Thực hành hạnh gì thể hiện lòng từ bi?

Tinh thần từ bi của đạo Phật dạy chúng ta phải làm sao đem lại  cho mọi người ánh sáng đạo lý, để cho họ biết được lẽ chân thật, không tạo những điều đau khổ, luôn luôn tiến tới chỗ an vui. Lòng từ bi chúng ta không thể nói suông mà phải được thể hiện cụ thể.

Muốn thể hiện lòng từ bi chúng ta phải thực hành hạnh bố thí: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy.

Phải đem của cải, hoặc đem chánh pháp mình hiểu hoặc đem sự tốt lành cao quí an ủi người đau khổ.

Đó mới thể hiện lòng từ bi.

Bố thí tài phần lớn dành cho cư sĩ Phật tử vì họ làm ra tiền. Họ mới có điều kiện giúp đỡ người nghèo khổ.

Còn các sư có làm ra xu con nào đâu?

Nếu có chăng cũng ăn mày của đàn-na thí chủ chớ đâu phải tự mình có tiền lương mỗi tháng.

Hàng Phật tử cũng có người làm ra tiền của, có người nghèo khó, vậy làm sao bố thí?

Nên Phật dạy tài thí có hai phần ngoại tài và nội tài.

Người Phật tử muốn thể hiện lòng từ bi mà không có tiền bạc giúp cho người nghèo đói thì đem công sức của mình ra giúp.

Người có tiền tới chùa cúng, người không tiền vào chùa làm công quả.

Người có tiền cho tiền, người không tiền ra công đi ủy lạo, khuân vác cũng là bố thí. Nên hiểu có tiền mới bố thí được là lầm.

Đem của bố thí là ngoại tài, đem công bố thí là nội tài, như vậy có ai không làm được hạnh bố thí đâu.

Bố thí pháp là phần của Tăng Ni.

Tăng Ni tu thấy được cái hay, cái cao quí của Phật pháp, đem sự hiểu biết đó ban rải cho Phật tử cùng biết cùng hiểu như mình.

Đem pháp mình đã tu học được, chỉ dạy cho người khác gọi là bố thí pháp.

Bố thí cúng dường, phước nhiều hay ít phụ thuộc vào điều gì?

01

Bố thí tài, bố thí pháp cái nào tốt hơn?

Bố thí tài chỉ giúp người bớt khổ trong giai đoạn hiện tại.

Còn bố thí pháp chẳng những giúp người hết khổ trong hiện tại mà mãi về sau cũng không còn khổ nữa, đó là điểm sâu xa.

Ví dụ chú đạp xích lô có một vợ hai con, mỗi ngày chạy xe kiếm được hai ba chục ngàn nuôi vợ nuôi con. Nhưng nếu chiều vô quán nhậu hết thì vợ con đói khổ.

Người hàng xóm thấy thương, đem ít lít gạo lại cho, đó là bố thí tài.

Rồi mai chú đạp xe có tiền cũng nhậu hết như vậy thì sao, cho đến chừng nào mới đủ, chừng nào gia đình mới ấm no.

Bây giờ có một thầy, một cô nào đó sáng suốt tới khuyên chú, nói với chú uống rượu có hại gì, bệnh hoạn ra sao, rồi vì uống rượu mà không đủ tiền nuôi vợ con, làm vợ con đói khổ.

Chú nghe hiểu, thức tỉnh bỏ rượu.

Như vậy chúng ta chỉ nói chuyện một giờ, nửa giờ mà chú thức tỉnh bỏ rượu. Từ đó làm được bao nhiêu tiền chú đem về nuôi vợ con.

Như vậy bố thí pháp không có cạn hết.

Chỉ dùng lời nói, lý lẽ chân thật khuyên chỉ người, khi người tỉnh ngộ rồi gia đình hết khổ.

Còn nếu  cho tiền cho cơm hằng ngày, thì họ chỉ hết khổ tạm rồi mai mốt sẽ khổ nữa. Như vậy cái nào hơn?

Có kẻ cho rằng người tu Phật tiêu cực quá, nhất là Tăng Ni không chịu làm phước, làm việc xã hội, cứ đi nói pháp hoài.

Những người tích cực làm việc này, việc kia giúp cho đồng bào rất dễ thấy, còn người nói pháp xem như không có lợi ích gì. Nhưng thật tình việc này lợi rất lớn.

Nên trong hai thứ bố thí: bố thí tài và bố thí pháp thì bố thí pháp là hơn.

Bố thí pháp là đem lòng từ bi của mình chỉ dạy nhắc nhở mọi người biết tu, chỉ dạy nhiều chừng nào tốt chừng ấy.

Giả sử tôi có mười ngàn đồng muốn đem bố thí, nếu tôi cho mỗi người một ngàn đồng, thì cho mười người là hết.

Còn tôi bố thí pháp thì có một trăm người, tôi cũng bố thí trọn đủ hết.

Vậy bố thí pháp là bất tận.

Chúng ta học đạo phải học cái bất tận, còn những việc có chừng mực, có giới hạn chúng ta làm một phần nhỏ thôi, gốc là phải bố thí pháp.

Muốn bố thí pháp, chúng ta phải có học có tu và có lòng từ bi. Vì vậy từ bi sau trí tuệ. Hai việc đó không tách rời nhau.

Bố thí vô úy là sao? Vô úy là không sợ.

Chúng ta mang tới cho người niềm an ổn không sợ hãi.

Không sợ này có nhiều thứ: Sợ ma, sợ rắn, sợ cọp… đủ thứ sợ.

Thí dụ đối với người sợ ma, chúng ta muốn cho họ khỏi sợ, phải giải thích cho họ hiểu ma không đáng sợ.

Phật dạy trong lục đạo luân hồi: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, a-tu-la, trời, thì ngạ quỉ là loại quỉ đói đứng thứ hai, người cao hơn ngạ quỉ hai cấp.

Mình cao hơn nó mà lại sợ nó thì vô lý quá.

Giải thích cho người biết và hết sợ đó là bố thí vô úy.

Như có người sợ chết, chúng ta phải giảng giải cho họ hiểu chết là một lẽ đương nhiên thôi, ai rồi cũng phải chết.

Phật chết, Bồ-tát chết, chư Thánh tăng chết, Phàm tăng, Phàm ni chết, cư sĩ chết.

Đó là chuyện thường, phải chi có người không chết thì mình sợ, ai cũng chết hết thì có chi mà sợ.

Giải thích có căn bản cho người ta hiểu, hiểu rồi thì không sợ. Đó là bố thí vô úy.

Như vậy, bố thí pháp trùm cả bố thí chánh pháp và bố thí vô úy luôn.

Người tu nếu thiếu hai phần trí tuệ và từ bi thì không xứng đáng là người tu. Vậy mà có nhiều người tha thiết vào thất tu suốt đời, tu tới chết.

Nghĩ thế là không có từ bi, không có từ bi mà dám nhận nợ của thí chủ, như vậy là ăn gian rồi. Đó là điều không hợp lý.

Nhập thất tu để sáng đạo thì được, nhưng cũng phải đi giáo hóa, chớ không được đóng cửa suốt đời.

Trích trong: Từ bi và trí tuệ.

HT. Thích Thanh Từ