Thân yêu và đau khổ

Một lần Đức Phật ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Bấy giờ, bà Visàkhà áo đẫm ướt, và tóc đẫm ướt, mới sáng sớm đi đến chỗ Phật, sau khi đến, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên.

Đức Phật hỏi Visàkhà:

– Này Visàkhà, Bà từ đâu đến, với áo ướt đẫm, với tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?

– Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, con đến đây sáng sớm như vậy.

– Này Visàkhà, Bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và là cháu của Bà không?

– Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và cháu của con.

– Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày?

– Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày, chín… tám… bảy.. sáu… năm… bốn… ba.. hai. Bạch Thế Tôn có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, Sàvatthi không có thoát được số người bị chết!

– Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy Bà có khi nào được khỏi áo bị ướt, hay tóc khỏi bị ướt không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, bạch Thế Tôn, số nhiều như vậy về con và về cháu!

– Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi… có sáu mươi… có năm mươi… có bốn mươi… có ba mươi.. có hai mươi… có mười.. có chín… có tám… có bảy..có sáu.. có năm… có bốn… có ba… có hai… có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não. [1]

2024-06-30-23-22-54-1344x1012

Bạn thân mến.

Có một mối quan hệ cùng tồn tại giữa thân yêu và đau khổ bắt nguồn từ tham ái.

Khi thân yêu với một người, người ta thường kèm theo những mong ước dựa trên nhu cầu cá nhân mà người được thân yêu phải có trách nhiệm đáp ứng. Nếu mong ước không được thoả mãn, khổ đau liền có mặt. Thêm nữa, khi thân yêu, con người có khuynh hướng chiếm hữu và khổ đau có thể phát sinh bất cứ lúc nào khi đối tượng mình muốn chiếm hữu rời xa hay có khả năng rời xa. Những mặc cảm, những thủ đoạn, những hình thức tự hại có thể được sử dụng tuỳ điều kiện như một giải pháp hiệu quả để trừng phạt đối tượng thân yêu hoặc tự thoả mãn cái tôi mong ước của chính mình. Kết quả là người thân yêu và đối tượng thân yêu đều khổ.

Yên lặng, dũng cảm và biết tự hỏi một chút, chúng ta không khó để tự nghiệm được sự thật tồn tại biện chứng giữa thân yêu và đau khổ qua câu chuyện trên, nhất là tính chân lý trong câu nói của Đức Phật: “Những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có một trăm sự đau khổ! Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não”.

Bạn thân mến.

Khổ vì yêu lớn hơn rất nhiều khổ vì ghét. Một khi bạn chưa từ bỏ tham ái, một khi bạn chưa có trách nhiệm với chính bạn, một khi bạn còn thấy bạn là nạn nhân, một khi bạn còn mong muốn được an ủi, ghi nhận và một khi bạn còn đóng khung bạn là, bạn sẽ không thể tránh được kinh nghiệm khổ đau nằm bên trong thân yêu. Chỉ khi bạn biết có sự tự do trong bản chất của muôn loại, bạn tôn trọng muôn loại như là muôn loại, bao gồm những thân yêu, bạn không còn đòi hỏi đáp ứng mong ước, bạn không còn cho bạn một trách nhiệm, bạn cũng không nghĩ bạn bị giới hạn trong thân xác, huyết thống, văn hoá, tín ngưỡng và dân tộc, bạn sẽ bắt đầu bước ra khỏi khổ đau. Lúc này bạn điềm tĩnh, hồn nhiên, tự do và hiến tặng trong phúc lạc tuyệt vời của sự sống và bạn sẽ sống một cuộc sống trọn vẹn với những gì có thể, đầy từ ái và bình thường, nhưng bừng sáng an bình nội tại và hạnh phúc sâu thẳm không diễn tả được bên trong.

————-

[1] Kinh Lời Cảm Hứng, Tiểu Bộ Kinh I, 286 (Ud 91), Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.

Nhuận Đạt (tu sĩ)