Thực tập “hiện pháp lạc trú”
Trong Tăng Chi Bộ kinh, tập hai, chương năm, phẩm An Ổn, bài kinh An ổn trú, Đức Phật dạy rằng:
“Có năm pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, ích lợi lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách, chánh niệm tỉnh giác. Này các Tỳ kheo, có năm pháp đưa đến an ổn, Tỳ kheo an trú từ thân nghiệp đối với các đồng phạm hạnh, cả trước mặt và sau lưng, an trú từ khẩu nghiệp đối với các đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng, an trú từ ý nghiệp đối với các đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng, đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định, vị ấy sống thành tựu các giới như vậy để đối với các đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng, và đối với tri kiến này thuộc bậc thánh, đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu tri kiến như vậy đối với các đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng”.
Lời kinh rất là cô đọng! Nếu chúng ta khéo học và khéo tu thì chư huynh đệ Tăng Ni thấy Đức Phật dạy khá đơn giản, đó là phải an trú được tự thân đối với các đồng phạm hạnh xung quanh trong cuộc sống của chính mình. Đồng phạm hạnh xung quanh ở đây, nếu là Tăng Ni thì đó chính là các huynh đệ đồng tu trong các đạo tràng, các trường hạ, hoặc các chùa, các tịnh xá, tịnh thất, các trú xứ Tăng hoặc Ni, còn với quý Phật tử thì đồng phạm hạnh là những người bạn đạo cùng học, cùng tu với mình. Nếu nói rộng ra, thì đồng phạm hạnh có thể là những người xung quanh chúng ta nói chung, là những người bà con quyến thuộc chung quanh mình, và kể cả những người không phải quyến thuộc ở xung quanh. Đức Phật nhìn chúng sanh đều là bà con quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp của mình.
Với người bình thường như chúng ta thì chỉ thấy cha mẹ, anh, chị, em, bà con nội ngoại, anh chị em bên chồng, bên vợ mới là quyến thuộc của mình, còn những người khác thì không phải là quyến thuộc. Dù thế nào đi nữa, nếu mình muốn bình yên thì mình phải an trú thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp với mọi người xung quanh.
An trú thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp là sao? An trú thân nghiệp là đi đứng đường hoàng, nghiêm túc và giữ thân tướng trang nghiêm trong mọi lúc, mọi nơi. An trú khẩu nghiệp là nói năng hòa nhã, từ tốn, dùng lời ái ngữ để đối đãi với nhau dù trước mặt hay sau lưng. An trú ý nghiệp là giữ tâm ý thanh tịnh, luôn tư duy tích cực, lạc quan, và luôn có tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Thực tế có người vào chùa thì thấy yên còn ở nhà thì không yên, có vị ở nhà thì yên mà ra chợ không yên, có vị ra chợ cũng không yên; có người đi làm cũng không yên, đi dạy học cũng không yên. Còn với những người biết cách an trú thì ở đâu họ cũng thấy yên, ở nhà cũng yên, vô chùa cũng yên, đến lớp dạy học trò cũng yên… Nếu người giáo viên nào đem cái tình của người thầy, người cô, của người có kiến thức để dìu dắt, nâng đỡ thế hệ trẻ, xem các em như con hay em của mình thì đến lớp lúc nào cũng thấy an yên. Khi thấy học trò nghịch mà mình vẫn thương yêu các em, bảo ban, dắt dìu các em thì lòng người thầy/người cô vẫn yên. Còn ngược lại, nếu thấy học trò ngỗ nghịch rồi mình nổi sùng lên, bực tức học trò, nói năng, hành xử thiếu kiềm chế thì chắc chắn không thể nào yên được. Đơn giản vậy thôi! Nếu mình sống chung với người khác mà mình không yên thì những người xung quanh mình cũng chẳng được yên. Trong Bài học Khất Sĩ, Tổ Đăng Quang từng dạy:
Tâm yên, vạn sự đều yên
Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn
Học đòi theo bậc thánh nhơn
Phải trừ tâm vọng mới huờn bổn nguyên.
Cho nên, khi lòng của mình bình yên, không còn vọng tưởng, thì chúng ta có đi đâu, ở đâu cũng tự tin, không lo sợ, bất an gì cả. Qua đó các vị thấy lời Phật dạy đơn giản mà thâm thúy, an trú từ thân nghiệp đến ý nghiệp đối với các đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng, thân mình ở đâu thì, khẩu và ý mình ở đó. Cụ từ “trước mặt lẫn sau lưng” mà Đức Phật dạy ám chỉ rằng chúng ta tu tập là phải dựa trên tinh thần tự giác, tự ý thức, trước mặt hay sau lưng người khác đều như nhau. Cho nên, khi gặp người tốt mình cũng đối xử tốt, gặp người chưa tốt mình cũng đối xử tốt, gặp người tu mình cũng tu, và gặp người chưa tu mình cũng tu.
Dù trong hoàn cảnh nào mình cũng an trú thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp đối với tất cả mọi người xung quanh, trước mặt lẫn sau lưng. Các vị đừng nghĩ rằng mình nói sau lưng thì không ai hay biết. Trong thời đại công nghệ kỹ thuật hiện đại như bây giờ, người ta có đủ muôn vàn phương tiện để nắm bắt thông tin, dù mình nói sau lưng người khác nhưng nếu cần thiết, người ta vẫn có thể theo dõi mình, vẫn có thể lấy được thông tin từ mình. Cho nên những lời nói sai quấy phía sau lưng cũng nguy hiểm không kém khi nói trước mặt. Lời Phật dạy cách đây mấy ngàn năm mà quý vị thấy đến bây giờ vẫn hiệu nghiệm vô cùng.
Nếu chúng ta an trú được thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp trong hiện tại thì không những bản thân mình được an vui trong hiện tại, bình yên trong hiện tại, mà lúc nào mình cũng được bình yên, và thậm chí những người xung quanh mình cũng được bình yên theo.
Cùng với đó là “đối với các giới thì không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm”. Giới ở đây là những giới luật mà chúng ta đã thọ nhận. Với Phật tử tại gia thì đó là Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới…, với tu sĩ thì đó là Sa di/Sa di ni giới, Tỳ kheo/Tỳ kheo ni giới… Một khi chúng ta đã phát tâm thọ trì các giới pháp rồi thì phải cố gắng gìn giữ, đừng để vi phạm, dù chỉ là những lỗi nhỏ cũng đừng để phạm phải. Và khi chúng ta đã biết tu tập, giữ gìn các giới pháp một cách nghiêm tịnh, giữ thân, khẩu, ý an tịnh thì chắc chắn được các bậc hiền trí, được mọi người ca ngợi, tán dương.