Thiền sư và người ngoại đạo

Có một người ngoại đạo tới nói với thiền sư như thế này: -Thưa thầy, đạo của chúng tôi có cả ngàn vị thánh, còn Đạo Phật không có vị thánh nào. Thầy nghĩ sao?

 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thiền sư nhẹ nhàng hỏi:

– Trong đạo của ông, người ta đã làm gì để trở thành thánh?

Người đàn ông đáp:

– Bất cứ ai suốt đời phục vụ giáo hội, tử vì đạo hay sẵn sàng tử vì đạo, tham gia thánh chiến sẽ được phong thánh.

Thiền sư nói:

– Đạo của chúng tôi, thánh là bậc làm những việc mà phàm phu khó làm hay không làm được. Bất cứ ai bỏ được Tham-Sân-Si sẽ nhập dòng thánh.

Nghe vậy, người đàn ông cười nói:

– Bỏ Tham-Sân-Si là chuyện dễ mà.

Thiền sư cười nói:

– Không dễ đâu. Tôi tu hành từ lúc 20 tuổi, nay đã 80 tuổi mà làm chưa xong. (*)

Người đàn ông khẽ nhún vai, đứng dậy, chào thiền sư rồi bước ra ngoài. Tháng sau ông ta lại tới chùa gặp thiền sư, nói:

– Thầy nói đúng, Tham-Sân-Si không dễ bỏ.

Rồi dường như muốn tìm hiểu thêm về Đạo Phật, ông ta hỏi:

– Phật là gì?

Thiền sư đáp:

– Phật là vị không còn gì để xả bỏ.

Nghe nói vậy ông ta cười nói:

– Giáo chủ của chúng tôi là một vị thần tối thượng, tối linh, ngài đã tạo ra vũ trụ này, bảo sáng là có sáng, bảo tối là có tối, bảo sống là có sống, bảo chết là chết. Ngài có phép mầu biến cát thành cơm, biến chì thành vàng, biến người mù thành sáng, biến người què thành lành lặn, biến người câm nói được. Đức Phật như vậy có gì là ghê gớm đâu?

Thiền sư vẫn dịu dàng nói:

– Ông về tập hạnh xả bỏ đi, ba tháng sau tới đây chúng ta sẽ thảo luận tiếp.

Nghe nói thế, người đàn ông chào sư rối bước ra ngoài. Ba tháng sau ông ta lại tới chùa, nói với thiền sư:

– Tôi đã hiến hết tài sản của tôi cho giáo hội. Tôi chẳng còn gì nữa trên cõi đời này. Liệu tôi có thể là Phật chăng?

Thiền sư nhẹ nhàng hỏi:

– Hiện giờ ông đang sống với ai?

– Tôi sống với vợ con tôi.

– Ông đi tới đây bằng gì?

– Tôi tới đây bằng xe hơi.

Tới đây thiền sư bảo chú tiểu:

– Con ra ngoài xem chiếc xe của ông đây còn đó không?

Giây phút sau, chú tiểu quay vào thưa:

– Bạch thầy, con không thấy chiếc xe đâu cả.

Nghe nói vậy, người đàn ông hốt hoảng đứng dậy, nói:

– Chắc chiếc xe của tôi bị mất cắp rồi, tôi phải ra xem và trình báo cảnh sát.

Thiền sư nói ngay:

– Vợ con ông chưa bỏ được. Chiếc xe chẳng đáng bao nhiêu mà ông chưa bỏ được, vậy làm sao ông có thể thành Phật?

Lời người kể chuyện:

Đức Phật là vị chẳng còn gì để xả bỏ:

– Chẳng còn vợ con, của cải, ngôi vị , chức danh để xả bỏ.

– Chẳng còn túi tham để xả bỏ.

– Chẳng còn lòng si mê để xả bỏ.

– Chẳng còn đầu óc mộng mơ để xả bỏ.

– Chẳng còn lòng ghen tị để xả bỏ.

– Chẳng còn thói kiêu mạn để xả bỏ.

– Chẳng còn một niệm xấu ác trong tâm để xả bỏ.

– Chẳng còn thói nghi ngờ để xả bỏ.

– Chẳng còn niệm phân biệt, kỳ thị để xả bỏ.

– Chẳng còn mối lo để xả bỏ.

– Chẳng còn lạc thú nào để xả bỏ.

– Chẳng còn nỗi buồn nào để xả bỏ.

– Ngay giáo pháp của Đức Phật, ngài cũng khuyên đệ tử phải xả bỏ khi đã chứng đắc giống như chiếc bè đã qua sông.

Phật luôn luôn ở trong trạng thái Định, tâm an tĩnh, tịch mịch mà chiếu soi, nhìn vạn vật như tấm gương phản chiếu. Hạt mưa trong thế giới Ta Bà Phật đều biết nhưng không  khởi niệm. Nếu có khởi niệm chỉ là Từ Bi, Hỷ Xả và cứu độ. Chính vì thế mà Trời, Thần hay các hàng đệ tử của Phật khi thưa hỏi Phật đều thưa, “Thế Tôn hi hữu”.

Cửa Phật rộng mở cho chúng sinh khắp thế gian, nhưng thành Phật thì hi hữu, thế gian này chỉ có một mà thôi. Đức Phật không có phép mầu, không thể biến cát thành cơm, biến chì thành vàng, không thể làm cho người chết sống lại, nhưng có mười danh hiệu sau đây.

– Như Lai: Có nghĩa là “Không từ đâu đến và cũng chẳng đi đâu”. Đức Phật không từ một cõi nào, cung trời nào tới đây và rồi cũng chẳng trở về đó. Ở đâu cũng có Phật, dù ở  Mặt Trăng hay Hỏa Tinh, không phải xác thân Phật mà là tâm Phật và tánh Phật.

– Ứng Cúng: Xứng đáng thụ nhận sự cúng dường của Trời, Người.

– Chánh Biến Tri: Tức là biết hết, biết một cách tường tận, tròn sáng mọi diễn biến ở thế gian này.

– Minh Hạnh Túc: Tức là đầy đủ trí tuệ và phúc đức. Đức Phật nhập Tứ Thiền để từ bỏ xác thân gỉa tạm này gọi là viên tịch hay nhập Niết Bàn chứ không chết như chúng ta.

– Thế Gian Giải: Có thể giải quyết được những khúc mắc, nan giải của thế gian này. Oan khiên, nghiệt ngã mà vua quan, người đời không giải quyết được, đến chùa thì… mọi hận thù, ân đền oán trả, mất mát, khổ đau đều tiêu tan.

– Vô Thượng Sĩ; Không có bậc trí thức nào qua nổi Phật.

– Điều Ngự Trượng Phu: Có thế thuyết phục được các bậc trượng phu, anh hùng hào kiệt trên thế gian này. Biết bao nhiêu vua, quan, danh sĩ, tế tướng, học giả, sĩ phu đã quy y theo Phật.

– Thiên Nhân Sư; Thầy dạy của cõi Trời và cõi Người.

– Phật: Là bậc giác ngộ, toàn thiện, toàn giác.

– Thế Tôn: Là bậc đáng tôn kính.

Không phải chỉ riêng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà tất cả các vị  Phật ở cõi khác đều có mười danh hiệu này. Ngoài ra, các Đức Phật đều có 32 tướng tốt mà người đời không thể có. Khi tạc tượng Phật mà tượng ấy trông giống như người thường, dù người ấy đẹp trai như Phan An, Tống Ngọc hay tài tử Alain Delon hay Robert Taylor… thì tượng ấy không phải Phật. Các nghệ nhân khi tạc hay đúc tượng Phật, vẽ hình Phật, phải hết sức thận trọng.

Vậy thì tất cả những ai cho rằng mình là Phật xuất thế, Phật sống và có khi hơn cả Phật… hãy nhỉn lại dung mạo mình xấu đẹp như thế nào, nghiền ngẫm mười đặc tính và phẩm hạnh nói trên. (**) Bất cứ ai dùng thần linh, bùa phép, hình danh sắc tướng, lễ nghi huyền bí, âm nhạc du dương, lời nói ngon ngọt, tiền bạc, quà tặng… để chiêu dụ tín đồ thì họ chỉ hành tà đạo chứ không phải đạo Phật (***). Nói tóm lại Phật là trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, từ bi và bình đẳng.

Chú thích:

(*) Hãy xem giai thoại về thiền sư Ô Sào và Bạch Cư Dị.

(**) Báo chí Tây Phương thường gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là Phật Sống, nhưng ngài nói rằng đừng có bậy bạ mà gọi tôi là Phật Sông. Tôi chỉ là đệ tử của Đức Phật.

(***) Kinh Kim Cang, “Những kẻ dùng âm thanh cầu ta, dùng sắc cầu ta những kẻ đó hành tà đạo, không thể thấy Như Lai.”

Thiện Quả Đào Văn Bình