Thấy Ta là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Ta

Người tu tập chứng đạo đều luôn luôn nhận thấy tâm bất động của mình. Vì đức Phật là người đã tu tập chứng đạo nên Ngài luôn luôn ở trong trạng thái tâm bất động. Tâm bất động là một trạng thái chung của những người chứng đạo.

Vì thế đức Phật mới tuyên bố: “Ai thấy ta là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy ta”.

Trong cuộc đời này không có vật gì để chúng ta đáng thấy. Bởi các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Cái thân bất tịnh hôi hám này nếu trong một tuần lễ không tắm rửa đến gần có ai chịu nỗi đâu. Bởi vậy đức Phật mới dạy Vakkali: “Này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám nầy. Này Vakkali, ai thấy pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy pháp.

Nầy Vakkali, đang thấy pháp là đang thấy Ta, đang thấy Ta là đang thấy pháp”.

Phật huệ, Phật đức, Phật lực hằng hữu miên viễn

“Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy pháp”.

”Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy pháp”

Khi dạy cho chúng sinh thấy tâm bất động là thấy Phật, nhưng chúng sinh không thấy tâm bất động mà thấy thân ngũ uẩn của mình và cho thân ngũ uẩn của mình là thật có. Cho nên, đức Phật muốn phá cái tâm chấp thân ngũ uẩn là ngã của mình bằng cách hỏi Vakkali: “Này Vakkali, ông nghĩ thế nào, Sắc là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Thọ, Tưởng, Các Hành, Thức là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là lạc hay khổ?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là tôi, cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Do vậy, ở đây thấy như vậy, “không còn trở lui trạng thái này nữa” Vị ấy biết rõ như vậy”. (219 Tương Ưng tập III)

Đức Phật vì loài người mà chỉ dạy tận tình để mọi người dễ nhận thấy sự thật của thân ngũ uẩn là một khối bất tịnh vô thường, hôi thối đầy đau khổ, thế mà mọi người trên thế gian này lầm cho nó là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do lầm chấp này mà con người phải chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi và khổ đau vô cùng tận.

Muốn thoát khổ đau này thì hằng ngày chúng ta phải siêng năng dẫn tâm vào vào chỗ bất động, như đức Phật đã dạy: “Thấy Ta là thấy pháp, thấy pháp là thấy Ta”.

Đúng vậy, quý vị hãy cố gắng tu tập kỹ một chút và bền chí thì có ngày phải thành công, tâm bất động.

                                                                                                                      Trưởng lão Thích Thông Lạc

                                                                                                                       Trích: Mười hai cửa vào đạo