Thư gửi em gái

“Có lẽ anh còn tiếp tục chuyển đến em nhiều thư nữa để kết nối tình thương, để gieo duyên thiện pháp, để mọi người yêu thương nhau hơn, chuyển hoá những xấu ác mà con người vô tình để ác pháp nguỵ trang, núp bóng tàn phá cuộc đời mà anh đã nêu trong bài Dục và ác pháp.”

Anh vừa ra đến trú xứ Nghệ An sau khi rời trú xứ Bình Thuận sau vài ngày ở trú xứ Trường Thạnh Q.9 Tp HCM. Chú T., người xây dựng cả 3 trú xứ nói vui “đi để gieo duyên thiện pháp nhà báo ạ”. Mà thực ra là chuyến đi gieo duyên thật chứ không đùa tí nào em ạ. Chú không ái ngại mổ xẻ phân tích nhân quả và cuộc vô thường sống chết, được mất, nên hư, thành bại cuộc đời với bất kỳ ai khi tiếp xúc. Không như anh, anh chỉ viết. Và viết những nhận thức, suy nghiệm, những loé sáng của tư duy…để gieo duyên và có thể những ghi chép, những tri kiến cứ trôi qua trong hời hợt, lãng quên nhưng không sao cả, cứ để đấy cho cuộc đời, cho ai hữu duyên sau này.

Trong chặng đường mà anh đã viết đó là hành trình từ “vạch xuất phát” bởi tính theo ý nghĩa sống những gì trước đấy chỉ là những trải nghiệm, những bài học cho cuộc hành trình tính từ vạch xuât phát trở đi: không tính cự ly, không tính tốc độ, không tính thời gian cứ đi, đi cho bằng hết hành trình.

Em à, anh em ta đã dành nhiều công sức cho Nhà Từ Đường mà đã hoàn thành thì anh lại đi. Thương anh, hãy hiểu anh. Anh dành tất cả thời gian còn lại của đời người để sống không phí hoài chuỗi ngắn ngủi còn lại.

Bài học nhân quả 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau bức thư này, anh chuyển cho em danh thiếp điện thoại chú T. để khi nào em cần liên hệ trò chuyện, tư vấn. Anh ấy bằng tuổi anh. Một doanh nhân, một “đại gia”, một người “giàu có” thật sự với “một thế giới” kinh nghiệm, một thế giới “tình thương bao la, rộng lớn, không phân biệt” “một thế giới vàng của người kinh nghiệm lão luyện trên thương trường”. Anh ấy, từng đi qua 12 quốc gia, hàng triệu km đường biển, hàng triệu km trên bầu trời. Sự nghiệp doanh trường trải dài hành trình nhân quả đời người. Có gần gũi, có đủ thời gian mới hiểu hết một người. Ở mỗi trú xứ anh được biết nhiều người vừa vượt qua bệnh tật, khổ sở, phiền não…như chú Huyến – Bình Thuận, cô Mân Q.9…và mới hôm qua bọn anh ghé qua nhà cô Hoa, cô Hạnh ở Hà Tĩnh từ trú xứ BT đã về nhà mấy hôm nay đang chờ ngày ông cụ nhắm mắt. Trong những ngày cuối cùng hấp hối nằm không thấy hơi thở là gì. Ấy thế, thỉnh thoảng lại rên rỉ, gào thét thành tiếng.

Tự dưng anh lại nhớ đến em, nhớ đến anh Kế – người bạn vong niên cũng lão luyện thương trường, khi em cho anh hay anh Kế giờ cũng “từ giả thế giới vàng” vừa đi Ấn Độ để cúng dường trên đất Phật. Anh chỉ nói “Ước nguyện cho anh ấy gặp được chánh Pháp”. Có lẽ gặp nhau anh Kế và chú T. sẽ có nhiều điều để trao đổi. Cả em cũng vậy, nhưng nhớ khi nào kết bạn hay gọi điện hãy nói “Em là em gái anh Kỳ Nam” vì chú không mất thời gian với những cuộc thoại, tin nhắn rác cả ngày.

Từ bỏ thế giới vàng không phải là kết thúc hoạt động thương trường mà là đoạn diệt với tham dục, với ác pháp mà đời sống kinh tế lại tăng trưởng mạnh mẽ không kém cho hoạt động thiện nguyện, chỉ người biết bơi mới cứu được người đuối nước. Anh nhiều lần khuyên em dừng lại, lớn tuổi rồi, nghỉ ngơi đi. Thật sự, anh cũng tự đưa mình vào thế đối lập với hai từ kinh tế. Thực ra kinh tế không có tội, chỉ con người hành xử thiện ác, nhân quả, vô thường mà thôi. Về mặt này chú T. xứng đáng là người tư vấn khởi nghiệp cho rất nhiều người thành đạt. Đi cùng trên xe là chú Dũng – “nhà” cung ứng hải sản giờ đang là doanh nhân là nhà đầu tư chứng khoán, cũng đi cùng là nạn nhân lừa đảo đầu tư tiền ảo nhưng mê lầm vô minh đến thực sự khủng khiếp. Cậu ấy vẫn bảo vệ đến cùng tập đoàn lừa đảo. Rất đáng thưong cho những người vô minh…

Công việc khai thác cao su thanh lý của em đang làm cũng giúp cho không ít người lao động có công ăn việc làm nhưng thực sự anh ái ngại với những lúc lầm lũi với nắng với gió, đối đầu với bao nhiêu gian xảo, lừa lọc mà em từng chia sẻ bao nhiêu là tiêu cực, mưu mô từ bạn bè, hùn hạp, từ giao thông, thuế vụ…Đối đầu với ác pháp tức phải hành xử khôn khéo, giảo hoạt, thậm chí tàn nhẫn nếu cần. Đó là qui luật: Thương trường là chiến trường.

Anh chỉ hơi bất nhẫn với điều mà em cho là đức tin đã làm nên tất cả đó là “ơn trên”. Đó là việc hành thiện nên nhận được quả lành. Chẳng có ơn trên nào, chẳng có ngẫu nhiên nào. Mọi việc trên đời là hệ luỵ nhân quả của mỗi người. Nhân hiền thiện, tin sâu nhân quả đem lại điều ấy thì đúng hơn.

Mấy hôm nay chú T. nói là đang học anh cách nhiếp phục tham dục, ăn chay ngày một bữa. Anh nói thực ra tôi mới là người đang học tất cả mọi người trong chuyến đi này. Chú Dũng, nhà đầu tư, chú Hiến cũng là “nhà đầu tư” hoang tưởng đang không biết, chưa biết sự ngộ nhận của mình mà chú ấy đang cố hoá giải, cố giúp cho tỉnh ngộ.

Điều anh học được đó là không u mê, sai lầm về hoạt động từ thiện. “Mình làm thiện chứ không làm từ thiện chú ạ”. Tất cả những trường hợp tìm đến, chú sẵn sàng hỗ trợ nhưng không hỗ trợ để vượt qua kiếp nạn, qua nhân quả mà là hỗ trợ để chuyển nghiệp. Anh cứ đến nếu không có nhà để ở, tôi cho một thất, anh cứ đến nếu không có gì để ăn. Cơm chay đó, anh cứ đến ăn mỗi ngày mỗi ngày nếu không ở. Anh cứ đến vừa ở, ăn, vừa trị bệnh sẵn xe chú đưa đi không biết bao nhiêu trường hợp. Vậy thôi, không gói quà từ thiện. Không phát chẩn, không vung tiền bố thí. Tất cả mọi người đều được hưởng trợ cấp hàng tháng để giúp họ an tâm tu tập, vươt qua, để hỗ trợ gia đình. Đã có không ít tai tiếng về hoạt động từ thiện gây mất đoàn kết giữa bạn bè thân hữu, giữa nghệ sĩ với công chúng, giữa doanh nhân với “thần y”, những hoán đổi dục tình thành thù hận và bao nhiêu chiêu trò, những lừa lọc gian trá. Tất cả không xuất phát ở tâm từ mà đôi khi là sự đổi chác, háo danh.

Có lẽ anh còn tiếp tục chuyển đến em nhiều thư nữa để kết nối tình thương, để gieo duyên thiện pháp, để mọi người yêu thương nhau hơn, chuyển hoá những xấu ác mà con người vô tình để ác pháp nguỵ trang, núp bóng tàn phá cuộc đời mà anh đã nêu trong bài Dục và ác pháp.
Kỳ Nam