Thư gửi con yêu
“Giác duyên dù nhớ nghĩa nhau; Tiền đường thả một bè lau rước người; Trước sau cho vẹn một lời; Duyên ta mà cũng phúc trời chi không”. (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Các con yêu thương!
Vừa rồi ba có viết bức thư cho bạn Facebook và đã được đăng trên trang Cổng thông tin Phật giáo Việt nam Phatgiao.org.vn, với đầu đề là “Tâm thư cho bạn”, ba rất vui. Nay ba viết bức thư này gửi tặng các con, nhiều điều ba chia sẻ và đăng tải trên Facebook nhưng các con ít có thời gian để giành đọc. Thiết nghĩ, những điều ba nói và viết ra chưa an trú được trên nền tảng tĩnh lặng của nội tâm, chỉ viết qua sự trăn trở và dòng suy tư nghĩ tưởng nên không thể diễn tả hết cảm xúc. Vì rằng, ba cũng đã “có tý tuổi rồi” mà vô thường có thể đến bất cứ lúc nào, với lại ngót 35 năm trong nghề thầy thuốc, ba chưa làm được gì nên chuyện. Nay ba viết bức thư này gửi các con với những nỗi niềm trăn trở trước thực trạng xã hội hiện nay.
Con người chúng ta hiện nay có hai thể bệnh: thân bệnh và tâm bệnh. Thân bệnh thì uống thuốc, tiêm chích, mổ xẻ… còn tâm bệnh thì chỉ có học và hành trì theo giáo lý của Đạo Phật thì mới chữa lành được tận gốc, tâm có An thì Thân mới ổn. Hạnh phúc nhất của đời người là được học và hành theo giáo lý của Đức Phật.
Tâm không bệnh thì thân sẽ bớt bệnh, hoặc có chăng thì bệnh cũng nhẹ thôi, tất nhiên là không có gì nằm ngoài luật nhân quả.
Hiện nay khoa tâm lý trị liệu cũng chỉ xoa dịu được phần nào bề nổi của bệnh tâm lý, còn căn nguyên sâu xa và chữa tận gốc thì chưa thực hiện được.
Cho dù các con bây giờ có trình độ văn hóa, trình độ chính trị và địa vị trong xã hội, hay các con đang hoạt động trong các lĩnh vực khác để tạo dựng cuộc sống… thì những lời tâm sự của ba cũng không ngoài mục đích giúp các con xây dựng một cuộc sống yên bình tươi đẹp hơn.
Các con yêu thương!
Trong cuộc sống quay cuồng vội vã hiện nay, nhân loại đa phần đang bị cuốn theo dòng xoáy của nền văn minh khoa học. Con người thời nay chạy theo lối sống cạnh tranh không lành mạnh, hưởng thụ vật chất quá dư thừa, đời sống tinh thần và nhân cách bị sa sút, tệ nạn xã hội ngày càng phổ biến, chiến tranh trên thế giới không biết đến ngày dừng, thảm họa dịch bệnh thiên tai ngày càng trầm trọng. Nhân loại luôn sống trong nỗi sợ hãi lo âu trước những thảm họa do thiên nhiên và do loài người tạo ra. Con người luôn là nô lệ của chính mình. Si mê, tham lam, thù hận, ganh tỵ và tà kiến ngự trị nên chúng ta không thể có hạnh phúc đích thực. Cho dù người là tài cao chức trọng hay hèn hạ nông phu, là tầng lớp giàu sang phú quý hay bần tiện cơ hàn, tất cả đều đang đứng trong vòng xoáy của cuộc đời mà chưa biết đến ngày dừng nghỉ.
Các con ạ! Cơm áo gạo tiền hằng ngày chúng ta cứ phải lo, trọng trách trong cuộc sống cứ phải thực hiện cho tốt. Vật chất tạo ra chỉ để lo cho một phần cuộc sống là xác thân trong mấy mươi năm thôi, chúng ta cần phải tầm Thầy học Đạo, trau dồi huệ mạng là quan trọng nhất vì tồn tại truyền kiếp với chúng ta. Nhân duyên được làm người như bây giờ là vô cùng quý giá nên đừng để uổng phí. Nếu các con chỉ một mực chạy theo vật chất thì đến một lúc nào đó sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và trống rỗng khi đối diện với chính mình. Đa phần con người cảm thấy trống rỗng nên đã tìm đến các thú vui như vũ trường, karaoke, hay quán nhậu. Trẻ em thì tìm đến các quán internet chơi game, tiktok hay vùi đầu vào điện thoại, điều đó quả thật là vô bổ và nguy hại .
Để có được chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời, các con phải Quy y Tam bảo, quay về nương tựa Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng; thọ trì Năm giới, nguyện đóng cửa các nẻo đường tăm tối để không bị rơi cào cạm bẩy chông gai. Năm giới đó là: Không sát sinh, là không trực tiếp hay gián tiếp giết người, vì quả báo hiện tiền là luật pháp trừng trị và nhân quả về sau, không giết các con vật lớn gần gũi với chúng ta như trâu, bò, chó, mèo, dê, ngựa… vì nó có mối liên hệ rất mật thiết với chúng ta. Tiến tới ăn chay và phóng sinh để nuôi dưỡng tình thương tới muôn loài . Không trộm cắp, là không được chiếm dụng của cải vật chất hay bất cứ thứ gì dưới mọi hình thức nếu chưa được sự đồng ý của chủ nhân nó, nếu có thể thì nên cúng dường Chư Tôn Hiền Đức, hay bố thí giúp người kém phước. Không tà dâm, sống đời phạm hạnh, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và gia đình người khác. Không nói dối nhằm lợi mình hại người, hãy nói lời chân thật, nói lời ái ngữ. Không uống rượu bia và các chất say, không sử dụng các chất gây nghiện như xì ke, ma túy…
Các con học Đạo trí tuệ để bớt dần si mê, bớt tham lam, bớt thù hận, thực hiện lối sống lành mạnh, hiếu nghĩa với ông bà, mẹ cha bên nội cũng như bên ngoại, chăm lo cho con cái và đời sống gia đình, tạo mọi điều kiện để các cháu được tiếp cận với nền giáo dục Phật giáo như khóa tu mùa hè, tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, các cháu sẽ đươc giáo dục nhân cách song song với giáo dục phổ thông. “Văn hóa” xếp hàng, xin lỗi, cảm ơn và biết ơn phải được giáo dục cho các cháu từ lúc còn nhỏ. Các con phải nuôi dưỡng lòng biết ơn: biết ơn thầy cô và những người đã chỉ dạy, biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn hoạn nạn và biết ơn bao thế hệ đã hy sinh cho Tổ quốc để có được ngày hôm nay.
Mọi tạo tác tốt xấu, thiện ác của chúng ta đều được ghi vào trong tàng thức, đó là nhân hiện tại cho quả vị lai. Nhân quả là định luật của vũ trụ rất công bằng, để bổ túc cho nhân quả là lý nhân duyên, nhân duyên tốt thì quả sẽ tốt. Chính vì lẽ đó nên chúng ta phải thường xuyên gieo trồng những hạt giống thiện lương, loại bỏ sạch những mầm mống xấu ác và tạo nhiều thiện duyên.
Chư Phật đã dạy chúng ta rằng: không làm các điều ác, siêng làm các việc lành và tự thanh tịnh nội tâm mình. Trải qua 2566 năm, nền tảng giáo lý của Đạo Phật đã được nhiều thế hệ đi trước kết tập và trùng tụng, để rồi hôm nay nhân loại có được một kho tàng giáo lý vĩ đại, một con đường đưa nhân loại đến với hạnh phúc viên mãn thực sự. Kho tàng giáo lý vĩ đại của Đạo Phật là phương đại lương dược chữa lành tâm bệnh chúng sanh.
Thiết nghĩ, kho tàng giáo lý Phật giáo bao gồm Kinh, Luật, Luận là con đường chỉ dạy của Chư Phật, Chư vị Tổ Sư, Chư vị Hòa thượng, Chư Thượng tọa trong nhiều đời nhiều kiếp, giờ chỉ giành cho quý Thầy, quý Sư cô ở chùa và các vị Thiền sinh ở các trường Phật học thôi sao? Làm người, chúng ta được quyền tận hưởng Ân huệ từ nguồn giáo lý vô tận đó, mà sao các con vẫn cứ hững hờ?! Đạo Phật là Đạo như thật, con đường đưa chúng ta đến an vui và hạnh phúc chân thực. Đạo Phật tôn trọng tự do đích thực, vì giáo lý Phật dạy, theo luật nhân quả, ai làm ác phải chịu quả ác, ai làm lành được hưởng quả lành, Đức Phật không ban phước giáng hoa cho ai.
Để có được hạnh phúc đích thực, các con hãy biết dừng lại, bớt phóng chiếu tâm ra bên ngoài, bớt ham muốn và phải biết đủ, chỉ thấy nghe hay biết như chính nó, an trú trong hiện tại: Bây giờ và ở đây, thường xuyên quay về quán sát nội tâm mình, nhận diện kịp thời các cảm cảm xúc khi đối duyên xúc cảnh để không bị lôi kéo theo cảm xúc ấy. Thấy biết rõ ràng và kịp thời các ý nghĩ nổi lên từ cảm xúc mà không phân biệt, không phán xét và không theo nó. Mọi nhân duyên từ cuộc sống hiện đại và nền văn minh khoa học đi qua cuộc đời ta ví như “con ngỗng chúa uống sữa mà lọc nước ra vậy”.
Bao nỗi niềm trăn trở ba đã bày tỏ cùng các con, đã đến lúc ba phải quay về cùng bổn phận. Nguyện cầu ơn trên Tam Bảo gia hộ cho các con trên bước đường thực tập Chánh Pháp.
Chào các con yêu thương!
Nam Mô Phật Pháp Tăng Thường Trụ Tam Bảo!
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Phan Trọng Trung; địa chỉ: Số nhà 25, thôn Tân Thắng, xã Eana, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.