên nhân đầu tiên trong chuyện con gà và quả trứng, chẳng bao giờ có được giải pháp mang tính cải thiện. Tuy nhiên tất cả chỉ là phần thi công mà thôi. Cái chúng ta cần là phần thiết kế, nghĩa là nội dung chương trình. Ai sẽ là kiến trúc sư trưởng nếu không phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo? Ai sẽ theo dõi thi công nếu không phải là các Vụ chuyên trách, Sở Giáo dục tại các tỉnh thành.
Việc làm đầu tiên phải là chúng ta thay đổi và cải cách chương trình theo hướng hiện đại hóa nội dung và nhân bản hóa phương pháp giáo dục. Chúng ta đã có một chủ trương đúng, phần còn lại thuộc về việc thực hiện và quản lý nữa mà thôi.
Phần nội dung ấy phải được các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học góp ý và nhất thiết phải tính đến yếu tố thể chất, tâm sinh lý lứa tuổi, vùng miền để có thể có những phần “cứng” và “ mềm” trong cùng một bộ sách hoặc những bộ sách khác nhau.
Còn phải kể đến đội ngũ viết sách giáo khoa. Cần phải tìm và có chính sách bảo đảm an sinh cho những giáo viên giỏi (điều này không phải là khó), những nhà nghiên cứu, am tường sư phạm vì ngoài kiến thức chuyên môn còn phải hiểu tâm sinh lý từng lứa tuổi mà khơi gợi, giúp các em vận dụng sáng tạo không những trên ghế nhà trường mà còn khi ra đời.
Mong sao những người có trách nhiệm lưu tâm, đừng để các em học sinh của chúng ta cứ ôm một chiếc cặp thật to, những cuốn sách thật dày với một núi kiến thức xa rời thực tế, mà tính thực tiễn thì chẳng bao nhiêu.