Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã – Chốn thiền tịnh đẹp như tranh

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đầu tiên xây dựng ở miền Trung, khởi công từ năm 2006 và hoàn thành sau đó khoảng ba năm. Dù là một điểm đến đẹp, may mắn thay, dấu chân du khách vẫn chưa phá vỡ không gian tĩnh mịch nơi này.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tọa lạc ở vị trí giao thông thuận lợi mà cũng rất tách biệt

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tọa lạc ở vị trí giao thông thuận lợi mà cũng rất tách biệt

Mái chùa thấp thoáng sau cánh rừng nguyên sinh

Khác với một số thiền viện Trúc Lâm khác, như Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Phương Nam vốn dễ tìm và thuận tiện giao thông, Trúc Lâm Bạch Mã nằm tách biệt mà nếu muốn ghé, du khách phải đi đò.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ Quốc lộ 1, hướng từ Huế vào Đà Nẵng, đến xã Lộc Hòa, khi nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn bên đường, bạn rẽ trái vào con đường quê dẫn đến thiền viện. Tôi băng qua gần mười cây số làng mạc yên bình của miền quê để đến bến đò bên hồ Truồi.

a2.phatgiao.org.vn

Từ bến đò Truồi, bạn có thể nhìn bao quát toàn cảnh thiền viện xa xa. Dù chưa đặt chân đến, cảnh vật xung quanh cũng sẽ khiến bạn sững sờ vì vẻ đẹp thanh bình yên ả. Mái chùa lẩn khuất sau cánh rừng nguyên sinh, nằm xa xa giữa hồ nước trầm mặc soi bóng núi.

Chính sự tách biệt này khiến thiền viện vừa gần vừa xa. Gần vì chỉ cần đi đò máy 15 – 20 phút là tới; du khách đứng bên ni bờ ngó bên tê bờ đã thấy mái ngói thiền viện lấp ló giữa ngàn xanh. Xa vì muốn sang phải lụy đò – phải đúng giờ và đúng lúc có đò thì mới đi được. Thế nhưng cũng vì thế mà thiền viện tránh được lượng khách quá đông khuấy động chốn thanh tịnh, hạn chế và thanh lọc phần nào lượng  khách vãng lai bất chợt.

Nhất là mùa này, khách không đông, bạn có đến thì nên kiên nhẫn đợi chuyến đò kế tiếp hoặc chịu khó đi tìm người lái đò đang quanh quẩn gần đấy. Nếu vội, bạn cứ buông tiếng gọi đò ơi, thể nào cũng có người đáp lời. Nhiều người thoáng nghe phải đi thêm chặng đò thường ái ngại. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì dọc đường bạn sẽ mải miết ngắm nước hồ mang màu xanh ngọc bích, chiêm ngưỡng những cù lao nguyên sơ giữa hồ nước với những tượng Phật bằng đá sừng sững… Đò cập bến, bạn đi theo con dốc và tam cấp chừng 180 bậc thang khá dốc mới đến cổng tam quan của thiền viện.

a3.phatgiao.org.vn

Lắng nghe sự tĩnh lặng của thiên nhiên

Ở đây, kẻ khô khan đến đâu cũng có lúc cảm thấy lòng mình rung động. Lời giới thiệu của ông lái đò làm tôi ấn tượng mãi và mang theo lời nói ấy để kiểm tra lại cảm xúc của mình khi đến thiền viện.

Ấn tượng đặc biệt với tôi là những màu xanh – nền trời xanh, cây rừng xanh, núi rừng xanh và mặt hồ cũng xanh. Màu xanh ấy làm tôn lên mái ngói đỏ của các công trình kiến trúc. Chúng thấp thoáng trên các sườn núi và nổi bật nhờ nét cổ kính đượm màu huyền hoặc.

Trước thiền viện là hòn đảo nhỏ, nơi có Phật đài thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Trước đây khi chưa có cầu, công trình này rất tách biệt, bạn chỉ có thể sang đảo bằng thuyền. Khi con đò máy thong dong chạy giữa hồ, bạn sẽ có dịp ngắm pho tượng Phật Tổ Như Lai như thể đang ngồi trên các ngọn cây rừng mọc kín hòn đảo. Tượng Phật Tổ cao 24m, nặng 1.500 tấn, được làm bằng đá. Tạo tác mới mười mấy năm mà nắng gió rêu phong miền sơn cước đã kịp giúp pho tượng nhuốm màu thời gian, cứ như thể pho tượng đã tồn tại cả trăm năm, như thể không gian nhà Phật nơi này đã hiện diện từ xa xưa lắm.

Thiền viện nằm ở một thế đất rất đặc biệt của núi Bạch Mã, vốn được xem là một trong những vùng có khí hậu lý tưởng. Triền núi nơi thiền viện tọa lạc cao 1.450m, hiện lên giữa lòng hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài đến hút mắt, có “long chầu hổ cứ”, có “thủy bảo sơn bao”.

Thiền viện chỉ cách Biển Đông 5km đường chim bay nên khi đến đây, bạn có thể “thưởng thức” cả hai luồng gió của lục địa và Biển Đông. Nhiệt độ thường từ 19 – 210C nên bạn sẽ chẳng thấy nóng như khi còn ở ngoài Quốc lộ 1A.

Dạo hồ Truồi giữa chốn non xanh nước biếc

Đã đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, bạn phải dành thời gian đi hồ Truồi. Hồ Truồi ở phía nam sông Hương, ngay dưới chân núi Bạch Mã, phong cảnh sơn thủy rất hữu tình mà chỉ cần đến bến đò, ngay chân đập Truồi, người ta đã có thể cảm nhận được và không thể không ồ lên vì choáng ngợp. Có bốn dòng suối nhỏ xinh chảy vào hồ: suối Vũng Thùng, suối Hợp Hai, suối Ba Trại, suối Ông Viên.

a4.phatgiao.org.vn

Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm – Cõi tịnh giữa Thành phố Hạ Long

Nếu không có con đập Truồi, hẳn bạn sẽ không nghĩ đây là công trình thủy lợi đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hồ được xây dựng vào năm 1996 với tổng diện tích gần 400ha, dung tích lên đến 60 triệu mét khối và có đập ngăn nước cao 50m. Khi ấy, hồ có nhiệm vụ quan trọng trong việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều địa phương. Hiện tại, nhiệm vụ đó vẫn tiếp tục; khác chăng vài năm gần đây, hồ được cộng đồng du lịch biết đến nhiều hơn vì phong cảnh vô cùng hữu tình.

Lần nào tới đây, tôi cũng thấy phía dãy Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng, soi chiếu trên mặt hồ mơ màng. Mây ở đây nhiều lắm – khi trầm mặc lững lờ, khi lại bồng bềnh, khi thong dong tự tại. Mây bay là đà quấn quanh các ngọn núi, mây soi bóng mặt hồ tĩnh lặng. Những con đò đi trên mặt nước mà như thể lướt trong mây.

Từ nơi này, bạn có thể thong dong ngắm những con đò chậm rãi lướt trên mặt nước lặng như tờ, tạo thành những vệt sóng lan dần như thêm chút động cho bức tranh thủy mặc tĩnh mịch.

Lần nào đến, tôi cũng có thú vui ném một hòn sỏi cho nó lướt đi từng chặng trên mặt nước, để thấy từng vòng sóng nhỏ lan ra thật nhẹ trên mặt gương hồ tĩnh lặng quanh năm.

Để đến thiền viện Trúc Lâm, bạn có thể theo hướng từ Đà Nẵng ra (cách Đà Nẵng khoảng 90km) hay từ Huế vào (chưa đầy 30km tính từ trung tâm thành phố Huế). Bạn có thể thuê thuyền máy để đi dạo một vòng hồ Truồi. Một tour du ngoạn hồ Truồi có giá khoảng 300.000 – 350.000 đồng/chuyến và chở tối đa 12 khách. Giá đò ngang khứ hồi đến thiền viện trung bình 75.000 đồng/người (nếu đò chở 4 người). Nếu ít người quá, bạn phải chịu khó thương lượng giá cả để có thể đi đò.

Hầu hết người lái thuyền đều là người dân địa phương, am hiểu địa lý và lịch sử nơi này nên bạn có thể nhờ họ làm “hướng dẫn viên du lịch” và phó nháy không chuyên.

Lê Minh Hạ