Thiện, ác, đúng, sai không phải luôn chỉ là khái niệm

Thưa Thầy, Thầy nói thiện – ác, đúng – sai… chỉ là khái niệm, và Thầy cũng vừa nói tư duy có đúng có sai, có thiện có ác. Tức hễ có tư duy là đã rơi vào khái niệm, vậy làm sao có thể suy nghĩ trung thực về thiện-ác, đúng-sai được ạ?

 

Trả lời:

Thiện-ác, đúng-sai không phải luôn luôn là khái niệm, trừ phi chúng bị khái niệm hóa. Để dễ hiểu chúng ta tạm phân ra bốn loại:

Bản chất thực của thiện ác được trực nhận như chúng là, vượt ngoài khái niệm, nghĩa là độc lập với mọi qui định của chúng ta. Ví dụ như khi bạn lặng lẽ cảm nhận trung thực cơn giận hay lòng từ với chánh niệm, tỉnh giác, bạn vẫn thấy rõ tính chất riêng của mỗi trạng thái tâm lý đó mà không cần khái niệm hóa bằng ngôn từ hay tư tưởng nào cả.

Khái niệm định danh để gọi tên bản chất thực của những sự kiện. Ví dụ như tên gọi bản chất trạng thái của những thực kiện: Buồn, vui, khổ, lạc, tham, sân… Tuy là tên gọi nhưng đằng sau vẫn hàm chứa tính chất của thực kiện.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Khái niệm thiện ác được qui định dựa trên phương diện ý nghĩa, hiện tượng, hình thức, tổng hợp, không gian, thời gian… Ví dụ như khái niệm bố thí hoặc trộm cắp tuy có biểu thị một hành động nhưng đó chỉ là hiện tượng phức hợp không có bản chất riêng mà tùy theo qui định của từng cộng đồng.

Khái niệm giả định để đặt tên cho những ý tưởng hay quan niệm mà con người thỏa thuận với nhau vì tiện ích trong quan hệ tương giao, chứ không có bản chất, không có thực kiện. Ví dụ như ý tưởng hiếu thảo, bất hiếu, trung thành, phản bội, vinh dự, ô nhục…

Tóm lại, bản chất của thực kiện thì không sai khác, nhưng có nhiều khái niệm dị biệt tùy mỗi người, mỗi nhóm hay mỗi cộng đồng về sự kiện đó. Như vậy, tư duy dựa trên:

Bản chất thực kiện (loại 1) và trên khái niệm định danh cho bản chất thực kiện (loại 2) thì vẫn có thể là tư duy trung thực và chính xác.

Nhưng tư duy theo khái niệm hình thức (loại 3) hay khái niệm giả định thuần danh (loại 4) thì vẫn có đúng có sai tùy theo quan niệm của mỗi người, mỗi nhóm hay mỗi cộng đồng…

Thầy Viên Minh