Thế giới Phật giáo – một cuốn sách quý giá và cần thiết cho bất cứ Phật tử nào
Cuốn sách “Thế giới Phật giáo” của tiến sĩ John Powers do nhà xuất bản Routledge phát hành từ năm 2016 mà tôi, người tự nhận là chăm đọc, chăm khám phá tìm tòi, nhất là những cuốn sách Phật giáo quý giá, hoàn toàn không biết gì cả.
Thật là tệ. May thay, hai năm sau, vào năm 2018, tình cờ tôi được đọc bài giới thiệu về cuốn sách này từ thầy Thích Chân Pháp Cẩn. Bài giới thiệu cuốn hút tôi vô cùng và ngay lập tức tìm cách để có một bản tiếng Anh để đọc. Tôi đã đọc ngấu nghiến, đọc đến xong, đọc để không bị đứt mạch. Khi những dòng cuối cùng của sách kết thúc, tôi ngay lập tức phát nguyện tìm cách mua bản quyền và tìm kiếm các dịch giả giỏi nhất để chuyển ngữ ra tiếng Việt. Không thể không xuất bản cuốn sách quý giá này!
Sách “Thế giới Phật giáo” được xuất bản bằng tiếng Việt trong sự bất ngờ của chính tôi. Sách được in với số lượng hạn chế và là phiên bản đặc biệt, được thiết kế và trình bày công phu. Sách dày ngót ngét 1.100 trang khổ lớn 19 x 25 cm. Đủ để trình bày khá đầy đủ cả thế giới Phật giáo, từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến ngày nay.
“Thế giới Phật giáo” gồm có 4 phần. Phần I trình bày về thế giới Phật giáo theo dòng lịch sử và địa chính gồm 7 bài viết. Phần II trình bày về thế giới Phật giáo trong phạm trù triết học tôn giáo, gồm 10 bài viết. Phần III về xã hội Phật giáo thế giới gồm 11 bài viết. Và cuối cùng, phần IV về tiểu sử của 14 nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất, đặc trưng nhất và đại diện cho Phật giáo thế giới từ xưa đến nay. Về 14 nhân vật lịch sử của Phật giáo thế giới, hạnh phúc và tự hào vô cùng khi có Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt chúng ta, được vinh dự nằm trong số này. Đất nước Việt Nam chúng ta có vinh dự có đại diện trong tác phẩm lớn và trang trọng này. Hơn thế nữa, tại thời điểm xuất bản sách vào năm 2016, Thầy Thích Nhất Hạnh là một trong 2 nhân vật còn sống (cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma). Khi đọc bản gốc tiếng Anh, một niềm tự hào lớn chảy đã tuôn trong tôi. Tôi chỉ mong sách sớm được xuất bản tại Việt Nam với tiếng Việt. Mong sao nhiều ngôi chùa Việt có một bản sách, mong sao các đệ tử lớn của Thầy Nhất Hạnh có một cuốn.
Ngày mong đợi đã đến. Tôi đã thật sự hạnh phúc khi được cầm trên tay bản sách đầu tiên, mới in xong, còn thơm mùi giấy. Tôi trân trọng lật từng trang với lòng biết ơn và rồi hỷ lạc cứ thế tuôn chảy trong tôi. Tôi đọc bản tiếng Việt không ngừng nghỉ và vừa đọc vừa suy ngẫm về lịch sử Phật giáo với dòng chảy suốt 2.600 năm nay. Tôi dừng lại sau từng chương để nhắm mắt lại biết ơn tác giả, biết ơn những nhà nghiên cứu đã dày công và tâm huyết lao động hết mình để có những bài viết ý nghĩa và thiết thực. Sau mỗi chương, tôi đều dành thời gian để ngắm nhìn những bức ảnh quý giá, để tay mình chạm nhẹ lên bìa sách được thiết kế công phu, được chế tác tinh tế và ý nghĩa. Cứ thế dòng năng lượng và hỷ lạc tuôn trào trong tôi. Đúng là chánh giác lạc, an tịnh lạc!
Ngay khi đọc xong cuốn sách quý này, tôi bê nay bộ Kinh Nikaya gồm đầy đủ các Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ ra ngắm lại. Nhìn lại để nhớ về lần đầu tiên mình may mắn thỉnh được trọn vẹn bộ Kinh Phật gốc này, với Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi ngồi và thầm biết ơn Hoà thượng Thích Minh Châu đã dịch Nikaya ra tiếng Việt. Tôi giật mình: nếu không biết đến Nikaya, không được đọc Nikaya, tôi mãi là người tu mù.
Hôm nay, ngày cuối tuần, tôi thư giãn mang sách quý “Thế giới Phật giáo” ra ban công ngồi để ngắm nhìn và đọc lại. Dòng hỷ lạc lại cứ thế tuôn chảy trong tôi. Khi ngắm nhìn và khi đọc. Đọc xong tôi vào bàn và viết ngay những dòng chữ này. Tôi mong ước làm sau thật nhiều người biết đến và có cơ duyên được đọc cuốn sách giá trị này. Được biết vẫn còn một số bản đặc biệt dành cho những ai thật sự muốn có. Link đây: https://store.thaihabooks.com/the-gioi-phat-giao.
Tôi cũng nhắm mắt lại, và nghĩ rằng, cần sớm tái bản sách “Thế giới Phật giáo” với phiên bản bìa mềm và in bình thường. Mong sao mỗi ngôi chùa Việt Nam đều có cuốn sách này. Mong sao, mỗi nhà sư, mỗi quý thầy, quý sư cô đều có sách “Thế giới Phật giáo” để đọc và
tra cứu.
TS Nguyễn Mạnh Hùng