Thực giải 30 bài tụng Duy thức (22)

Chưa thấu rõ được tánh Viên thành thật trong tánh Y tha khởi cũng như chưa thấu rõ được tính Phật trong một chúng sanh còn phàm phu thì chưa thể thấu triệt được Duy Thức tánh.

 

44

Bài 22. Thật tánh duy thức

Phiên âm Hán Việt:

Cố thử dữ Y Tha

Phi dị phi bất dị

Như vô thường đẳng tánh,

Phi bất kiến thử, bỉ.

Việt dịch: 

Nên nó cùng Y tha

Không khác, không không khác

Như vô thường, các tính

Không này cũng không kia.

Thực giải:

Bài trước đang nói về mối quan hệ giữa ba tự tánh: Y tha khởi, Biến kế sở chấp và Viên thành thật.

Tánh Viên thành thật và tánh Y tha khởi, không phải khác cũng không phải không khác. Điều này mới nghe tưởng là mâu thuẫn nhưng hoàn toàn không mâu thuẫn chút nào. Như đã trình bày ở bài trước, ngay tánh Y tha khởi mà xa lìa được tánh Biến kế sở chấp thì lúc đó tánh Y tha khởi chính là tánh Viên thành thật cho nên nói không khác. Còn tánh Y tha khởi mà không xa lìa được tánh Biến kế sở chấp thì nói là không phải không khác

Cũng giống như đặc tính vô thường, vô ngã của sự vật cùng với sự vật (cũng không phải khác và không phải không khác).

Cho nên tánh Viên thành thật của các pháp và tánh Y tha khởi của các pháp không phải khác nhau, nghĩa là trong tánh Y tha khởi của các pháp có tánh Viên thành thật

Vì dụ, tánh nước trong giống nhau (không phải khác) tánh của sóng dữ tức là trong tánh sóng dữ có tánh nước trong.

Chân như Phật tính giống nhau (không phải khác nhau) với tánh thức A lại da, tức là ngoài tánh thức A lại da thì không tìm được tánh Phật.

Các pháp tánh viên thành thật khác nhau (không phải không khác nhau) với các pháp tánh y tha khởi, nguyên vì các pháp thuộc tánh viên thành thật đã thanh tịnh thuần tánh, còn các pháp thuộc tánh y tha khởi duyên sanh còn ô nhiễm bẩn đục

Ví dụ như tánh của vàng ròng không giống tánh quặng tạp chất cũng như tánh Phật đã thanh tịnh không giống tánh thức phàm phu còn ô nhiễm.

Chưa thấu rõ được tánh Viên thành thật trong tánh Y tha khởi cũng như chưa thấu rõ được tính Phật trong một chúng sanh còn phàm phu thì chưa thể thấu triệt được Duy Thức tánh.

TS.Thích Hạnh Tuệ