Thanh thản trong việc “cho” và “nhận”
Do dấu ấn về sự túng bấn lúc nhỏ, tôi tiêu xài khá dè dặt, bố thí rất khiêm nhường. Tôi chỉ nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sự cảm thông hoặc giúp đỡ người khác về thời gian, công sức, lời nói. Hoặc dựa vào các mối quan hệ xã hội, tôi giúp họ chuyện này việc kia… chứ rất hạn chế giúp đỡ vật chất vì tôi lo cuộc sống mình có bất trắc rồi sẽ quay về cảnh khốn cùng thời niên thiếu!
Khi bắt gặp chân lý “Chân thật tâm, xa rời các việc xấu ác, làm các việc lành là trọn lành”, tôi khá hài lòng với mình vì thấy bản thân nhiều lúc đã sống “na ná” như vậy! Nhưng, quán xét kỹ tôi biết rằng từ sự “na ná” đến sự “giống y chang” có một khoảng cách rất xa. Tôi tự soi và thấy mình: chân thật tâm có nhưng chưa trọn vẹn, chưa triệt để xa lìa việc xấu ác, có làm các việc lành nhưng còn quá khiêm nhường…
Ảnh minh hoạ.
Những người thành đạt quanh mình (đa phần) thường rất bận rộn, tâm luôn xao động về dự án này, công trình kia, những rủi ro trong công việc, lo sợ bị cướp bóc, tống tiền,… Do đó, dù sống trong giàu sang nhưng trong lòng họ vẫn bất an.
Ôm giấc mơ tạo dựng một cuộc sống giàu sang nên tôi không ngừng tích lũy của cải, gom góp mọi thứ có thể được về cho mình, hầu như chưa bao giờ cảm thấy đủ. Tôi cứ mải mê suy tính, tổn hao tâm trí, sức lực vì điều đó! Tôi đóng góp ít ỏi cho các chương trình an sinh xã hội, các đợt vận động quyên góp… Dường như tôi chỉ đóng góp ở mức tối thiểu theo quy định của chính quyền hay các đoàn thể.
Và tôi nghĩ cần phải san sẻ thường xuyên. Giả sử hôm nay dự định tiêu xài mười đồng, tôi chỉ xài chín đồng, một đồng để dành làm “quỹ tặng quà”. Tiêu xài mười đồng hay chín đồng sẽ không làm cho cuộc sống của gia đình tôi có sự khác biệt lớn, hoàn toàn không khiến cho tôi trở nên khó khăn hơn. Trong khi một đồng kia cùng với sự đóng góp của nhiều người, lại có thể đưa người khốn khó ra khỏi hoàn cảnh bế tắc, có khi thoát chết… Khi cả cộng đồng biết nhường cơm sẻ áo, mỗi người chỉ cần đóng góp một vài đồng tùy theo khả năng, vậy là người cơ nhỡ được cứu giúp!
Một người nghèo vẫn có thể chia sẻ một phần thực phẩm hay tiền bạc ít ỏi của mình cho một người nghèo khổ hơn. Tâm từ ai cũng có chứ không phải chỉ có ở người giàu sang như nhiều người thường nghĩ: Đủ ăn, đủ mặc mới nghĩ đến hay lo cho người khác được! Khi thực hành hạnh tặng quà, san sẻ với tha nhân đã cho tôi nhận ra điều đó.
Thông thường, người ta tích lũy tài sản để phòng thân, lo cho gia đình và người thân (con cái, cha mẹ…), phòng ngừa những bất trắc có thể xảy ra như bệnh tật, tai nạn, hỏa hoạn, làm ăn thất bát, bị trộm cắp,… Nhưng, chỉ vì lo cho mình mà gom góp thật nhiều của cải từ cộng đồng, rồi khư khư cất giữ trong khi bao người quanh mình đang thiếu thốn, đói khát thì thật nhẫn tâm! Không thể nghĩ những gì có được là của riêng ta, bởi cá nhân một con người không thể tạo ra ngần ấy của cải.
Có người mắc bệnh nan y, các thầy thuốc đã bó tay nhưng vẫn dốc nhiều tiền duy trì hơi thở thêm một thời gian, có khi chỉ đôi ba ngày với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Như thế cũng là ích kỷ! Nếu san sẻ của cải đó cho cộng đồng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho biết bao người thay vì níu kéo một sinh mạng đã vô phương cứu chữa…
Những bất trắc, rủi ro có thể là hậu quả của các lỗi lầm hay nghiệp quả trong quá khứ, nên phải đón nhận, giải quyết cho xong, giống như người mắc nợ phải luôn sẵn sàng trả nợ. Do đó, thay vì phập phồng chờ đợi, lo sợ về những điều bất hạnh chưa đến, hãy bình thản đón nhận những bất trắc không thể tránh né có thể đến trong tương lai.
Nhờ san sẻ, người nghèo khó được no ấm, dần đến sung túc, giàu sang, rồi lại tiếp nối làm các việc lành, tiếp tục san sẻ giúp những người cơ nhỡ khác như mình đã từng được giúp đỡ trước đây, cứ tiếp nối như vậy không ngừng, tài sản càng phát huy giá trị khi được sử dụng đúng phương châm sống: “Nhường cơm sẻ áo”.