Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Vợ chồng Thoại Ngọc Hầu với chùa Phổ Quang

Trong số các văn bia hiện còn ở chùa Phổ Quang (P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội), Cựu Phổ Quang am ££ bi ký (tên bia mất hai chữ không đọc được) dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1824) là tài liệu quan trọng cho biết lịch sử khai mở chùa này.

Văn bia được soạn khi vợ chồng Thoại Ngọc Hầu vẫn còn sống, vì thế có thể xem đó là tài liệu gốc đáng tin cậy.

Đáng tiếc, văn bia này vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Câu chuyện phu nhân Châu Thị Tế khởi xướng xây chùa được văn bia ghi lại hết sức sinh động: “Đất doanh trại công vốn là đất kho công Hữu Viên thời Lê triều. Từ sau cuộc binh loạn năm Bính Ngọ [1786] bèn trở thành đất bỏ không. Ngày nay được quan nguyên nhậm Lạng Sơn trấn thủ, Khâm sai Thống chế, Án thủ Châu Đốc thành, lĩnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhất cấp, Thoại Ngọc hầu chọn đất này để dựng doanh, ngõ hầu tiện về thành làm công vụ, cũng làm chỗ cư trú cho gia quyến. Hầu cùng phu nhân Châu thị xưa nay hết sức tôn sùng đạo Phật, nhân đó dành ra một khu đất sạch sẽ để dựng am thờ Phật.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Vợ chồng Thoại Ngọc Hầu với chùa Phổ Quang  - Ảnh 1.

Thác bản văn bia năm 1824

Chính phối của Tạo sĩ triều Lê ngày trước – từng làm quan Thiêm thư Xu Mật viện sự, Tham đốc Di Đỉnh hầu – là Văn thị, hiệu Diệu Đức cùng con trưởng là Hiển Cung đại phu, Thụ Vũ bá, tự Cẩn Thực ở nhà có thờ sáu pho tượng Phật, bèn rước vào đặt trong am để thờ cúng.

Châu phu nhân lại tìm khắp nơi để mời một trụ trì, nhưng chưa chọn được người. Văn thị thấy lão sư Diệu Chấn có đạo hạnh, bèn tiến cử. Phu nhân hết sức vui mừng, gặp mặt nhau, hoan hỉ như đã thân thiết từ lâu, xin sư đến sống trong am. Sư từ chối rằng: “Lão nạp tuổi già bóng xế, chẳng đáng nhắc đến. Vả chăng bọn học trò đều là hạng nữ lưu”; trù trừ chưa đồng ý. Phu nhân nói: “Có hại gì đâu? Nhà tôi tôn sùng đạo Phật, gia pháp rất nghiêm, tuy đứa trẻ cao ba thước nếu không có lý do gì cũng không được bước lên [Phật] đường. Xin chớ ngại gì”. Lão sư cảm động lòng thành ấy, nên mới bằng lòng trụ trì am này.

Hầu từ trấn quay về doanh, thấy việc ấy rất mừng. Am lợp cỏ thì hầu lợp lại ngói, nền đất hẹp thì hầu mở rộng ra, lại dốc lòng thành tín, trải qua mấy năm, thủy chung như một. Vào năm Quý Dậu [1813], hầu vâng chiếu [về nam]. Lão sư ít lâu sau cũng có việc phải quay về Thanh Hoa. Am này từ đó vắng vẻ, dần dà thành ra lạnh lẽo. Việc thiện của lúc trước chẳng thể bỏ qua, nên truy thuật sơ qua để dành bị khảo; chép vào trong đá để truyền mãi mà không mục nát.

Nay là

Minh Mạng năm thứ 5 [1824], tháng 2, ngày mồng 8, dựng bia ký.-Phạm Huy Dục viết chữ”.

Như vậy chùa am Phổ Quang được thành lập là do sáng kiến của phu nhân Châu Thị Tế và phu nhân Văn thị – vợ Tham đốc Di Đỉnh hầu. Chúng ta vẫn chưa biết gì về lai lịch của phu nhân Văn thị. Văn bia nói Thoại Ngọc Hầu về nam năm 1813, nhưng trên thực tế ông đã được gọi về từ năm 1810. Có lẽ đến năm 1813, khi đã xác định sẽ công cán lâu dài tại phương nam, gia quyến của Thoại Ngọc Hầu mới rời đi hẳn.

Phả hệ truyền đăng ở chùa am Phổ Quang

Văn bia Phổ Quang tự trùng tu bi ký dựng năm Duy Tân thứ ba (1909) giúp ta biết rõ hơn về đại sư Diệu Chấn. Tác giả bia này là tỳ kheo ni Nguyên Nhâm, người đứng ra trùng tu chùa năm đó. Văn bia có đoạn:

“Chùa Phổ Quang ở Hà Thành tại địa phận Yên Viên vừa trùng tu xong. Lên lầu chuông nhìn ra bốn phía, trông ra núi Nùng, sau gối Mã Cảnh, mặt tiền bên trái có Lãng Bạc làm vạt áo, bên phải có Nhị Hà làm đai áo. Đó là thắng cảnh của thành Thăng Long vậy.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Vợ chồng Thoại Ngọc Hầu với chùa Phổ Quang  - Ảnh 2.

Hiện trạng bia Phổ Quang tự trùng tu bi ký-TƯ LIỆU CỦA TRẦN HOÀNG VŨ

Chùa này mở đầu từ lúc hoàng triều Thống chế Thoại Ngọc hầu Châu phu nhân dựng am nhỏ, tiền triều Tạo sĩ Di Đỉnh hầu Văn phu nhân cúng tượng đúc đồng. Hai phu nhân phụng sự hết sức thành kính, tìm kiếm trụ trì; tìm được Đại ni hiệu là Diệu Chấn, vốn là Thị nội trong phủ Trịnh vương, họ là Bùi thị, húy Ngọc, thọ giới ở chỗ tổ Từ Phong phái Lâm Tế, khổ hạnh thanh tu, ra bắc hai mươi năm, trở thành bậc túc lão. Hai phu nhân yêu quý, nể trọng, khuyến khích các tín đồ, nhân đó lập ra nền móng, xây thành chùa lớn, thỉnh Bố Đức thiền sư ở tháp Từ Phong về, dựng tượng để thờ, làm tổ khai sơn đời thứ nhất. Diệu Chấn thiền sư nối tiếp ở tháp Viên Quang, làm tổ đời thứ hai. Tổ đời thứ ba hiệu là Diệu Hậu, Từ Nhân thiền sư, ở tháp Tịnh Quang. Tổ đời thứ tư hiệu là Từ Thuần Minh Tuệ ở tháp Từ Quang. Kế đó có Vũ Hoa kế nối Tuệ Quang tháp, húy là Phúc, hiệu Thiêm Bộc tôn sư là tổ đời thứ năm. Đó là thầy của tôi. Thầy thị tịch vào năm Nhâm Thìn [1892], tôi đội ơn nhận được truyền đăng”.

Tổ Từ Phong hay Bố Đức thiền sư được nhắc ở đây chính là thiền sư Hải Quýnh (1728 – 1811), hiệu là Từ Phong, quê thôn Nghiêm Xá, huyện Quế Dương, là đời thứ 40 của tông Lâm Tế, được đón về thờ như tổ khai sáng chi phái nữ tu ở chùa am Phổ Quang.

 (còn tiếp) 

Trần Hoàng Vũ  Hà Tấn Tài