Thư gửi em gái (2)

Đừng suy nghĩ lo lắng quá nhiều em. Tết này chưa chắc anh về được để có mặt trong ngày rước ông bà. Đừng quá lo chuyện thị phi. Nhà mình rồi không còn là nơi tụ hội, anh em dần đi theo ông bà gần hết.

 

Còn lại mấy người giờ cũng không gắn kết được với nhau. Ai hỏi em có thể nói và chắc em biết rõ anh còn đến đi mấy trú xứ Nghệ An, Bình Thuận hay Q.9, TP. HCM.

5 thứ dục của con người được phân công, phân nhiệm rõ ràng, việc ai nấy làm, không đùn đẩy trách nhiệm. Tâm (danh, lợi), thân (thực, thuỳ-ăn ngủ). Tâm lo phần tâm vì đó là người chủ gia đình. Thân là kẻ nô bộc chỉ trông chờ được nghỉ ngơi, được ăn ngủ thôi. Người Nhật giàu có nhất nhì thiên hạ cho nên thân, tâm luôn chia hai khủng khiếp. Em thấy họ gà gật trên tàu điện ngầm, vừa đi vừa ngủ, lăn quay xuống sàn tàu mà ngủ. Sự hợp nhất hiếm hoi của thân tâm đó là sự thăng hoa tính dục. Chỉ lúc giao hợp mới có hợp nhất, có nhất tâm mà thôi. Và phong cách sống của Người Nhật đúng theo bản chất 5 dục lạc ấy, cái hiếm hoi thăng hoa là giây phút hoà hợp nhất tâm sao không quí trọng. Và tình dục được đề cao trong giới trẻ, trong văn hoá của họ. Và Người Nhật thật khổ sở với thiên tai sóng thần, động đất. Cuộc sống là mối dây liên hệ khắng khít của nhân quả, không rời nhau.

Thư gửi em gái (1)

01

Đó không phải biểu trưng như người Nhật, ca tụng sự thăng hoa tính dục mà là biểu đạt tương phản sự hợp nhất, sự nhất tâm đó là cái lý tưởng giải thoát, giác ngộ. Nhất tâm là định Phật dạy thế nhưng người ta nhầm lẫn nhiều. Kể cả Trưởng lão Thích Thông Lạc khi cho rằng nhất tâm là tâm ly dục, ly ác pháp. Tâm có thể rũ bỏ danh, lợi nhưng thân vẫn chưa dứt thực, thùy.  Thân tâm luôn là một khoảng cách bất xứng và chính tình trạng bất hoà ấy là bệnh tật cho nên nhất tâm là phương pháp chữa bệnh và tu tập mầu nhiệm mà ít người thấu hiểu. Và nhất tâm, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần đó là pháp bảo mà khi sử dụng sai một là đã làm hỏng mất pháp bảo đó.

1. Nhất tâm là định.

2. Bốn (Tứ) niệm xứ là định tưởng.

3. Bốn (Tứ) tinh cần là định tư cụ.

4. Sự luyện tập, sự tu tập, tái tu tập những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.

Người ta luôn tìm cầu, luôn trông chờ sự giúp đỡ, hộ trì như sức khoẻ (Phật Dược Sư) bình an (Quán Thế Âm, niềm vui (Di Lặc) rồi thần tài, rồi thổ công, ông táo…đủ thứ trong nhà. Họ không thấy rằng tất cả: Niềm vui, sức khoẻ, bình an, giàu có…đều tự mình tạo ra chứ không ai khác. Nếu các pho tượng kia có thể đem đến điều ấy nhà mình sẽ thành cái chùa lớn nhất với 108 vị La hán như Bái Đính,…Anh không đả phá lòng tin. Công phu xây dựng đã khó mà muốn triệt tiêu càng khó hơn nhiều lần.

Mọi việc quanh ta đều là nhân quả ta tạo ra cả em ạ. Cứ kiên nhẫn ắt sẽ chuyển dần nghiệp lực. Ba mất-ung thư gan, Anh Tư-ung thư phổi. Anh Năm-ung thư phổi. Ngày đưa tang anh Năm các em có vẻ lo lắng nhìn anh. Cô Chín quát tháo buộc tháo rạp ngay tức khắc khi động quan. “Muốn còn nữa hay sao, tiếp tục hay sao”, đứng trên xe tang anh cười nhìn Chín “Tụi em thử, lập bàn trù tụng niệm bái sám cầu cho anh chết xem có được không”, Chín trừng mắt “Đừng nói gỡ”. Anh không chết dễ dàng đâu. Anh đã hứa đưa hết các em đi, anh là người đi sau cùng mà. Mà Út cách anh đến 15 tuổi. Anh chờ được.

Bệnh tật tất cả đều do ta. Ta đuổi, ta diệt ác Pháp sạch sẽ là hết. Ta sống với mười điều lành, chay tịnh là hết. Âm binh chiến sĩ ta mời vào hay ta tống khứ, ta diệt đó là do ta. Sao lại phải lập am thờ âm binh chiến sĩ hả em. Anh nói, anh trò chuyện nhưng không buộc mọi người phải nghe. Anh luôn dị ứng với quyền lực. Cứ sống theo suy nghĩ, theo suy tưởng, tư duy.

Vì vậy mới cần đến chánh tư duy, cần đến chánh kiến. Đừng làm theo, nghe theo ai để rồi trách sao tự mình cứ phải làm vui lòng thiên hạ. Sống độc lập, suy nghĩ độc lập vì vậy mà Phật dạy “Hãy thắp đuốc lên mà đi ta không thể đi thay các con”.

Kỳ Nam