Thập như thị (Phần 5)
Ở cương vị hành giả, con đường tiến tu từ khởi điểm có tâm phàm phu đến chỗ giải thoát có tâm vô ngại tự tại, Phật học gọi là tâm Không gồm những chặng đường như sau…
3. Nguyên do pháp quán thập như thị (tiếp theo)
Chặng đường khởi tín
Đây là chặng đầu tiên con người sống ở thế gian chưa có danh xưng gọi là hành giả vì chưa cất bước đi đầu tiên trên đường giải thoát. Chặng này bắt đầu từ lúc con người có nhận thức về cuộc sống và thân mình, chấm dứt ở thời điểm khởi tín tâm bắt đầu có niềm tin vào Phật có tâm từ bi cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ não.
Trong suốt chặng đường này con người dung tục có danh xưng gọi là phàm phu, chưa hội duyên tu học dù đã có thiện căn gieo nhân lành từ nhiều kiếp trước. Con người mang tâm phàm phu còn vô minh mê đắm trong Dục Giới và Sắc Giới, bị tham ái dục vọng và giả tướng lôi cuốn, chưa biết gì về Vô Sắc Giới. Con người phàm phu chưa biết sống với chính mình, Phật học gọi là Chân ngã tức tự tánh bẩm sanh của chính mình, mà chỉ sống với Vọng ngã nên không nhận thức được chính xác tự thân mình, chưa nhận thức ra Bản Lai Diện Mục của chính mình. Nói cách khác, kẻ phàm phu không tự làm chủ được thân mình mà là nô lệ cho vọng tình, vọng thức trong con người của chính mình.
Chặng đường Thanh Văn
Chặng thứ hai kể từ lúc khởi tín tâm đến khi hành giả tiến tu trên đường giải thoát và đắc quả Thanh Văn ở cuối chặng đường. Hành giả bắt đầu chập chững đi trên đường Chánh Đạo, Vọng thức dần dần thành Tỉnh thức, Vọng ngã thành Chân ngã, Vọng tâm thành Chân tâm, Điên đảo thành Thanh tịnh, Tham dục thành Tín nguyện… Tóm lại, hành giả có cuộc sống mới, nhìn thấy Bản lại diện mục của chính mình, nhìn vào sự sinh hoạt ở thế gian với một nhân sinh quan mới: Khổ là Sự thực, là Chân lý. Đời sống là biển khổ trầm luân. Tu là diệt khổ. Muốn Diệt khổ phải tin theo và làm theo Chánh Đạo. Ở cuối chặng đường Thanh Văn hành giả đã phá được chấp ngã, nghĩa là Diệt ngã, không biết đến Vọng ngã nữa mà chỉ sống với Chân ngã trong từ thân mình, thoát khỏi Dục Giới nhưng chưa ra khỏi Sắc Giới.
Chặng đường Duyên Giác
Duyên Giác còn gọi là Độc Giác vì chỉ tự giác tự độ, chưa phát tâm Bồ Đề giác tha độ tha. Chặng thứ ba này kể từ khi Diệt ngã thoát khỏi Dục Giới, bắt đầu hành trì phá chấp tướng cho đến khi tất cả pháp tướng đều chứng giải là Không, tất cả thế gian pháp tức thế giới hiện tượng đều là giả tướng, là hình sắc huyễn ảo hư không. Ở cuối chặng đường thứ ba hành giả chứng được quả Duyên Giác thoát khỏi Sắc Giới.
Chặng đường Bồ-tát
Đây là chặng thứ tư và chót cùng trên đường giải thoát kể từ khi phát tâm Bồ-đề tu tập giác tha độ tha, nghĩa là quên tự thân mình và giúp người. Ở cuối chặng đường này hành giả chứng quả Bồ-đề, ở vào hàng Bồ tát thoát khỏi Vô Sắc Giới, nghĩa là giải thoát hoàn toàn khỏi Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới).
Chính ở thời gian đi suốt chặng đường chót cùng này hành giả sơ phát tâm Bồ Đề nhưng chưa gạn lọc thải bỏ hết được cặn dơ vi tế trong tâm thức. Đây là tình trạng tín lực, niệm lực và tinh tấn lực đã đầy đủ dũng mãnh nhưng chưa hội đủ định lực và tuệ lực cần thiết để tỉnh giác đi đến mục tiêu cửu cánh là Giải thoát. Hành giả không còn chấp pháp thế gian nhưng chưa phá được chấp pháp xuất thế gian. Hành giả còn chấp vào tướng chứng đắc Phật quả, tướng cứu độ chúng sanh, tướng chứng nhập Niết-bàn. Nói cách khác, hành giả đã phá được chấp pháp tướng SẮC, tướng CÓ (hay HỮU), nhưng chưa phá được chấp pháp tướng không, hành giả nhận thức được vạn pháp là vô thực nhưng chưa nhận thức được là vô hư trong khi vạn pháp là như như bất động vô thực vô hư.
Với hàng Bồ-tát, Đức Phật dạy rằng Vạn pháp như như bất động, vô thực vô hư trình bày trong pháp môn Lục độ ba-la-mật. Với hàng Duyên Giác, Đức Phật dạy Thập nhị Nhân Duyên (5), cả thập bát giới (6) là KHÔNG, là HƯ. Với hàng Thanh Văn, Đức Phật dạy Tứ diệu đế xác nhận bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt và Đạo là Sự thực, là có, là sắc, là thực. Đức Phật đã tùy duyên hóa độ, tùy trình độ khả năng nhận thức hội nhập của các đệ tử mà chọn lựa pháp môn thích ứng giống như vị thầy thuốc giỏi tùy căn bệnh khác nhau của người ốm đau mà kê toa khác nhau.
Quy kết lại một câu hỏi: Như vậy, Đức Phật đã thực sự dạy điều gì ? Có hay không? Hay vô thực vô hư, chẳng phải CÓ mà cũng chẳng phải không? Thông suốt được tất cả những lời dạy này là thực chứng được hai chữ như thị, quán giải tịch là vắng lặng như Hư Không, chiếu là hiển minh ở vạn pháp. Như như bất động vô thực vô hư Là Tịch mà Chiếu, Chiếu mà Tịch. Tâm kinh Bát nhã ba la mật có câu lý giải lý Sắc Không giúp cho sự thông suốt hai chữ như thị: Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Diễn nôm: Sắc chẳng khác Không. Không chẳng khác Sắc; Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Lời dẫn giải này do Đức Phật nói ra dạy lý Sắc Không, người nghe là Đại Bồ tát Xá Lợi Phất. Người nghe không thuộc hàng Đại Bồ tát không đủ trí tuệ để sáng tỏ thêm được nội dung lời dạy.
Một người bình thường đi tắm biển quan sát mặt biển nhận thấy bằng phẳng nằm ngang giống như mặt cái bàn. Bất cứ ai đi tắm biển cũng nhận thấy như thế.
Một nhà khoa học nhận thấy mặt biển chiếm ba phần tư tổng số diện tích trái đất có hình khối cầu tròn, do đó mặt biển có hình cong tròn bọc quanh vỏ trái đất giống như ba phần tư vỏ trái cam bọc ngoài quanh các múi cam bên trong. Lập luận này ai cũng tin là như thế.
Một hành giả thuộc hàng Bồ-tát đã thực chứng lý Như thị nhận thấy mặt biển phẳng hay cong thì cũng chẳng khác nhau, phẳng chính là cong và cong chính là phẳng. Hai tướng phẳng và cong là một. Hành giả nào đắc quả Bồ-đề cũng đều nhận thấy như thế.
Cả ba cái như thế ở ba trường hợp riêng biệt phối hợp lại là lý Như thị trong pháp môn Quán chiếu Thập Như thị. Sở dĩ có ba cái như thế khác nhau là vì có ba trình độ trí tuệ khác nhau, ba chỗ đứng khác nhau, ba cách quan sát quán chiếu khác nhau tuy rằng cùng một đối tượng duy nhất là mặt biển.
Ngoài ra người thiện học phân biệt rõ ràng hai phương pháp luận lý khác nhau:
Luận lý trong Triết học đưa ra hai hay nhiều để dứt khoát chọn một, hoặc khẳng định là CÓ hoặc phủ nhận là không, đã có thì không thể là không và đã không thì không thể là có, đã đúng thì không sai và đã sai thì không đúng… Trường hợp mặt biển đã phẳng thì không cong, đã cong thì không phẳng.
Luận lý trong lý Sắc Không đưa ra Hai tướng sắc và không để rồi lập luận chỉ có Một: Sắc và không không phải là hai tướng khác nhau. Sắc là không, không là sắc. Do đó hai tướng chỉ là một, chẳng phải hai tướng, Phật học gọi nhất như, bất nhị. Trường hợp mặt biển lập luận rằng phẳng chẳng khác cong, cong chẳng khác phẳng vì phẳng chính là cong, cong chính là phẳng. Do đó phẳng và cong chỉ là một, không phải hai.
Luận lý vừa trình bày ở trong Tâm kinh Bát-nha-ba-la-mật. Theo tựa đề kinh này, Phật dạy khả năng Tâm thức hàng Đại Bồ-tát đã chứng quả Bồ-đề có tính siêu việt, vượt ra ngoài mức độ bình thường. Lối nói theo luận lý trong Kinh Kim Cang Bát-nhã-ba-la-mật ở trường hợp quan sát mặt biển như sau: Mặt biển bảo là phẳng cong nhưng không phải phẳng cong, chính thế nên gọi là phẳng cong. Đây là lối lý luận của bậc Bồ-tát có trí tuệ siêu việt, danh từ Phật học gọi là Bát-nhã-ba-la-mật.
Cả hai lối luận lý ba-la-mật được dẫn giải bằng lối luận lý thông dụng bình thường dễ hiểu như sau: Mặt biển bảo là phẳng là do người quan sát thường dân ở vị trí gần, bảo là cong là do người quan sát ở vị trí rất xa đặc biệt như nhà khoa học không gian đã chụp hình trái đất từ phi thuyền không gian. Cả hai nhận thức đều đúng cả, chỉ khác nhau khi dùng ngôn ngữ để diễn tả. Hai lối luận lý ba-la-mật mới nghe như trái tai nhưng thực ra rất đúng (xem dẫn giải tường tận ở chú thích 7).
(còn tiếp).
Bảo Thông