Thắp sáng nội tâm khác xa với điều phục tâm
Con rất dễ nóng giận, khi gặp chuyện không như ý là con sẽ nổi nóng và không kiềm chế được lời nói, nhất là với con cái. Con có thực hành một số phương pháp điều phục cơn giận nhưng không thành công. Xin Thầy hướng dẫn con cách điều phục cơn giận của mình. Con xin tri ân Thầy.
Trả lời:
Câu hỏi như thế này Thầy đã nghe không dưới 100 lần, có vẻ như bây giờ ai cũng nóng giận nhiều thì phải. (cười…)
Bản thân Thầy cũng đã từng như vậy, ngày xưa Thầy “nóng” dữ lắm. Hồi Thầy mới vô chùa tu học, Thầy lo “Chết rồi! Kiểu này mình không thể nào tu được! Đụng thứ gì cũng thấy mình vẫn còn rất xấu xa, tu cho đến bao giờ mới giác ngộ giải thoát được đây!” (cười…)
Nhưng té ra không phải vậy, chúng ta cứ sai lầm ở chỗ thấy mình sân thì tìm cách làm sao để diệt sân, thấy mình tham liền tìm cách làm sao để diệt tham. Tu học không phải là như vậy!
Tu học chỉ là thường tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác, tức đơn giản là thường sáng suốt biết mình.
Tại sao lại phải thường sáng suốt biết mình?
Khi thường sáng suốt biết mình thì:
Ban đầu mình mới biết THÂN,
Dần dần mình sẽ biết rõ những cảm giác cảm xúc, tức biết THỌ,
Sâu hơn nữa mình biết rõ thái độ TÂM của mình,
Và cuối cùng mình thấy rõ sự ràng buộc giữa mình và các PHÁP như thế nào trong từng khoảnh khắc
Khi rõ biết hoàn toàn chính mình, thì bất kỳ cái gì khởi lên mình cũng biết ngay, và biết cả cái tâm thanh tịnh trong sáng khi chưa có gì khởi lên.
Nếu mình có thể trong mọi hành động đi-đứng-nằm-ngồi làm mọi chuyện vẫn thấy cái tâm thanh tịnh trong sáng ấy không khởi lên điều gì cả thì người ta gọi là “thấy bản lai diện mục lúc chưa sinh”. Trong mọi sinh hoạt của đời sống mà thấy tâm luôn vắng lặng, rõ ràng minh bạch, không khởi lên gì cả tức mình đã không còn “động tâm” khi đối cảnh nữa.
Còn nếu tâm mình chưa tới trình độ ấy thì cứ khi tham thì thấy tham, khi sân thì thấy sân, khi đi thì biết đi, khi đứng thì biết đứng, khi nằm biết nằm, khi ăn biết ăn, làm gì cũng biết hết… nên cái biết ấy dần dần nó không bị rơi vào tình trạng vô ký, tình trạng si mê mà cái biết ấy sẽ trở nên thông suốt.
Khi ấy tâm sân vừa mới khởi lên là đã biết liền, tâm tham vừa mới khởi lên là đã biết liền nên chúng không thể mạnh lên được nữa mà tự động chuyển hóa.
Một thời gian cứ thực hành trọn vẹn rõ biết thì tâm trở nên trong sáng, tâm sân tâm tham không thể khởi lên được nữa. Cho nên giờ Thầy mới tự tin mà đi giảng pháp, chứ hồi xưa tham-sân-si đầy mình sao dám đi giảng cho ai! (cười…)
Qua trải nghiệm Thầy thấy rõ ràng nếu mình tu học đúng hướng thì tham-sân-si tự đoạn giảm, nên những gì Đức Phật dạy Ngài gọi là “hạnh đoạn giảm”. Khi mình thường tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác, hay là thường trọn vẹn rõ biết thì tham-sân-si liền tự động đoạn giảm.
Khi ấy tự nhiên mình biết:
Cái gì nên làm, cái gì không nên làm – đó chính là GIỚI,
Khi nào tâm nên khởi, khi nào không khởi tâm – đó là ĐỊNH,
Như căn phòng đang tối, mình bật đèn lên thì bóng tối tự lui, tương tự khi thắp sáng tánh biết lên thì tham-sân-si cũng tự lui khỏi nội tâm mình…
Thầy Viên Minh