Thiện, ác, đúng, sai là xem ở thời vị tính


Thầy có giảng một việc Thiện nếu mình làm không đúng lúc, đúng chỗ sẽ trở thành Ác, ngược lại một việc Ác nếu làm đúng lúc, đúng chỗ thì lại là Thiện. Nhờ Thầy giải thích rõ hơn cho chúng con ạ.

Trả lời: 

Thiện tức không hại mình hại người, nên cần làm đúng lúc & đúng chỗ & đúng tính chất của nó mới được.

Ví như có một người bệnh nặng đang rất đau đớn, thấy cứ nằm thở oxy kéo dài mạng sống thì cũng vô ích thôi, chỉ làm mình khổ thêm, con cháu khổ thêm. Người ấy sáng suốt biết rõ như vậy nên mới yêu cầu mình là người thân, hay yêu cầu bác sĩ rút oxy để họ thoải mái ra đi, đó là yêu cầu đúng đắn.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trước yêu cầu như vậy nếu mình sợ làm như thế là sát sinh nên không làm theo thì chưa hẳn đã là đúng. Vì mình biết rõ có kéo dài thêm ngày nào thì cũng chỉ khổ người bệnh, khổ mình và khổ cả người thân lẫn đội ngũ bác sĩ thêm ngày đó thôi chứ chẳng có lợi ích gì, vậy tại sao mình lại sợ? Tuy rút oxy ra chính là sát sinh, nhưng sát sinh trong trường hợp cụ thể ấy lại là hành động tốt.

Khoan hãy đánh giá thiện-ác, tu học là biết nhận thức đúng và hành vi tốt, gọi là sống đúng-tốt. Hành động tốt xuất phát từ nhận thức đúng, nhưng sự đúng-tốt ấy chỉ phù hợp cho từng trường hợp thực tế cụ thể, chứ không phải là một nguyên tắc hay quan niệm cố định nào cả. Ví như gặp bệnh nhân nào nặng mình cũng rút oxy sao được (cười).

Như việc tụng kinh hộ niệm, nếu như người đang lâm chung muốn người khác niệm Phật để tâm họ thanh thản ra đi thì hộ niệm là đúng lúc, đúng chỗ, đúng tính chất của nó. 

Ngược lại nếu người sắp chết họ không thích nghe tụng kinh ồn ào thì lại nên để cho họ yên, đừng làm ồn để tâm họ được thanh tịnh. Nếu mình cứ cố chấp tụng kinh hộ niệm, thì việc hộ niệm ấy không đúng lúc, không đúng chỗ và không phù hợp với tính chất của nó, đó chính là đang làm sai mà không biết. 

Nói cách khác một việc làm đúng lúc (thời), đúng chỗ (vị) & đúng tính chất của nó (tính) thì mới được gọi là THIỆN.

Ngược lại cũng là việc đó nhưng mình làm chưa đúng lúc, chưa đúng chỗ, chưa đúng tính chất của nó thì lại là ÁC. 

Như vậy để đánh giá một hành động là Thiện hay Ác còn phải tùy từng trường hợp cụ thể mà xem hành động ấy được thực hiện như thế nào, chứ không thể theo khuôn mẫu cứng nhắc nào cả.  

Thiện-ác-đúng-sai chỉ rõ ràng minh bạch trong từng trường hợp-hoàn cảnh cụ thể dựa trên thời-vị-tính của nó, chứ không thể đánh giá dựa trên những định nghĩa quan niệm đạo đức khô chết nhưng được số đông công nhận, để rồi cứ nhắm mắt làm theo…

Thầy Viên Minh