Thế giới như mới sinh hôm qua

Ngày nay, địa danh Lâm-tỳ-ni (Lumbini) ở Ấn Độ không xa lạ với tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Nơi đây, năm 624 trước Tây lịch, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đời.

Với niềm tin nơi thuyết luân hồi của Phật giáo, cái ngày trăng tròn tháng Tư đó cũng chỉ là một sát-na trong vô vàn sát-na của đời đời kiếp kiếp tựu thành. Trong Bản sinh kinh (thuộc kinh Tiểu bộ), ta được nghe biết bao câu chuyện về tiền thân của Đức Phật, người đã trải qua vô lượng kiếp trước khi hội đủ duyên để Đản sinh nơi một khu vườn nép mình cạnh Himalaya để rồi từ đây, toàn bộ câu chuyện lịch sử và đức tin bắt đầu.

Những câu chuyện về tiền thân của Phật là một bài học, từ hóa thân này qua hóa thân khác, trong hình tướng con người hay hình tướng muôn loài, mỗi câu chuyện trình bày duyên và nghiệp, mỗi câu chuyện giúp hé mở vì sao sẽ có một Tất-đạt-đa Cồ-đàm và hài nhi Tất-đạt-đa, về sau sẽ trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Đại giác vô thượng.

Nhiều độc giả của thế kỷ công nghệ, tiếp xúc với các câu chuyện đẫm màu huyền thoại của Phật giáo với nỗi hoài nghi. Nhưng trên thế giới này, kể cả những câu chuyện tưởng như hoang đường nhất cũng ẩn chứa ít nhiều sự thật. Sự thật ở đây, phải chăng, ta có thể nhìn nhận tất cả những chuyện kể, những phép màu kia chính là dụ ngôn về đời sống thường hằng. Chúng ta hôm nay là sự tiếp nối của ngàn xưa và sẽ là điểm bắt đầu cho ngàn sau. Không cần trải qua muôn ngàn kiếp, chính kiếp này, chẳng phải có những khoảng thời gian ta thấy mình như “chết đi sống lại”, bản thân có sự biến chuyển như được tái sinh với mảnh linh hồn thay đổi.

Thế giới như mới sinh hôm qua ảnh 1

Trong đại dịch vừa qua, ta càng thấu hiểu lẽ vô thường. Hơn hai năm, nhân loại trải qua cơn tai biến, đau thương, mất mát không thể vãn hồi. Cũng chính trong giai đoạn khủng hoảng đó, tâm Bồ-tát trong nhiều người được thức tỉnh. Họ sẵn sàng lao vào nguy hiểm để phục vụ cộng đồng, sẵn sàng dành sức người sức của, không quản ngày đêm để lo cho những số phận đang nguy khốn. Trong những ngày tháng ấy, ta như được chứng kiến muôn vàn vị Bồ-tát sinh ra hàng ngày, những người mà nhờ tấm lòng của họ, biết bao nhiêu người được cứu sống, biết bao hoàn cảnh được chăm sóc.

Còn những người chẳng may nhiễm bệnh nhưng phục hồi khoẻ mạnh, bản thân trải nghiệm đó chẳng phải giống như tái sinh hay sao?

2.500 năm trước

em bé trượt ra khỏi mẹ

“Một làn sóng thủy triều không có gió”

em bé thở hơi thở đầu tiên của mình

mẹ trút hơi thở cuối cùng

Hơi thở vô tận của Đức Phật

vươn về phía trước

qua thời gian.

Đoạn thơ trên mở đầu bài thơ viết nhân ngày Phật đản sinh năm 2020 của Đạo sư Gretchen Neuwald. Dù trong lịch sử, bảy ngày sau khi hạ sinh Thái tử Tất-đạt-đa, Hoàng hậu Ma-da qua đời. Tuy nhiên, Neuwald đã nghệ thuật hóa khoảnh khắc này bằng cách xóa nhòa thời gian, đồng nhất thời gian Đức Phật ra đời với thời gian Hoàng hậu Ma-da mạng chung. Hơi thở đầu tiên của đứa trẻ và hơi thở cuối cùng của người mẹ, trong sinh đã có diệt hay trong diệt đã có sinh, nó là một hơi thở tiếp nối, vô tận và vượt thời gian.

Biết bao nhiều người trong lúc đấu tranh với bệnh tật hay nạn tai, đã nguyện sau khi qua khỏi sẽ sống khác đi, sẽ sống tốt hơn. Trong những giai đoạn như vậy, ta thấy như con người cũ trong mình đã chết để tái sinh thành một con người mới.

Một hơi thở mọi hơi thở

Ra vào ra vào ra

Đây có phải là sống không?

Đây có phải là chết không?

Cái này là cái gì?

Mòng biển kêu gào

eee eee eee.

Gretchen Neuwald khép lại bài thơ bằng tiếng kêu của chim mòng biển, như một dư vang, kéo dài, kéo dài, như hơi thở, như đời người, như sinh ra, như mất đi, có thể qua đời đời kiếp kiếp mà cũng chỉ như gói gọn trong tiếng kêu của chim mòng biển.

Nhân ngày Phật đản, theo một cách hiểu trong niềm tin Phật giáo, sinh ra cũng có nghĩa là tái sinh. Và chúng ta hôm nay, những con người hiện đại, đối diện với bao biến cố của đời sống, cũng đang tái sinh hàng ngày. Toàn thể nhân loại đang hồi sinh sau đại dịch, chập chững bước đi trong một thế giới hậu thảm họa như đứa trẻ mới ra đời hôm qua. Dưới đôi mắt từ bi của Đức Phật, ta xót thương cho những người đã mất, và cũng hoan hỷ đón những sinh linh mới ra đời. Chúng sẽ tiếp bước chúng ta, học hỏi từ những sai lầm của chúng ta, tái sinh từ thế giới chết chóc của chúng ta. Vì thế mà chúng ta cần đức tin, để tiếp tục học hỏi, để tiếp tục sửa chữa. Sửa chữa thế giới này và sửa chữa chính bản thân chúng ta.