Thoát khổ ở ngay chính trong tâm

Sống trên đời, hạnh phúc hay khổ đau đều do cái tâm của mình quyết định. Có những thứ vượt ngoài tầm với, nếu cứ cố chấp tranh giành, chính là tự chuốc lấy khổ đau, buông tâm xuống mới khiến cuộc đời an nhiên tự tại.

 

Khổ đau vốn không phải là điều đáng sợ, điều quan trọng là cách nhìn của chúng ta đối với nó mà thôi.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Để hiểu được giá trị của hạnh phúc thì phải trải qua khổ đau

Đức Phật từng dạy, chúng sinh còn trong lục đạo luân hồi thì phải chịu nhiều nỗi khổ. Sướng vui trên đời thường ngắn ngủi, còn lại không ai tránh được quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không chỉ thế, ngày ngày ta còn đối mặt với nhiều nỗi khổ khác như gặp điều mình không ưa thích, sống cách xa người mình yêu thương, mong cầu nhiều nhưng không đạt… Thực hiếm ai được may mắn vẹn toàn, vì thông thường người được cái này lại mất cái kia.

Cuộc sống hàng ngày vốn có nhiều áp lực và va đập. Chúng ta khó mà tránh được những bất đồng, mâu thuẫn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày… Khi xảy ra tranh cãi, chúng ta có thể không kiềm chế được và nổi nóng hay nói nặng lời,… Kết quả là chúng ta có thể thắng hoặc thua cuộc, làm tổn thương người khác hay chính chúng ta cũng bị tổn thương.

Lúc này, chúng ta sẽ thấy đau đớn vì những mặc cảm thua cuộc, yếu thế, tự cho mình là kẻ kém cỏi, cay đắng vì thất bại. Thậm chí, nếu chúng ta chiến thắng chúng ta cũng sẽ có cảm thấy ân hận. Bởi đằng sau cái gọi là được mất, hơn thua, chiến thắng – thất bại, đó là những xa cách, đổ vỡ vì cái tôi ngạo mạn, cư xử không có trên dưới, thiếu tôn trọng nhau.

Cho nên, nếu chúng ta biết buông bỏ trong đời sống hiện tại, buông đi những danh lợi, những hận thù chấp nhặt, bỏ đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, những “Tham – Sân – Si” trong cuộc sống thường ngày thì sẽ tự tìm thấy cho bản thân niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.

Một người nếu luôn mang trong mình sự hạnh phúc thì đối với họ, tất cả những đau khổ mà họ đang phải nếm trải chính là một thứ tài sản về tinh thần. Họ nhìn nhận rằng trong đau khổ có thể tự mình rèn luyện ý chí của bản thân, đồng thời cũng giúp nâng cao cảnh giới về tinh thần. Ngược lại, những người luôn cảm thấy bất hạnh thường có những ham muốn rất mạnh mẽ. Trong tâm họ luôn lo lắng về các vấn đề được mất cá nhân. Và khi những truy cầu và dục vọng của họ không được thỏa mãn, họ cảm thấy cuộc sống này sao mà quá khổ sở, từ đó mà họ cũng đánh mất luôn cả những niềm vui thú của riêng mình.

Những khổ đau trong cuộc sống là điều tất yếu sẽ đến với bất cứ ai. Vì thế, giải pháp khôn ngoan mà chúng ta có thể chọn là hãy nghĩ đến chúng ngay từ khi chưa xảy ra, và khi xảy ra thì hãy can đảm trong việc đối mặt và vượt qua.

Còn chấp thì còn khổ, buông bỏ là giải thoát

Chúng ta đau khổ vì trong lòng chất chứa nhiều oán kết, hận thù, sẽ không có giây phút nào yên khi nội tâm đầy phiền não bất an bực tức. Nó như ngọn lửa khiến chúng ta luôn nóng bức khó chịu, dằn vặt khó thoát ra được. Để cuối cùng, chính ta làm ta đau khổ chứ chẳng phải kẻ thù nào cả.

Thật vậy, nếu không dùng tâm từ bi để đối lại với tâm hận thù thì chúng ta sẽ mãi là kẻ khổ đau. Muốn làm được vậy, bản thân chúng ta phải có nhiều sự thực tập buông bỏ và trau dồi để tâm từ bi thêm lớn. Khi tâm từ bi đủ lớn, chúng ta sẽ như cây đại thụ, vẫn hiên ngang trước gió bão của hận thù.

Vậy đứng trước những đau khổ và hiểm họa trong cuộc sống, chúng ta làm thế nào để đối đãi với chúng một cách đúng đắn? Rất đơn giản, chỉ cần chúng ta có thể tự nhìn vào nội tâm mình, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và chuyển nó thành những suy nghĩ tích cực thì chắc chắn hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười. Do đó mới nói, hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm thái khác nhau của bản thân chúng ta mà quyết định.

Người xưa có câu “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”, chính là nói một sự việc thấy thì dường như rất xấu nhưng có khi lại mang đến một kết quả rất tốt đẹp hoặc cũng có thể nó là một lối thoát giúp bạn tránh những khổ nạn tiếp theo sau này. Nếu đã là như vậy, chi bằng luôn sử dụng thái độ lạc quan để nhìn nhận mọi thống khổ trong cuộc đời thì chắc chắn bạn sẽ có thể vượt qua được mọi nghịch cảnh.

Mỗi một vấn đề bất ổn khi đã nảy sinh trong cuộc sống của chúng ta đều đòi hỏi phải được giải quyết, mỗi một nỗi đau đều đòi hỏi phải chấp nhận để vượt qua. Nếu chúng ta không thể tránh né mãi mãi, thì tại sao lại không đối mặt với chúng ngay từ đầu? Trong thực tế, chủ động đối mặt với một vấn đề bất ổn ngay từ đầu là một quyết định khôn ngoan vì nó mang lại nhiều lợi thế giúp chúng ta giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Đối mặt với vấn đề ngay khi vừa xảy ra, bạn có thể tập trung sự sáng suốt để nhận định, phân tích và nghị lực cần thiết để vượt qua. Ngược lại, sự tránh né sẽ nuôi lớn dần nỗi sợ sệt, e dè và bào mòn nghị lực của bạn, khiến cho đến lúc buộc phải đối mặt với vấn đề thì bạn sẽ hoàn toàn thụ động và yếu đuối.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Phùng Kim Kiên; địa chỉ: Vật Lại – Ba Vì – Hà Nội.

Phùng Kim Kiên