Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên
Từ ngàn xưa đến nay, các triết gia và các học giả trên thế giới đều khẳng định rằng: Ấn Độ là một trong những chiếc nôi tâm linh, dung chứa những sức sống tâm linh vĩ đại nhất trên thế giới. Ấn Độ hàng ngàn năm trước so với Ấn Độ bây giờ vẫn có những sự tương đồng một cách kỳ lạ: Nếu như hàng ngàn năm trước Ấn Độ có hàng trăm tôn giáo, tín ngưỡng, học thuyết bất đồng, đa dạng và phong phú, thì Ấn Độ ngày nay vẫn tồn tại những sự đa dạng và dị biệt ấy.
Nếu như Ấn Độ cổ có nền văn minh vĩ đại (văn minh Indus), thì nền khoa học kĩ thuật Ấn bây giờ cũng phát triển đến đỉnh cao, ngang tầm với những quốc gia có nền khoa học phát triển nhất. Nếu như Ấn Độ ngày xưa có những ngôi làng cổ kính, những bộ tộc hùng mạnh, giàu sang, phồn thịnh tồn tại bên những ngôi làng nghèo đói, thấp hèn, thì ngày nay Ấn Độ cũng tồn tại những thành phố giàu sang bên cạnh những khu dân cư đói khổ v.v…Chính ngay những điều kiện đa dạng và dị biệt ấy, các học giả đã khẳng định rằng, đó là một trong những lý do mà đức Phật chọn Ấn Độ làm nơi giáng thế, để cứu khổ độ sanh.
Suốt cuộc đời hoằng pháp bất quyện trên xứ Ấn khắc nghiệt, đức Phật đã độ được hàng vạn người xuất gia tu học trong Chánh pháp, hàng triệu người qui y theo đức Phật, làm đệ tử tại gia, lấy Chánh pháp làm kim chỉ nam để tu tập hướng về chân-thiện-mỹ.
Trong hàng vạn đệ tử xuất gia, sử liệu Phật giáo đã ghi nhận tiêu biểu mười vị đệ tử xuất sắc nhất, nổi bật nhất về những năng lực: trí tuệ, thần thông, trì giới, v.v…mà trong các kinh sách thường gọi mười vị Thánh này là mười vị đệ tử lớn, đứng đầu trong hàng vạn đệ tử xuất gia của đức Thế Tôn.
Trong bài này, người viết xin giới thiệu đến độc giả về thời niên thiếu của một trong mười vị Đại đệ tử ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.
1. Dòng tộc và sự đản sanh:
Tôn giả Mục-kiền-liên đản sanh tại làng Câu-ly-ca, một ngôi làng giàu sang và danh tiếng nằm gần thủ đô vương quốc Ma-kiệt-đà, thuộc tiểu ban Bihar, Ấn Độ ngày nay. Đây là một trong những ngôi làng phồn thịnh bậc nhất thời bấy giờ. Nơi đây hầu như chỉ dành cho những đại tộc Bà-la-môn cư ngụ.
Thân phụ Ngài không được các kinh sách và sử liệu ghi chép rõ (Ấn Độ cổ có một truyền thống tâm linh mạnh nhất thế giới, nhưng tiếc rằng Ấn Độ cổ không chú trọng về chữ viết, do đó các sử liệu về các bậc Thánh của Ấn Độ ngày xưa không được ghi chép rõ ràng, ngay cả kỳ kết tập kinh điển lần đầu tiên cũng chưa có chữ viết), chỉ biết rằng, thân phụ của Ngài là tộc trưởng của làng Câu-ly-ca, là một trưởng giáo Bà-la-môn giàu có và danh vọng đứng đầu cả làng. Thân mẫu Ngài thuộc dòng dõi Moggalli (có nghĩa là Thiên văn gia), theo ngữ căn thì danh từ Moggalli phát nguyên từ chữ Mudgala (một dòng dõi chuyên nghiên cứu về Thiên văn học cổ), thuộc giai cấp Bà-la-môn giàu sang và quyền quí, các kinh sách thường gọi tên bà là Thanh Đề.
Vốn là trưởng giáo Bà-la-môn của làng, thân phụ Ngài có hàng trăm đồ chúng, tài sản và danh vọng nổi tiếng cả một vùng, nhưng hai ông bà Thanh Đề vẫn mang trong lòng một nỗi u buồn sâu lắng, kết hôn đã lâu mà vẫn chưa có một mụn con để nối dõi. Vì thế đã chục năm trôi qua kể từ ngày lễ cưới, hai ông bà vẫn đêm ngày dâng lễ vật cầu nguyện đấng Phạm Thiên cao cả, cầu xin một người con để nối dõi tông đường, giữ gìn gia sản đồ sộ. Họ thường khấn rằng: “Kính lạy đức Phạm Thiên cao cả! Là đức Cha sinh của muôn loài. Bởi Ngài mà chúng sanh có trí tuệ, lạc phúc, vinh quang cùng bất tử. Bởi Ngài mà chúng sanh có thực phẩm, trái cây cùng những nghề nghiệp nuôi mạng… Kính lạy đức Brahman tối thượng tôn! Là linh hồn ngu si, nhỏ bé đầy đau khổ do Ngài sáng tạo ra, con kính ngưỡng Ngài ban phát cho chúng con niềm vui trần tục để thế hệ cháu con tiếp nối tuân phục Ngài, thờ kính Ngài, phủ phục dưới chân Ngài bằng đức tin thanh khiết và tuyệt đối… Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ!”
Qua mười năm ròng rã nguyện cầu, cuối cùng nguyện vọng của hai vợ chồng cũng được cảm ứng. Buổi sáng nọ, sau một đêm chí thiết nguyện cầu, phu nhân Thanh Đề cảm thấy khắp phòng hương thơm ngào ngạt, toàn thân rúng động, một cảm giác kì lạ lan tỏa khắp châu thân, từ đó bà biết mình đã thọ thai, khi hay được tin mừng thân phụ Ngài vui mừng không diễn tả hết được. Ngày tháng dần trôi, đến ngày nở nhụy khai hoa, một hoàng nam đã chào đời đúng như lời khấn nguyện. Thân phụ Ngài vui mừng khôn xiết liền truyền mở đại tiệc thết đãi cả dân làng để vui mừng người con của dòng tộc cao quí, người con của dân làng Kolita đã xuất thế; đồng thời ông cho người thông báo tin mừng cho vị trưởng làng Upatissa và các vị trưởng làng bên cạnh đến chung vui.
Ngay trong ngày lễ hội vui mừng ấy, tên làng Kolita được dùng để đặt tên cho đứa bé, đồng thời theo luật Mã-nổ (Manou) thì người con phải theo họ mẹ. Do đó, tên của đứa bé được gọi đủ là Câu-li-ca Mục-kiền-liên.
2. Thời thơ ấu và lúc trưởng thành:
Là con trai của trưởng làng, trưởng giáo Bà-la-môn, lại là người con duy nhất của bộ tộc, thời thơ ấu của tôn giả Mục-kiền-liên được chăm sóc và giáo dục hết sức hoàn mỹ và chu đáo, lúc nào cũng có kẻ hầu người hạ. Không giống như tôn giả Xá-lợi-phất còn có đến sáu người em, tôn giả Mục-kiền-liên là con trai duy nhất của ông bà Thanh Đề, lại là người con của bộ tộc danh giá, cao quí nhất làng… Do đó, tất cả niềm tin yêu, kỳ vọng cũng như sự giàu sang danh tiếng của gia đình, dòng tộc đều dồn hết vào tôn giả Mục-kiền-liên.
Năm lên ba, bốn tuổi, Chàng đã được cha dạy những mật chú vỡ lòng, những bài kinh khấn nguyện cũng như những phương pháp tế lễ, cúng thần…Lên sáu, bảy tuổi, cha chàng mời những vị thầy nổi danh trong làng và ở thành Vương-xá về truyền dạy những môn học về luận lý, số học, triết học… Năm lên tám tuổi, Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất ở làng bên cạnh đã nổi danh là thần đồng. Hai trẻ là hai ngôi sao sáng, là hai mẫu người lý tưởng, chuẩn mực cho hàng trăm trẻ cùng lứa tuổi noi gương. Tuy bản chất thông tuệ không bằng Xá-lợi-phất, nhưng Mục-kiền-liên lại nổi tiếng về dũng mãnh hơn, hai trẻ thường xuyên được gặp gỡ và chơi với nhau rất hợp ý qua sự tạo điều kiện của hai gia đình: “Hai gia đình thường tạo cơ hội cho hai trẻ gặp nhau.
Với bản chất thông tuệ, dũng mãnh cũng như địa vị và danh vọng của gia tộc, năm lên mười sáu, mười bảy tuổi, Mục-kiền-liên đã có cả trăm môn đệ trong làng vây quanh, cùng học tập, vui chơi cũng như thực tập các nghi thức tế lễ của làng. Ở làng bên cạnh, Xá-lợi-phất cũng có đầy đủ như vậy: “Hiện giờ, mỗi người đã có hơn một trăm môn sinh ở trong làng cùng các làng kế cận. Danh tiếng của hai môn đệ hy hữu này đã vượt qua những lũy tre xanh, vượt qua dòng sông lặng lẽ, vượt qua các thôn làng nhỏ bé để bay đến thành Vương-xá, kinh đô của văn hóa, kinh tế, tín ngưỡng và tâm linh của đạo học”.
Năm lên mười tám tuổi, Mục-kiền-liên đã trở nên một người thông tuệ, chàng bắt đầu gánh vác những trọng trách của làng do cha chàng dần dần giao phó. Tuổi thơ của Mục-kiền-liên không còn nữa, chàng đã bắt đầu làm một đạo sư khi tuổi vừa thành niên. Càng tiếp xúc với Thánh điển Vệ-đà, càng tiếp xúc với nhiều công việc tế lễ, thì sự trầm tư của chàng càng nhiều hơn.
Điều làm cho chàng đau lòng nhất, bức xúc nhất là hình ảnh của những buổi đại lễ tế thần, hàng trăm chú cừu non vô tội bị chặt đầu, cắt cổ để lấy máu tươi tế thần, những tiếng kêu thét thảm thiết đầy máu me kinh khiếp, những chậu máu, tô máu ấy lại được dâng lên để cúng thần, làm vui lòng thần…Lòng chàng xúc động, hoang mang cực độ. Một sự hoài nghi về thượng đế bất công, lạnh lùng và độc ác đã bắt đầu nảy sinh trong lòng chàng: “Ôi! Nếu Thượng Đế, nếu Đấng ấy là Vô Ngã, là Thần Hóa, là Đại Ngã, là Nhất Nguyên, là Bản Thể Vũ Trụ hay Tuyệt Đối Vô Nhân… mà còn cần những máu me, xác chết sinh linh kia để cúng tế cho mình, cần những khổ đau thống thiết kia mới có niềm vui, thì trách gì cháu con Ngài đang sống trong nhầy nhụa, tanh hôi của chém giết và hận thù? Một thời đại kế tiếp một thời đại, một trang sử khép lại một trang sử, một vinh quang kế tục một nỗi nhục, một văn minh nối tiếp một suy tàn, là nơi diễn ra những đấu trường đẫm máu, những tàn sát khủng khiếp, những bạo hành vô nhân tính, những âm mưu ác độc tàn tệ… thì đấy cũng nằm trong những định luật của Ngài? Tất yếu của Ngài? Tự do tối thượng của Ngài?…
Đức Brahman không toàn thiện. Thượng đế không toàn thiện. Ở đấy cũng trống không, hoang vắng và đau khổ. Ngài còn kiếm tìm niềm vui và cầu mong sự ngưỡng mộ, cúng tế máu súc vật của cháu con Ngài! Sự toàn năng, đại bi và siêu việt của Ngài cần xét lại!”.
Những lúc như thế, những hoài nghi nan giải ấy chàng chỉ có thể thổ lộ cùng người bạn thân nhất của mình là Xá-lợi-phất. Cả hai đều có những đồng cảm, những thắc mắc, nghi ngờ như nhau về truyền thống cao quí, về Thượng Đế chí tôn…Trong tâm hai chàng đã bắt đầu xuất hiện ý niệm xuất ly, từ bỏ gia đình, tài vật, dòng tộc tôn quí lâu đời…để ra đi tìm chân lý.
Thời niên thiếu của tôn giả Mục-kiền-liên nói riêng hay của những bậc Thánh nói chung là như thế, luôn luôn thanh cao, thông minh và sáng suốt cộng với những tài năng xuất chúng, lúc nào cũng vượt lên những thường tình của thế nhân, với những khát vọng xuất trần, với ước mơ được xuất ly khỏi cuộc sống giả tạm, thấp kém của thế gian, để dấn thân đi tìm một chân lí đích thực cho bản thân, cho cuộc đời và cho tất cả con người trong vũ trụ bao la này.