Thế nào gọi là “niệm Phật nhất tâm bất loạn”?
Khi niệm Phật, phải trói buộc cái tâm mình vào danh hiệu Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, tai nghe tiếng niệm Phật, “tâm chẳng dùng hai”, đó gọi là nhất tâm. Và như vậy thì khi lâm chung có thể vãng sinh lên cõi Tịnh độ.
Câu “Nhất tâm bất loạn” có ở trong kinh A-di-đà. Trong kinh “Di giáo” cũng có nói tới “Chế ngự tâm tại một nơi thì không có việc gì là không làm được”. “Nhất tâm bất loạn” là thuộc về một pháp môn của tu định, lại gọi là “Niệm Phật tam muội” hoặc gọi là bát châu tam muội hoặc là nhất hạnh tam muội.
Trong kinh “Hoa Nghiêm” quyển 6, phẩm “Nhập pháp giới” có nói đến 21 loại niệm Phật tam muội. Kinh A-di-đà thì nói nếu một ngày hoặc trong bảy ngày liên tục mà chuyên trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà đến mức “Nhất tâm bất loạn” thì lúc lâm chung có thể vãng sinh đến nước Cực-lạc Tây phương.
Căn cứ vào đại sư Liên Trì cuối đời nhà Minh thì “Nhất tâm” có thể chia thành: “Sự nhất tâm”, “Sự nhất tâm và lý nhất tâm” là tâm không có tạp niệm, tâm và miệng tương ứng với nhau, chỉ có niệm danh hiệu Phật. Tự mình biết rằng mình đang niệm Phật, biết rằng có danh hiệu Phật đang niệm, đó là nhất tâm niệm Phật, hoặc là toàn thân niệm Phật. Do chuyên tâm niệm Phật nên có thể đạt tới điều mà Thiền tông gọi là “công phu thành phiến”.
Cái gọi là “lý nhất tâm” tức là tâm tương ứng với lý, tự thấy được pháp thân của A-di-đà tức là tự tánh, Tây phương không tách rời mình một tấc. Đó là cảnh giới hiện ra trước mặt “tự tánh Di-đà duy tâm Tịnh độ”. “Sự nhất tâm” thuộc về mức độ thiền quán thiền định. “Lý nhất tâm” thuộc về trình độ thiền ngộ. Đó là kết quả của việc tu hành song đôi cả tịnh độ và thiền định. Lấy việc niệm Phật của tịnh độ để nhập môn đạt đến mục đích tam muội rồi giác ngộ, giải thoát.