Thời gian không có già

Đệ tử Đại Trí thuộc môn hạ của thiền sư Phật Quang, sau hai mươi năm ra ngoài tham học trở về, vào pháp đường kể lại những chuyện thấy nghe của việc ra ngoài tham học. Thiền sư Phật Quang lắng nghe rồi cười một cách miễn cưỡng.

Sau cùng Đại Trí hỏi:

– Bạch thầy! Hai mươi năm tham học, thầy có thấy con trở thành một người tốt không?

Thiền sư Phật Quang nói:

– Tốt lắm! Tốt lắm! Giảng học, thuyết pháp, trước tác, viết kinh, mỗi ngày rầm rộ trong pháp đường, trên đời này không có sinh hoạt nào vui bằng, ta cũng vui lây.

Đại Trí quan tâm nói:

– Bạch thầy! Phải có một chút thời gian nghỉ ngơi chứ!

Đêm đã khuya, Thiền sư Phật Quang nói với Đại Trí:

– Ông về nghỉ ngơi đi! Từ từ chúng ta sẽ bàn sau.

Trời gần sáng, trong giấc mộng Đại Trí chập chờn nghe tiếng mõ tụng kinh từ trong phòng của thiền sư Phật Quang vang lên. Sáng ra, thiền sư Phật Quang vui vẻ khai thị giảng pháp cho một số tín chúng đến lễ Phật, Đại Trí đến hỏi thiền sư Phật Quang:

– Bạch thầy! Con xa cách thầy đến nay đã hai mươi năm, sinh hoạt hàng ngày của thầy vẫn bận bịu như thế, thầy không biết thầy đã già rồi sao?

Thiền sư Phật Quang đáp:

– Ta không thấy có thời gian già!

Lời bình:

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Có những người trẻ tuổi mà tâm lực bị suy thoái, khi họ biết được thì đã già rồi. Có những người tuổi già nhưng tâm lực rất mạnh mẽ, tinh thần sung mãn.

“Thời gian không có già”, thực ra chính tâm mình không có quan niệm già. Khổng Tử nói: “Người ta khi nổi giận thì quên ăn, khi vui thì quên lo mà chẳng biết cái già sắp đến”. Người tu thiền cũng thấy như thế.

Có người hỏi một ông già: “Ông bao nhiêu tuổi?”. Ông đáp: “Bốn tuổi”. Mọi người đều giựt mình, ông nói: “Tôi sống bảy mươi năm qua là sống vì bản thân mình, không có ý nghĩa gì cả. Bốn năm này mới hiểu được, tôi phục vụ cho xã hội, cho mọi người, cho nên tôi nói rằng mình sống mới bốn tuổi.Nếu chúng ta sống được như ông già bốn tuổi này thì có ý nghĩa làm sao. 

Thiền viện Thường Chiếu