Thiền (2)
“Khi bạn vào đến sơ thiền tức bạn đã thanh lọc thân, điều phục thân, đoạn diệt được các lậu hoặc thô phù trên thân. Không có chuyện bệnh tật. Bạn hoàn toàn có đủ năng lực đề kháng với ác pháp …”
Sơ Thiền
Học Phật là hành trình 4H: Học, Hỏi, Hiểu, Hành.
Nhất tâm là định.
Hợp nhất tâm trên thân. Tịnh hoá thân, điều phục thân. Đó là điều mà mọi hành giả đều phải thực hiện thành công thì mới an trú sơ thiền. Trong thân hành niệm, Trưởng lão ghi lại lời dạy của Đức Phật như sau:
“Lại nữa, này các tỳ kheo, tỳ kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm và tứ. Tỳ kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Ngay Trưởng lão thật sự cũng chỉ lướt qua những đoạn này mà chưa mổ xẻ đến nơi đến chốn bởi với ông vốn mang một “cơ địa” đặc biệt đã thanh tịnh từ bé cho nên dễ dàng áp dụng như cho tay vào túi áo. Lớp hậu học chúng ta cứ bơi hụt hơi mà không sao thấu hiểu, không sao chứng nghiệm cụ thể để mà hành trì.
Nhất tâm là giai đoạn tịnh hoá thân, chữa trị bệnh tật, điều tiết sự vận hành trên thân để thân định trên tâm, tâm định trên thân. Bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp) là sự quán chiếu lần lượt: thân trên thân, thọ trên các thọ, tâm trên tâm, pháp trên các pháp hãy thận trọng với cách dùng từ này, bạn đọc thoáng qua khó nhận ra sự chỉnh chu của ngôn từ mà Đức Phật thuyết.
Ở trên thân, bạn sẽ có những cơn đau nhức, ngứa ngáy, khó chịu hay dễ chịu, hay cảm giác bất bình thường.
Ở thọ trên tâm bạn sẽ có buồn, vui, oán ghét, tức giận…
Ở trên tâm thì có hỷ, ưu và niệm không (khác với không niệm)
Ở trên pháp như các trạng thái vừa kể tương ứng với thiện, ác và niệm không tương tác giữa tâm và các pháp.
Chính cái hiểu biết đại khái, mù mờ nên không thể triển khai khắc phục tham ưu, dính mắc. Mà thậm chí cả cơ thể, cả “hệ điều hành” bị đánh thuốc thường xuyên (đó là những người cứ cảm giác khó chịu là đến hiệu thuốc) gần như trong tình trạng “tê liệt” khó nắm bắt tham ưu, dính mắc, ứ trệ. Mà lúc cần phương pháp vật lý, cần khai thông “nghẽn tắt thuộc sinh lý” thì lại rất tốn công sức ám thị, tự thôi miên. Ở giai đoạn sơ cơ thì cái trước mắt thân với thọ là sự điều tiết, chữa trị phần sắc tướng (sinh lý) đầy dục lậu thì những phương pháp hữu hiệu thuộc về vật lý đó là điều dễ hiểu. Đức Phật đã dạy có đến 7 pháp để đoạn trừ lậu hoặc ta không biết ứng dụng linh hoạt, không tận dụng được 4H thật phí.
“..Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời…”
Làm thế nào để nhất tâm? Đó là câu hỏi không đơn giản. Nhiều hành giả mài mò, nhiếp tâm, ức chế tâm nhọc nhằn mà không kết quả vì chưa thấu triệt giai đoạn tịnh hoá thân. Họ cứ nhắm đến hệ điều hành chứ không bận tâm thiết bị, cái thuộc sắc tướng (trong ngủ uẩn) mà triết học Mác dù lỗi thời nhưng vẫn còn giá trị ở chỗ “vật chất quyết định ý thức”. Nhân đây cũng xin được nhắc đến những khái niệm vô thường, vô ngã…tương tự như thế. Vô thường không có nghĩa sinh, trụ, hoại, diệt…cứ biến thiên. Có sinh thì bệnh tật, đau yếu và cái chết là điều tất nhiên. Có sinh thì có diệt. Đương nhiên, nhưng từ sinh đến diệt lại là hành trình khổ – không khổ, bệnh- không bệnh, ngã-không ngã.
Trong kinh Trường bộ Đức Phật dạy về sự tương ưng giới hạnh và trí tuệ nếu ta hiểu sẽ thấy sự cần thiết và khoa học cách thọ dụng thực phẩm này, không đơn thuần là giới đức. Trong rất nhiều kinh tạng, không ai bận tâm đến việc đã kết tập ra sao, pha trộn tạp nham thế nào nhưng nếu hiểu rằng chính Đức Phật căn dặn trong “lòng tin chân chánh” chớ có tin vì kinh tạng truyền tụng thì người ta không học Phật theo kiểu “thuộc lòng” mà sẽ chọn lọc hơn, trải nghiệm cẩn trọng hơn.
Xin khẳng định lại lần nữa: Khi bạn vào đến sơ thiền tức bạn đã thanh lọc thân, điều phục thân, đoạn diệt được các lậu hoặc thô phù trên thân. Không có chuyện bệnh tật. Không có chuyện “lấy ma vương làm đạo bạn”. Năng lực đề kháng ác pháp đã đủ mạnh để bạn chọn cho mình cách sống không thoả hiệp với ác pháp, với lậu hoặc. Đó là hành trình lớn lên của dục như ý, tinh tấn như ý…(tứ thần túc) không như cách hiểu tứ thần túc và thất giác chi (37 phẩm trợ đạo) như một quyền năng phi thường ảo hoá được truyền dạy bằng chú thuật. Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần cũng vậy thôi, nó cần ngay ở giai đoạn sơ cơ. Cần ngay ban đầu các bạn ạ!
– Bốn niệm xứ là định tưởng.
Định trực nghiệm, thường xuyên, sự quán chiếu không ngừng nghỉ.
– Bốn tinh (chánh) cần là định tư cụ.
Định của công cụ chuyên nhất ngăn và diệt ác pháp
– Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.
– Thở vô và thở ra là thân hành. (thân)
– Tầm tứ là khẩu hành. (khẩu)
– Tưởng thọ là tâm hành.(ý)
(Tăng Nhất A Hàm tập 3).
Kỳ Nam