Thánh tích Nga Mi Sơn – điểm đến đẹp như tranh vẽ

Nga Mi Sơn là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc, đó là: Ngũ Đài Sơn – Sơn Tây, Phổ Đà Sơn – Triết Giang, Cửu Hoa Sơn – An Huy và Nga Mi Sơn – Tứ Xuyên.

Nga Mi Sơn tọa lạc trong thành phố Tứ Xuyên, nằm ở thượng du sông Trường Giang, đứng sừng sững giữa hai con sông Đại Độ và Thanh Y, về phía tây nam thành phố Nga Mi Sơn 7 km, hướng đông cách thành phố Lạc Sơn 37 km. Là danh sơn Phật giáo và là thắng địa du lịch nổi tiếng, được xưng tụng là “Nga Mi thiên hạ tú” (Núi Nga Mi đẹp nhất trong thiên hạ), đây là sự dung hợp giữa văn hóa Phật giáo và phong cảnh thiên nhiên, làm thành một danh lam thắng cảnh sơn nhạc (núi đồi) cấp quốc gia.

Nga Mi Sơn đón bình minh

Nga Mi Sơn đón bình minh

Đến thăm Nga Mi Sơn

Đỉnh Vạn Phật là ngọn núi chính của Nga Mi, độ cao so với mặt biển là 3079.3m. Hình thế toàn núi vô cùng nguy nga hùng tráng, hoa cỏ xanh tươi, hương thơm sực nức, cho nên gọi là “hùng tú”. Vì ở trên độ cao có thể quan sát toàn bộ diện tích to lớn của nó, nên tuyến đường lên núi gần vài trăm dặm, đã hình thành sự thử thách lớn đối với những người thường leo núi.

Những năm gần đây, kiến tạo đường dây cáp leo núi, người du lịch có thể nhẹ nhàng lên núi, có thể nhìn ngắm vạn dặm biển mây, có thể thưởng thức bốn phong cảnh tuyệt đẹp: “Nhật xuất” (mặt trời mọc), “vân hải” (biển và mây), “Phật quang” (hào quang của Phật) và “Thánh đăng” (đèn Thánh).

Kim Đỉnh núi Nga Mi so với độ cao mặt biển là 3079.3m, nhìn xa xa, lúc mặt trời mới mọc cảnh tượng càng thêm bao la hùng vĩ. Khi trời vừa hưng hửng tỏa ánh sáng mờ nhạt trên mặt đất, thì trên khoảng trời bao la kia như mở ra một tia sáng. Từng sợi từng sợi màu đỏ hồng quyện nhau trôi lãng đãng, cả vùng trời như bao phủ đủ loại màu sắc xanh lam tím thẩm. Trong khoảnh khắc, lại chuyển sang màu đỏ tím, từ từ nhô lên, dần dần biến thành cây cung nhỏ, hình bán nguyệt; từ màu cam đổi thành màu vàng đỏ, sau đó hơi lay động, kéo theo một luồng ánh sáng trong phút chốc tan biến đi. Lúc này vầng mặt trời tròn tròn bắt đầu treo lơ lửng trên không. Vầng kim ô mọc ở phương đông, ánh sáng bủa khắp trời, muôn đạo kim quang tỏa khắp đại địa.

Khi muôn dặm trời quang, thì mây trắng từ trăm núi nghìn khe chầm chậm lên cao, biển mây bao la mù mịt lúc này giống như tấm thảm nhung trắng như tuyết, tấm thảm tinh khiết rạng rỡ ấy trải rộng tận chân trời, không còn thấy đâu là bờ mé.

Khi những luồng gió núi thình lình đi qua, thì biển mây lay động di tản khắp nơi, những ngọn núi ấy như biến thành các hòn đảo nhỏ trong biển mây. Khi biển mây tụ lại, thì trăm núi nghìn khe như ẩn mất. Biển mây lúc tan lúc hợp, giống như “con rắn xanh nhảy múa trên núi”, cảnh tượng vô cùng bao la hùng vĩ.

Phật cảnh giữa nhân gian

Phật cảnh giữa nhân gian

Lên núi Nga Mi khi thời tiết trong sáng không một gợn mây, sẽ nhìn thấy sương mù dày đặc, nếu có người đứng trên Kim Đỉnh nguy nga quay lưng về phía mặt trời, thì ánh sáng từ mặt trời tỏa ra sau lưng họ, màn sương mù phía trước xuất hiện một vầng sáng hình cầu vồng. Bóng của họ sẽ hiện ra ở giữa, và bóng theo người, hình ảnh không rời, đây chính là “Phật Quang”.

Dù cho có đến hàng trăm hàng nghìn người du lịch cùng xem, thì mỗi người cũng chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình bị phủ trùm bởi vầng sáng. Quang cảnh kỳ lạ như thế, tuyệt đối khắp bốn biển năm châu đều có, nếu tâm có cảm thì thân sẽ ứng hiện, còn chập chờn mộng mị như có như không, thì chỉ là ảo giác.

Đây chính là tiên cảnh cõi nhân gian, vô cùng thần kỳ, vô cùng huyền diệu, “Phật Quang” này còn gọi là “Nga Mi Bảo Quang”. Phật quang là hiện tượng tự nhiên, vì ánh mặt trời xạ chiếu trên sương mù mà hình thành. Phật quang bình quân mỗi năm xuất hiện hơn 70 lần, xuất hiện tương đối nhiều là khoảng 14 giờ đến 16 giờ.

Thánh Đăng, còn gọi là “Phật Đăng”, tại Kim Đỉnh vào những đêm tối không trăng, dưới “Xã thân nhai” thường xuất hiện những chấm tròn sáng màu xanh lục, từ một chấm, rồi hai chấm cho đền hàng nghìn hàng vạn chấm, nhấp nháy giống như chòm sao dày đặc đang nhảy múa trên không, lay động không ngừng trong sơn cốc tối om, mọi người gọi là “muôn ngọn minh đăng bái Phổ Hiền”.

Hiện tượng “Thánh Đăng” rất kỳ đặc, đối với điều này có nhiều sự giải thích không giống nhau: Đa số cho rằng đó là lửa lân tinh của sơn cốc; giải thích khác cho rằng, đó là một loại nấm mọc dày đặc trên các thân cây, khi tiếp nhận độ ẩm của không khí nó sẽ tự nhiên phát sáng…

Nga Mi Sơn - Đạo tràng của Bồ-tát Phổ Hiền

Nga Mi Sơn – Đạo tràng của Bồ-tát Phổ Hiền

Nhân duyên kỳ đặc

Theo truyền thuyết được ghi lại trong tư liệu “Nga Mi Sơn Chí”: Năm thứ 6 niên hiệu Vĩnh Bình vua Minh Đế đời Đông Hán (CN 63), “ngày 1/6, có một người tên là Bồ Công, đi hái thuốc ở Vân Oa, thấy dấu chân con lộc y (con huơu) giống như hoa sen, thấy lạ đuổi theo nhưng không có dấu vết”. Nhân đó, hỏi Hòa thượng Bảo Chưởng, người cất am tranh tu hành trên núi, Hòa thượng nói Bồ-tát Phổ Hiền “theo bản nguyện mà hiện thân ở núi Nga Mi”.

Sau khi trở về, Bồ Công lập tức sửa căn nhà của mình thành ngôi chùa, từ đó núi Nga Mi trở thành đạo tràng Bồ-tát Phổ Hiền.

Tư liệu khác cho rằng, có người tên là Phổ Công đời Tấn lên núi hái thuốc, thấy ông già cưỡi voi trắng, thoáng chốc thì ẩn mất. Trên cơ bản ghi chép, sau này các nhà sử học đều cho là nhất trí. Theo sự tín ngưỡng và truyền thuyết, về sau trải qua nhiều đời trùng tu xây cất chùa chiền trên núi Nga Mi, đều lấy hình tượng Bồ-tát Phổ Hiền làm trung tâm, đồng thời phát triển trở thành một trong bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc.

Tương truyền, cuối đời Hán thế kỷ thứ I CN, Phật giáo truyền vào núi Nga Mi, và xây dựng tự viện nơi đây, biến núi Nga Mi thành đạo tràng của Bồ-tát Phổ Hiền, chủ yếu là phụng thờ Phổ Hiền đại sĩ. Họ tin tưởng Nga Mi là nơi Bồ-tát Phổ Hiền hiển linh thuyết pháp giảng kinh.

Theo kinh Phật ghi lại, Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền cùng là hai thị giả đắc lực của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù tiêu biểu cho “Trí”, Phổ Hiền tiêu biểu cho “Đức”. Bồ-tát Phổ Hiền rộng tu mười hạnh nguyện, còn gọi là “thập đại nguyện vương”, nhân đây mà được tôn hiệu là Đại hạnh Phổ Hiền. Hình tượng Bồ-tát Phổ Hiền là cưỡi voi trắng sáu ngà, tượng trưng hạnh nguyện rộng lớn, công đức viên mãn.

Nga Mi Sơn nhìn từ trên cao

Nga Mi Sơn nhìn từ trên cao

Tương truyền, đời Đông Hán, trên núi đã có Đạo giáo cung quán. Sau khi núi Nga Mi được tôn là đạo tràng Bồ-tát Phổ Hiền, Đạo giáo đã chuyển sang Phật giáo.

Đến thời kỳ Đông Tấn (CN 317-420), cao tăng Tuệ Trì, thiền sư Minh Quả… lần lượt đến núi Nga Mi trụ tích tu trì.

Vào thời kỳ Đường Tống (618-960), Phật giáo và Đạo giáo cùng tồn tại, chùa miếu, cung quán đều phát triển rất mạnh. Khoảng giữa đời Minh (1644-1662), Đạo giáo suy vi, Phật giáo ngày càng hưng thịnh, chư Tăng gần 2.000 người, toàn núi có gần 100 ngôi chùa lớn nhỏ. Cuối đời Thanh, chùa được hơn 150 ngôi.

Phật giáo phát triển trải qua gần 2.000 năm, di sản văn hóa Phật giáo đã để lại cho núi Nga Mi rất phong phú. Những bậc cao tăng đại đức thành tựu đạo hạnh nơi núi Nga Mi rất đông, khiến cho núi Nga Mi dần dần trở thành thánh địa Phật giáo Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Phật giáo núi Nga Mi thuộc về Phật giáo Đại thừa, tăng đồ phần nhiều là môn nhân của tông Lâm Tế và tông Tào Động.

Có 8 ngôi chùa, miếu lớn nổi tiếng trên núi Nga Mi: chùa Báo Quốc, chùa Phục Hổ, chùa Tiên Phong, chùa Vạn Niên, chùa Kim Đỉnh Hoa Tạng, Thanh Âm các, Hồng Xuân Bình, Tẩy Tượng trì (ao tắm voi). Các ngôi chùa Ni chúng tu hành: chùa Phục Hổ, chùa Lôi Âm, chùa Thiện Giác, Thuần Dương điện, Thần Thủy các.

Trên Nga Mi Sơn có nhiều chùa, miếu thờ

Trên Nga Mi Sơn có nhiều chùa, miếu thờ

Tượng thờ trong các tự viện: có tượng được đắp bằng đất sét, điêu khắc bằng gỗ, chế tạo bằng gốm, bằng ngọc, đúc đồng, đúc sắt, thêu lụa… các tượng này tạo hình sinh động, nghệ thuật tinh xảo. Như đức “Phổ Hiền cưỡi voi” bằng đồng tại chùa Vạn Niên cao 7.85m, đúc vào đời Tống, đã có trên 1.000 năm lịch sử, có thể gọi là một tuyệt phẩm trong núi, và là di sản văn hóa được bảo hộ cấp quốc gia. Tam thân Phật được đúc bằng đồng, thất Phật được thêu trên lụa… tại chùa Báo Quốc, đều là những bức tượng trân quý của Phật giáo Nga Mi.

Ngoài ra còn có kinh lá bối xưa, tháp Hoa Nghiêm bằng đồng, bia Kim Đỉnh bằng đồng, ấn Phổ Hiền bằng vàng… đều là văn vật vô cùng trân quý của Phật giáo.

Di sản văn hóa Phật giáo đã để lại cho núi Nga Mi rất phong phú

Di sản văn hóa Phật giáo đã để lại cho núi Nga Mi rất phong phú

Đây chính là tiên cảnh cõi nhân gian, vô cùng thần kỳ, vô cùng huyền diệu, 'Phật Quang' này còn gọi là 'Nga Mi Bảo Quang'

Đây chính là tiên cảnh cõi nhân gian, vô cùng thần kỳ, vô cùng huyền diệu, “Phật Quang” này còn gọi là “Nga Mi Bảo Quang”

Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền cùng là hai thị giả đắc lực của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù tiêu biểu cho 'Trí', Phổ Hiền tiêu biểu cho 'Đức'

Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền cùng là hai thị giả đắc lực của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù tiêu biểu cho “Trí”, Phổ Hiền tiêu biểu cho “Đức”

Lên núi Nga Mi khi thời tiết trong sáng không một gợn mây, sẽ nhìn thấy sương mù dày đặc

Lên núi Nga Mi khi thời tiết trong sáng không một gợn mây, sẽ nhìn thấy sương mù dày đặc

Thanh Như