Thiền Phật ngành Y

Tôi có dịp đọc các mẩu chuyện nói về Kinh Pháp Hoa và biết vị Bồ tát tên Dược Vương liên quan đến việc chữa bệnh cho con người.

Người theo Đạo Phật thường tin rằng, có vô lượng Bồ tát thị hiện trong nhiều hình tướng và chủng tộc, trong nhiều không gian và thời gian khác nhau để cứu giúp chúng sinh đang trôi lăn trong khổ đau, phiền não. Bồ tát nhằm chỉ danh cho bất kỳ ai đang trên con đường hướng tới Phật quả, có quyết tâm trở thành một vị Phật. Quyết tâm này được trình bày trong 4 lời nguyện trong tu học (Tứ hoằng thệ nguyện) sau:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Dược Vương nghĩa là liều thuốc thần diệu nhất (liều thuốc chúa), có tác dụng chữa lành các tâm bệnh ngăn che Phật tri kiến

Tôi có dịp đọc các mẩu chuyện nói về Kinh Pháp Hoa và biết vị Bồ tát tên Dược Vương liên quan đến việc chữa bệnh cho con người. Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm 23 thuật lại một mẫu đời điển hình của Bồ tát đi đến giác ngộ Diệu pháp trong quá khứ, hầu giúp chúng sinh noi gương. Dược Vương nghĩa là liều thuốc thần diệu nhất (liều thuốc chúa), có tác dụng chữa lành các tâm bệnh ngăn che Phật tri kiến. Dược sư Bồ tát có bổn nguyện “cứu tất cả các bệnh khổ cho các chúng sinh”, ngài thường cứu tế cho người bị bệnh, cho thuốc hay, cứu trị chúng sinh thoát khỏi các loại khổ đau. Trong 12 lời nguyện của vị Phật này, thệ cứu độ chúng sinh, có hai lời nguyện dành cho nghề y: Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra; chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong cuốn Thấp thoáng lời kinh từng viết: “Cái nền tảng kiến thức y học cũng giúp soi sáng nhiều điều, và ngược lại học Phật đã giúp tăng cường hiệu quả cho y học nhờ tiếp cận toàn diện, thân tâm, khổ đau, bệnh hoạn… Các “hạnh Bồ tát” không xa lạ với tham vấn trong y học, tâm lý học. Những hình tượng Bồ Tát gần gũi biết bao! Nào trung thực, chân thành, “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương; nào tôn trọng, không phân biệt đồi xử, như Thường Bất Khinh; nào lắng nghe, thấu cảm, ngàn mắt ngàn tay như Quán Thế Âm với nhành dương liễu, bình tịnh thủy… Rồi nào “tam Thân tứ Trí” để rèn tập cho có diệu quan sát trí, nhất thiết chủng trí, để nhìn thấy rõ Pháp thân với tâm bình đẳng. Rồi nào Từ nào Bi nào Hỷ nào Xả… Nhìn rõ cái vô thường, khổ, không, vô ngã, duyên sinh, thực tướng vô tướng… trong mọi sự vật, hiện tượng. Các pháp vận hành tự nó tròn đầy trong cuộc sống. Điều quan trọng của học Phật là hành, là “văn tư tu”, là giới, định, huệ. Có hành thì mới nên hạnh, có hạnh mới nên… duyên”.

HÀNH THIỀN QUA DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT

Ở Tây Tạng, hành trì Thiền Dược Vương Bồ Tát được xem không chỉ là một phương thuốc mạnh mẽ để chữa bệnh và tăng sức mạnh chữa lành bệnh cho bản thân lẫn người khác, mà còn giúp chiến thắng khổ đau bên trong, cả sự hận thù và ngu dốt. Như vậy, hành thiền qua Dược Vương Bồ tát có thể giúp giảm bệnh tật, đau khổ về thể chất và tinh thần.

Tôi có giữ lại bài viết của tác giả David Michie về Dược Vương Bồ tát mà ông ấy gọi là Phật ngành Y (Medicine Buddha) và gọi hành trì Thiền Dược Vương Bồ tát là cách hành thiền Phật Ngành Y (Medicine Buddha Meditation). Bài viết được đăng trên tạp chí trên mạng Lion’s Roar vào ngày 17/10/2019. Xin lược dịch bài viết như sau:

“Giữa hai chữ “medication” (thuốc chữa bệnh) và “meditation” (thiền) chỉ có khác một chữ nằm ở giữa (c và t), nhưng đều xuất phát từ chữ La Tinh gốc là medeor có nghĩa là chữa lành (to heal). Nền y học phương Tây thường chú trọng chữa lành các triệu chứng thể chất (physical symptoms) – trong khi Y học phương Đông chú trọng chữa lành các bệnh có nguồn gốc về tinh thần (mental causes of illness). Thật may mắn chúng ta đang sống trong thời đại thu hoạch tốt nhất từ hai nền y học vừa kể.

“Giữa hai chữ “medication” (thuốc chữa bệnh) và “meditation” (thiền) chỉ có khác một chữ nằm ở giữa (c và t), nhưng đều xuất phát từ chữ La Tinh gốc là medeor có nghĩa là chữa lành (to heal)

Thiền Phật ngành Y là phương pháp chữa lành bệnh theo truyền thống Phật giáo Đại thừa (the Mahayana Buddhist tradition). Chúng ta thực hành thiền này cho chúng ta, hoặc cho những ai đang bị bệnh. Kinh Phật ngành Y xưa nhất mà chúng ta biết có từ thế kỷ thứ VII. Trong Kinh này, chúng ta được nghe kể về vị Bồ tát tức Phật ngành Y, vị có 12 lời nguyện thực hiện cho chúng sinh sau khi đạt giác ngộ. Chữa lành thân và tâm chúng sinh nằm trong 12 lời nguyện này: Phật ngành Y nguyện chữa lành các loại bệnh tật, các loại khiếm khuyết mà con người mắc phải, cũng như đem đến an tĩnh, sức khỏe vẹn toàn cho con người.

Khi chúng ta thực hành Thiền Phật ngành Y, chúng ta không bỏ đi các phương thức trị liệu hiện nay của y khoa mà chỉ bổ sung. Thiền Phật ngành Y giúp cô lập và loại bỏ các nguyên nhân gây ra bệnh tật, hình thành và phát triển các yếu tố làm nên thân tâm khỏe mạnh. Nó xem trọng cả hai, thân và tâm. Thiền Phật ngành Y cũng giống như các loại thiền khác, nó phát huy cơ chế “tự sửa chữa” đối với cơ thể của chúng ta. Cơ thể chúng ta khi thiền sẽ ngưng sản xuất cortisol và adrenalin (các chất gây kích thích và làm tăng hoạt động của cơ thể), đồng thời làm tăng sản xuất en-dorphin và serotonin (các chất giúp tăng sự đề kháng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi, chống lại các yếu tố gây mất cân bằng). Các thay đổi vừa kể giúp trạng thái tinh thần của chúng ta an tĩnh hơn.

Niềm tin có thể trợ giúp khi hành trì Thiền Phật ngành Y. Thiền Phật ngành Y đã được thực hành mấy ngàn năm nay. Chúng ta có thể thực hành Thiền Phật ngành Y một mình, nhưng cũng có thể thực hành với cùng hàng ngàn người có những hành trì giống như chúng ta. Sự cộng hưởng (resonance) được tạo ra khi hành trì Thiền Phật ngành Y, khi nhiều người cùng lúc hành trì Thiền Phật ngành Y, sự an tĩnh của người này giúp sự an tĩnh cho người kia.

Khi hành trì Thiền Phật ngành Y, cần có nhận thức bạn không phải là một con người có thật van nài một vị Phật có thật chữa lành bệnh có thật. Nếu có suy nghĩ vừa kể thì bạn tin theo tôn giáo hữu thần rồi. Vạn vật này không có gì tồn tại thường hằng, chia cắt cô lập – kể cả bệnh tật. Chúng ta cầu nguyện Phật ngành Y, vì đó là là một trong rất nhiều các vị đã giác ngộ và thệ nguyện thực hiện các nhiệm vụ của Phật ngành Y”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức