Thanh tao như trà
Không biết từ khi nào, có lẽ từ lâu lắm rồi, trà là một trong những thứ không thể thiếu trong các gia đình của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Như câu nói sau đây: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”. Nghĩa là trong nhà lúc nào cũng phải có 7 thứ là: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Uống trà không chỉ là thói quen “Ăn xong uống một chén trà” mà còn là một truyền thống, một nét văn hóa “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã có từ lâu đời của người Việt ta. Và nhất là vào những dịp Tết đến thì trà càng không thể thiếu trong câu chuyện ngày xuân.
Có lần tôi tham dự cuộc thi viết về trà. Điều đặc biệt của cuộc thi này là nhuận bút và giải thưởng đều trả bằng trà. Khi cầm những gói trà được gửi từ Ban Tổ chức, tuy là giá trị vật chất không đáng bao nhiêu, nhưng sao tôi thấy vui lạ. Có lẽ do tôi nghĩ rằng đây không phải là trà bình thường mà là trà nhuận bút, tức là trà của những người hiểu và yêu trà. Tôi thỉnh thoảng cũng có viết bài đăng báo. Nhưng sao khi nhận nhuận bút bằng tiền, mặc dù cũng vui, nhưng niềm vui khi nhận nhuận bút bằng trà rất lạ, cứ như cung đàn ngân nga, rộn rã mãi trong lòng.
Tôi coi những gói trà nhuận bút đó còn quý hơn cả nhuận bút bằng tiền. Tôi vui là vì trong mối tương giao này mọi thứ không dùng đồng tiền để đo lường, để trao đổi, mà chỉ có những giá trị tinh thần thanh cao, trong sáng. Tôi có lần nói vui với huynh đệ rằng, ai phát minh ra tiền chính là tội nhân thiên cổ vì đã đưa nhân loại vào vòng tội lỗi, làm suy thoái đạo đức và bào mòn các giá trị nhân văn. Nhuận bút bằng trà, trong trường hợp này, là nhuận bút cao nhất, là sự kính trọng nhất đối với tác giả. Vì nếu trả bằng tiền thì coi thường trà quá. Trà sẽ có mùi tiền, và như vậy thì mùi vị của trà đã nhạt mất rồi, biến đổi mất rồi, trà sẽ không còn ngon nữa. Trả nhuận bút bằng trà phải chăng hàm ý rằng chúng ta hãy yêu trà bằng tình yêu thuần khiết thanh cao, và hãy tỉnh táo trước sự cám dỗ của cuộc đời, mà cụ thể là tiền bạc.
Vâng, bản thân trà là sự tỉnh thức. Tương truyền, có một lần trong khi đang ngồi thiền, Tổ Bồ Đề Đạt Ma bỗng ngủ gục. Ngài bực quá liền cắt mí mắt cho tỉnh ngủ. Mí mắt ấy rơi xuống đất và mọc lên thành cây được gọi là trà. Lá của cây ấy có tác dụng chống buồn ngủ, làm cho tinh thần tỉnh táo. Từ đó những người ngồi thiền thường hái lá trà uống để được tỉnh táo khi ngồi thiền. Có lẽ đây chỉ là truyền thuyết để giải thích tính “tỉnh thức” của cây trà chứ các nhà khảo cổ học phát hiện trà đã có hàng ngàn năm trước rồi, ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khi người ta nói “Thiền trà nhất vị” chính là muốn nói đến tinh thần, ý chí của việc uống trà. Nếu ta không hiểu về thiền, không ngộ được thiền ý thì khi uống trà ta sẽ không cảm nhận được sự đồng nhất giữa trà và thiền. Khi uống trà lòng phải tỉnh, tinh thần phải thư thái, từ từ cảm nhận hương vị của chén trà để đưa lòng mình hòa vào cái tĩnh lặng, bình yên của vũ trụ bao la. Thiền và trà đều chung một mục đích, đó là tìm đến sự thăng hoa, thuần khiết và nhất là sự tỉnh thức của tâm hồn. Giữa cuộc sống xô bồ ngày nay, tỉnh thức là vô cùng cần thiết. Sống tỉnh thức là duy trì ý thức trong từng giây phút hiện tại trên mỗi công việc mà mình đang làm, không để tâm bận bịu với quá khứ, viển vông mơ tưởng đến tương lai. Tỉnh thức để biết rõ những gì đang diễn ra với mình và cuộc sống quanh mình. Tỉnh thức để tâm ý được minh mẩn để có được những quyết định sáng suốt để thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tỉnh thức để không bị cám dỗ bởi vị ngọt của ngũ dục, lục trần vậy.
“Ai hay trong một tách trà
Có hồ sen ngát mượt mà đưa hương”.
Và dĩ nhiên là phải có bản thân người đang thưởng thức trà là ta đây nữa. Ta là một phần của vũ trụ cũng như vũ trụ chứa đựng trong ta. Thấy được điều này ta thấy yêu thương đất trời, yêu thương mọi người và vạn vật hơn. Vì họ là một phần không thể thiếu trong ta. Ta không thể sống nếu thiếu họ. Họ tốt thì ta mới tốt. Và ta tốt ta cũng góp phần làm cho thế giới tốt hơn. Khi uống trà, nước trà đi vào cơ thể ta và ta với trà hòa lại làm một, trong trà có ta, và trong ta có trà, có vũ trụ đất trời, có tình người tình đời. Tất cả đều được chứa đựng trong một ngụm trà buổi sớm mai. Thật là vi diệu biết bao!
Uống trà còn là thú vui tao nhã, thanh cao. Thú vui cuộc đời nói chung có hai loại là thanh cao và không thanh cao. Thú vui không thanh cao là thú vui thiên về vật chất, chạy theo tình tiền danh lợi, tranh giành được mất hơn thua; nó bắt nguồn và cũng là nguyên nhân tạo ra sự ích kỷ và kết quả là đưa đến khổ đau cho mình và người khác. Còn thú vui thanh cao thì thiên về tinh thần, tình cảm, không ích kỷ tranh giành mà là chia sẻ. Càng chia sẻ thì niềm vui càng phong phú. Cho nên uống trà phải có bạn, trà tam rượu tứ. Nói uống trà là một thú vui thanh tao, bao hàm hai ý nghĩa. Một là bản thân việc uống trà là thanh cao và hai là uống trà làm cho tâm hồn người ta trở nên thanh cao. Rượu làm cho người ta say, tiền làm cho người ta mê, địa vị và danh tiếng làm cho tâm hồn người ta đen tối và gây ra tội lỗi; còn uống trà chỉ làm cho tâm hồn người ta tỉnh táo và thánh thiện hơn mà thôi.
Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh sổ tràn trà.
Nhất nhật cứ như thử.
Lương y bất đáo gia.
Nghĩa là:
Nửa đêm ba chén rượu
Sáng sớm một tuần trà
Mỗi ngày cứ như thế
Thầy thuốc không đến nhà.
“Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên”. Nghĩa là: Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành tiên. Trà không chỉ là thức uống tốt cho sức khỏe mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa và triết lý nhân sinh sâu sắc. Khi Tết đến, người ta mua những loại trà thật ngon để tặng nhau, và cùng với các loại bánh mứt, cùng nhau thưởng thức chén trà thơm mát như nhắc nhở nhau hãy sống mạnh khỏe, tỉnh thức và thanh tao… như trà.
Thích Trung Hữu