Thế nào là giải thoát và hạnh phúc thật sự?
Thầy hiểu rất rõ tâm trạng con khi con viết “Tâm con vô cùng dao động, rõ ràng là con không có sự tỉnh giác” hoặc “…con vẫn lo âu, vẫn thất vọng, chán nản trước cái hiện tại và vẫn khổ đau”…nghĩa là con muốn giải thoát ra khỏi những trạng thái ấy, những khổ đau vật chất lẫn tinh thần ấy, cái hiện tại đầy chán nản và thất vọng ấy, bằng cách có một hành động “tỉnh giác” nào đó có thể xoá bỏ chúng đi phải không?
Nhưng không phải thế đâu, con thương mến của Thầy, con đã hiểu sai chữ “tỉnh giác” mà Thầy đã dạy.
Nếu có một sự “tỉnh giác” nào như con hiểu thì Thầy e rằng nó chỉ là công cụ của ý muốn trốn tránh thực tại mà thôi.
Và trước hết, tại sao con muốn giải thoát? Phải chăng con muốn lẩn tránh cái hiện tại đầy chán nản khổ đau, để đạt được ở đâu đó một cái gì hạnh phúc hơn?
Nhưng nói cho cùng, không ai có thể trốn tránh nó được cả và cũng không bao giờ có được ở đâu đó một hạnh phúc khác hơn.
Con ạ, giải thoát thực sự thì phải có trí tuệ, mà trí tuệ là thấy rõ thực tại đúng như nó đang là. Đức Phật dạy rất rõ ràng:
“Tất cả các hành vô thường
Tất cả các hành là khổ
Tất cả các pháp vô ngã
Thấy thế với trí tuệ
Liền thoát ly đau khổ
Đó là đường thanh tịnh”
Vậy làm thế nào con có thể hy vọng thoát khỏi khổ đau khi bản chất các hành là đau khổ? Khi “ba cõi bất an y như nhà lửa”? Khi con không thực sự giáp mặt với thực tại khổ đau bằng cái nhìn trí tuệ mà chỉ lo toan lẩn tránh hay tìm cầu một hạnh phúc nào khác trên thế gian?
Ảnh minh hoạ.
Nói thế không phải là đành chấp nhận đau khổ một cách bi quan hay đầu hàng khổ lụy.
Vì thực ra vẫn có giải thoát, nhưng không phải là giải thoát về đâu mà là giải thoát chính mình ra khỏi vô minh tham ái để có thể thong dong tự tại giữa cuộc đời đau khổ này.
Phật dạy: “ Santi paramam sukham” – an tịnh Niết-bàn là hạnh phúc tuyệt đối – là để chỉ một sự yên lặng tuyệt đối trước tất cả mọi nỗi khổ đau trong cuộc đời. Sự yên lặng dung thông được tất cả mọi trạng thái mâu thuẫn hay hỗ tương của đời sống chứ không phải một trạng thái bất động của cơn thiền định xuất thần như biết bao nhiêu người ngộ nhận.
Sự yên lặng tuyệt đối này cũng chính là Bát-nhã, Trí tuệ Viên chiếu, Viên minh, Tánh giác… qua đó các pháp tự thể hiện một cách chân thật và sống động. Và tuy rằng tướng của các hành, các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, nhưng im lặng tuyệt đối của trí tuệ vẫn viên dung vô ngại.
Đó chính là hạnh phúc, là giải thoát, ngoài ra không còn một hạnh phúc hay giải thoát nào hơn.
Thầy muốn nói, rằng nếu có một sự giải thoát nào từ chối sự hiện hữu của vô thường-khổ-vô ngã thì đó là một sự giải thoát tạo nên càng thêm nhiều mâu thuẫn và khổ đau. Là một sự giải thoát giả tạo do chính bản ngã dựng lên mà thôi…
Nguồn: Trích Tuyển Tập Thư Thầy