Tháng 5 tới đỉnh thiêng Fansipan dự lễ Phật đản, ngắm mùa hoa hồng tựa cổ tích

Từ ngày 15-18/5, tại đỉnh thiêng Fansipan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức đại lễ Phật đản, với điểm nhấn là lễ dâng hàng nghìn ngọn đăng mang theo lời nguyện ước do chính tay Phật tử du khách viết, hứa hẹn mang tới khung cảnh huyền ảo linh thiêng nơi đỉnh thiêng Fansipan. 

 

Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật, kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế kỷ VII trước Công Nguyên. Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 âm lịch được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Lễ Phật đản tại quần thể tâm linh trên đỉnh thiêng Fansipan năm nay sẽ diễn ra từ ngày 15-18/5 (nhằm ngày 8-11/4 âm lịch), với nhiều nghi lễ và sự kiện văn hóa tâm linh đặc sắc. Sự kiện dự kiến có sự tham dự của hơn 350 Đại đức, Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước cùng với hàng ngàn du khách tới Fansipan dịp này.

Đại lễ Phật Đản 2024 sẽ được tổ chức với đầy đủ các nghi thức trang trọng

Đại lễ Phật Đản 2024 sẽ được tổ chức với đầy đủ các nghi thức trang trọng

Chuẩn bị cho đại lễ, toàn bộ các công trình kiến trúc tâm linh tại Bích Vân Thiền Tự từ độ cao từ 2.900m tới đỉnh thiêng Fansipan sẽ được trang hoàng với hàng nghìn lá cờ hội ngũ sắc và hàng vạn bông hoa tươi. Điểm nhấn của không gian là thác hoa cao tới 3m và chữ Phật Đản Sanh được kết bằng hoa cúc và mai địa thảo đỏ.

Theo đó, từ ngày 15-17/5, du khách và Phật tử chiêm bái tại Bích Vân Thiền Tự hay Đại Tượng Phật A Di Đà tại quần thể tâm linh Fansipan sẽ được hướng dẫn viết lời nguyện ước và đặt vào các khay hoa để dâng đăng và hóa nguyện đăng trong tối 18/5.
Toàn bộ đường lên đỉnh “nóc nhà Đông Dương” được trang hoàng cho Lễ Phật Đản

Toàn bộ đường lên đỉnh “nóc nhà Đông Dương” được trang hoàng cho Lễ Phật Đản

Vào ngày 18/5, với việc Fansipan được GHPG Việt Nam tỉnh Lào Cai chọn là địa điểm chính tổ chức Đại lễ Phật Đản 2024, đại lễ sẽ được tổ chức trang trọng với các nghi thức Phật giáo truyền thống. Theo đó, chương trình sẽ có lễ niệm Phật gia hộ và tuyên đọc thông điệp Phật đản Phật lịch 2568 của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật tử và du khách tham dự sẽ cùng cử hành nghi thức Phật đản gồm dâng hương, tụng kinh, tắm Phật.

Theo quan niệm của Phật giáo, mỗi gáo nước tắm Phật thể hiện một nguyện ước: Gáo thứ nhất tắm bên vai trái- nguyện bỏ mọi điều ác; gáo thứ hai tắm bên vai phải- Nguyện làm mọi điều lành; Gáo thứ ba tắm từ đầu gối xuống chân: Nguyện độ hết chúng sinh. Nghi thức tắm Phật cũng còn được xem như tắm chính mình để thân tâm an lạc, sạch sẽ. Trong không gian trang nghiêm của nghi lễ, được lắng nghe âm vang tiếng kinh kệ hòa lẫn trong tiếng gió của đại ngàn, mọi muộn phiền như để lại ngoài thiền môn, trong tâm trí mỗi người chỉ còn an yên, thanh tịnh.

Tắm Phật là một trong những nghi thức linh thiêng không thể thiếu trong Lễ Phật Đản

Tắm Phật là một trong những nghi thức linh thiêng không thể thiếu trong Lễ Phật Đản

Tham dự Đại lễ Phật đản năm nay, du khách còn được tham dự nghi lễ ngàn đăng dâng Phật tại Bích Vân Thiền Tự vào tối 18/5. Hàng nghìn hoa đăng được du khách viết lời nguyện ước trước đó sẽ được thắp sáng và thả xuống hồ nước. Tất cả sẽ cùng tạo nên một kiệt tác của ánh sáng, mang đến khung cảnh lung linh, huyền ảo nơi đỉnh thiêng Fansipan.

Theo quan niệm Phật giáo, hoa đăng chính là nghi thức truyền thống, như một sự tưởng nhớ đến Đức Phật, người đã truyền ánh sáng của trí tuệ đến với chư tăng và Phật tử. Đồng thời qua mỗi chiếc đăng sáng, mỗi người đều gửi gắm những nguyện cầu bình an, sức khỏe cho gia đình và chúng sanh.

Tăng ni, Phật tử sẽ thực hiện nghi lễ dâng đăng tại Bích Vân Thiền Tự trên đỉnh Fansipan

Tăng ni, Phật tử sẽ thực hiện nghi lễ dâng đăng tại Bích Vân Thiền Tự trên đỉnh Fansipan

Bên cạnh các nghi thức truyền thống, đại lễ còn có những chương trình nghệ thuật trên nền các ca khúc về Phật giáo và múa hoa sen thanh thoát. Cũng trong ngày lễ, khu du lịch sẽ chuẩn bị riêng ẩm thực chay với đa dạng các món ăn hấp dẫn dành cho du khách và quý Phật tử tại các nhà hàng Vân Sam, Vân Sơn Trà Quán và nhà hàng Đỗ Quyên ở ga đến.

Đỉnh thiêng Fansipan với độ cao 3.143m là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và các nước Đông Dương. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, đỉnh Fansipan được xem là nằm chính giữa trục thần đạo kết nối từ cao điểm lớn nhất của thế giới Himalaya về cao điểm linh thiêng của Việt Nam – núi Ba Vì. Còn theo nhiều thiền sư, đỉnh thiêng Fansipan là cao điểm linh thiêng nước Việt, nơi hấp thụ nhiều năng lượng và linh khí đất trời.

Quần thể tâm linh giữa mây ngàn gió núi Fansipan luôn là nơi tìm về của Phật tử bốn phương

Quần thể tâm linh giữa mây ngàn gió núi Fansipan luôn là nơi tìm về của Phật tử bốn phương

Ngày nay, tọa lạc nơi đỉnh Fansipan là quần thể tâm linh Fansipan, trải dài từ độ cao 2.900 m lên tới đỉnh cao 3143m. Quần thể bao gồm 12 công trình kiến trúc mang dáng những ngôi chùa Việt cổ từ thế kỷ 15-16. Văn hóa Phật giáo cân bằng cùng thế giới tâm linh bản địa đã tạo nên giá trị có một không hai của đỉnh Fansipan. Hàng năm, Fansipan trở thành điểm phải đến, nơi tìm về của hàng nghìn Phật tử bốn phương, đặc biệt trong các ngày lễ Phật giáo để chiêm bái đảnh lễ trước quần thể tâm linh giữa mây ngàn gió núi.

Đến với Fansipan dịp này, du khách cũng không nên bỏ lỡ Lễ hội hoa hồng đầy sắc màu

Đến với Fansipan dịp này, du khách cũng không nên bỏ lỡ Lễ hội hoa hồng đầy sắc màu

Năm nay, với nhiều nghi lễ được tổ chức trang trọng trong dịp lễ, cùng mùa Lễ hội hoa hồng Fansipan đang diễn ra rực rỡ, thung lũng hoa hồng đang nở rộ đẹp tựa tiên cảnh, Fansipan chắc chắn sẽ là điểm đến mà các du khách không nên bỏ lỡ trong mùa Phật đản.

Trung Nghĩa