Thiếu trí, bệnh khó lành

Vấn đề tu tập quan trọng ở Chánh kiến – là nhìn đúng sự thật của vấn đề – thì mình mới hoá giải được nó, nếu không chúng ta sẽ dễ rơi vào tà kiến.

Cách nhìn nhận vấn đề khi bị bệnh tật và cách hoá giải? Đầu tiên, phải hiểu rõ sắc thân tứ đại được kết hợp bởi 4 yếu tố là nghiệp, tâm, vật thực, thời tiết. Đôi khi ta bị bệnh bởi nghiệp – là quả dị thục mà mình đã tạo trong quá khứ. Bệnh này cần phải dùng công phu tu hành để hoá giải.

Nhưng đôi khi ta bị tâm bệnh thì cần phải dùng tâm dược, nghĩa là phải có sự hiểu biết đúng đắn để điều chỉnh nhận thức thì sẽ được hoá giải.

Nhưng đôi lúc lại vì ta ăn uống đồ ăn lâu ngày, không hợp vệ sinh, bị thổ tả thì cần phải đi bệnh viện hoặc uống thuốc. Hoặc đôi khi làm việc ngoài nắng bị choáng, ngất xỉu thì phải nghỉ ngơi. Nhưng có đôi khi có những cái bệnh kết hợp cả 4 yếu tố, hoặc 3 yếu tố. Cho nên việc quan trọng là ta phải chuẩn đoán bệnh chính xác để kê đơn cho thuốc hợp lý, chứ không phải lúc nào cũng nói bệnh là do nghiệp, trả nghiệp và cầu cúng là sẽ khỏi. Nếu cố chấp như vậy là ta tu tập theo chiều hướng mê tín mà thiếu trí tuệ.

Đức Phật thăm một vị Tỳ-kheo bị bệnh. Tranh Phật giáo

Đức Phật thăm một vị Tỳ-kheo bị bệnh. Tranh Phật giáo

Nếu ta ăn uống bị trúng thực thì không thể ngồi đó tụng kinh cầu cúng mà có thể hết được, vì nó không phải bệnh về nghiệp. Hãy để ý xem, thường có người bị bệnh về thân thì tâm của họ cũng bị bệnh theo luôn, hoặc ngược lại. Ví dụ họ bị bác sĩ kết luận là bị ung thư thời kỳ cuối, lúc này tâm sẽ bị bấn loạn, đau khổ, v.v. Bấy giờ việc quan trọng là tìm phương cách chữa bệnh tâm (lo lắng) trước rồi tìm thuốc chữa bệnh thân sau.

Nếu không định bệnh chính xác thì đôi khi dùng thuốc không chính xác thì bệnh sẽ không thể khỏi được mà còn nặng hơn.

Nhưng bệnh đó mà cứ kêu niệm Phật, hay hành thiền đi thì không đúng đắn, không phải nó không tốt nhưng nó không đúng trong trường hợp trên.

Điều quan trọng khác, ta phải tập làm bác sĩ chuẩn bệnh cho chính mình và tìm đúng phương thuốc để chữa bệnh, vì thân tứ đại này vốn là pháp hữu vi – duyên sinh giả hợp, sinh diệt vô thường, cho nên có thân chắc chắn sẽ có bệnh.

Và vấn đề quan trọng hơn hết là khi có bệnh (về thân hoặc về tâm) thì cần phải có sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ khi chữa bệnh về thân và giữa chúng sanh và bậc thầy tâm linh khi chữa bệnh về tâm.

Tóm lại, muốn chữa được bệnh thì cái dẫn dắt chính là trí tuệ. Thiếu trí thì bệnh tật khó chữa lành.

Dạ Khách