“Thiện, ác” có cố định được không?

Buổi chiều ngồi trên Thiền thất, tôi thấy một con kỳ nhông đang bò trên thân cây tràm. Bỗng từ xa bay nhanh lại một con chim bìm bịp chực chụp mổ kỳ nhông, chú kỳ nhông hoảng sợ chạy loanh quanh thân cây, bìm bịp cũng bay loanh quanh đuổi theo. Đứng trước cảnh đó, tôi phải làm sao?

 

Tôi ra đuổi con bìm bịp để cứu con kỳ nhông, việc làm đó là thiện hay ác?

Thấy qua dường như là thiện, cứu được sanh mạng con vật bé nhỏ, đuổi được con vật lớn hiếp đáp, đó là việc thiện chớ gì?

Nhưng xét kỹ lại, quí vị thấy việc thiện đó đã thật là thiện hay chưa?

Đứng về bên con kỳ nhông đây là việc thiện, nhưng đứng về bên con bìm bịp thì thế nào? Buổi chiều đang đói, chim bìm bịp đi kiếm ăn, gặp được miếng mồi, sắp mổ ăn, mà bị người ngăn lại, làm sao khỏi sanh tức giận.

Khiến kẻ khác tức giận đó là việc ác chớ gì?

Như vậy việc đuổi chim bìm bịp chỉ thiện đối với con kỳ nhông mà ác đối với chim bìm bịp, thiện ác có cố định không?

Xét xa hơn nữa, chẳng những ác với chim bìm bịp mà còn ác với con mồi khác nữa, vì chim bìm bịp đâu chịu nhịn đói, tức nhiên phải kiếm một con mồi khác để ăn.

Và con mồi này là nạn nhân của tôi vì nó đã thế mạng con kỳ nhông, nếu nó biết việc này tức nhiên nó sẽ oán thù tôi luôn!

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy phải định thiện ác như thế nào?

Thiện ác có cố định chăng?

436339766_2476976545825738_6987327784312408610_n

Một việc làm mới nhìn dường như là thiện, nhưng nhìn qua một khía cạnh khác lại là ác, chính đó là trong đối đãi không cố định, nghĩ làm việc thiện mà việc ác đã ở bên cạnh rồi.

Thiện ác không cố định mà chấp là cố định, là chúng ta đã sai lầm.

Tuy nhiên trong đối đãi, làm việc gì lợi mình lợi người là thiện, hoặc hại mình mà lợi nhiều người là thiện, còn làm việc gì lợi mình hại người là ác.

Nói lại tỉ dụ ly nước khi nãy, nó có cố định là nhơ hay sạch chăng?

Một ly nước đang trong sạch, bỏ đất vào thành nhơ mất, đâu có cố định.

Ly nước thành nhơ ấy, để lóng lại, lọc qua ly khác thì trở thành trong sạch.

Ly nước luôn luôn đổi thay tùy duyên không cố định, nếu chấp vào một cái gì cố định là chúng ta sai lầm.

Đến tỉ dụ sự dài ngắn, một cây dài một thước để gần cây năm tấc, thì cây một thước là dài, cây năm tấc là ngắn.

Khi cây một thước để gần cây hai thước thì cây một thước là ngắn, cây hai thước là dài.

Như vậy chúng ta thấy tùy duyên mà cây một thước biến thành dài ngắn trong đối đãi, chớ không cố định.

Sự tốt xấu của sự vật cũng như vậy.

Một món vật trung bình để gần một vật tốt thì trở thành xấu, nếu để gần một vật xấu hơn thì trở thành tốt.

Cái tốt biến thành xấu hay cái xấu biến thành tốt là tùy duyên thay đổi, không có cái xấu tốt cố định, nếu chấp vào sự vật cố định tức là sai lầm.

Cũng như vậy, tất cả các pháp thế gian đều là đối đãi không cố định, nếu thấy các pháp không cố định là thấy đúng như thật, nếu thấy các pháp cố định là thấy sai lầm, tức là khổ vậy.

Học kinh Bát-nhã là phá chấp, nếu biết tất cả là không cố định thì còn chấp vào cái gì?

Cho nên nói không phải tất cả, không có nghĩa là không có, mà ngay nơi đó thành tất cả.

Bởi vì cái không cố định này không phải là cái gì hết, không phải tất cả mà tùy duyên thành lập tất cả.

Tinh thần Bát-nhã chỉ cho chúng ta thấy rõ tất cả các pháp đối đãi ở thế gian này là không có thật.

Không thật là tướng tùy duyên không cố định, không cố định nên luôn luôn thay đổi theo duyên, theo duyên thay đổi nên không ở mãi một vị trí, không ở mãi một hình thức, không ở mãi một hoàn cảnh nào, luôn luôn tùy thời chuyển biến đổi thay.

Như vậy cái chuyển biến đổi thay tùy thời tùy duyên gọi là không cố định.

Nhìn thấy rõ như vậy là thấy đúng như thật, gọi là thấy bằng trí tuệ Bát-nhã.

Nếu thấy một bên là thấy bằng thiên chấp, tức là thấy lầm.

Nếu thấy bằng thiên chấp là cái thấy của vô minh, không bao giờ thấy đạo.

Nếu thấy đúng như thật là thấy bằng trí tuệ, là thấy đạo.

Trích trong: Bát-Nhã Tâm Kinh Giảng giải.

HT. Thích Thanh Từ