Thực tập hạnh nguyện Bồ tát Quan Thế Âm, mở được cánh cửa “Phổ Môn”

Bồ Tát Quan Thế Âm là một người đã học được nghệ thuật nghe và nói một cách sâu sắc để giúp người ta buông đi những sợ hãi, khổ đau, và tuyệt vọng của mình. Ngài là mẫu mực của phép tu tập này, cánh cửa Ngài mở ra gọi là “Phổ Môn”, cánh cửa mở ra tất cả.

 

02

Quan Thế Âm Bồ Tát giữa đời thường

Nếu chúng ta thực tập nghe và nói theo hạnh Bồ Tát Quan Thế Âm, ta cũng sẽ có thể mở được cánh cửa Phổ Môn và mang niềm vui, an lạc đến cho bao người và làm vơi đi nỗi lầm than của họ.

“Hải chấn triều âm thuyết Phổ Môn

Cửu liên hoa lý hiện đồng chơn

Dương chi nhất đích chơn Cam Lộ

Tán tác sơn hà đại địa xuân.”

Phổ Môn vọng tiếng triều dâng

Bé thơ xuất hiện giữa lòng đoá sen

Cam Lộ một giọt rưới lên

Xuân về trên khắp mọi miền núi sông.”

Tôi biết bài thơ đẹp này khi học Kinh Pháp Hoa ở tuổi mười sáu. Khi ta nghe “tiếng hải triều”, phép tu của Bồ Tát Quan Thế Âm, tượng trưng cho cánh cửa Phổ Môn, ta biến thành đứa bé sinh ra trong lòng hoa sen. Chỉ một giọt nước từ bi từ cành dương liễu của Bồ Tát, mùa xuân trở về trên trái đất khô cằn của chúng ta. Trái đất khô cằn tượng trưng cho thế giới của lầm than, đau khổ.

Giọt nước từ bi là sự tu tập tâm từ, tượng trưng bởi giọt nước trên cành dương liễu. Bồ Tát Quan Thế Âm được người Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, và Nhật Bản miêu tả như một người cầm nhành dương liễu. Ngài nhúng nhành dương vào nước từ bi trong trái tim Ngài, nơi nào Ngài rảy nước ấy lên thì nơi ấy đều có sự hồi sinh.

Khi Ngài rảy nước Cam Lộ ấy lên những cành cây khô, chết, thì những cành cây ấy xanh tươi trở lại. Những cành cây chết cũng tượng trưng cho đau khổ, lầm than; cây cỏ xanh tươi tượng trưng cho sự quay về của an lạc. Chỉ cần một giọt nước ấy thôi, mùa Xuân đã trở về trên Đại Địa.

Trích trong sách “Để Có Một Tương Lai”. 

Sư Ông Làng Mai