THẬN TRỌNG ĐÁNH GIÁ SÁM HỐI CHÂN THÀNH HAY GIẢ TẠO
Đã là người thì không ai không có lỗi (Nhân vô thập toàn – Khổng Tử), dù người đó có học hàm, học vị cao đến đâu trong khi họ vẫn chỉ là người phàm mắt thịt. Điều quan trọng là người ấy có thấy được cái lỗi của mình và ăn năn hối lỗi hay không..?!
Phật dạy có 2 hạng người cao thượng, mạnh nhất ở đời là:
1/ Người không có tội lỗi
2/ Người có lỗi mà biết hối lỗi.
Có lỗi mà không biết hối lỗi thì tội lỗi càng tăng trưởng, bởi vì khi không biết hối lỗi thì mình yên chí mà tiếp tục lầm lỗi, còn biết lỗi thì hành vi tội lỗi sẽ dừng lại.
Trong Kinh 42 Chương, Đức Phật dạy: “Người có lầm lỗi mà không tự sám hối để mau chấm dứt tâm tạo tội ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển, dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có tội mà tự nhận biết tội, bỏ ác làm lành thì tội lỗi tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi dần dần sẽ khỏi bệnh“. Như vậy, muốn biết một người sám hối, xin lỗi có chân thành, có giả tạo hay không cần phải có thời gian. Nghĩa là phải chờ xem người đó sau khi phát nguyện sám hối hay nói lời xin lỗi có còn tạo tội lỗi như đã phát nguyện, đã hứa hay không.
Là người con Phật, không thể ai đó vừa phát tâm sám hối, vừa nói lời xin lỗi, mình liền nhận định, phán xét người đó có tâm sám hối hay có thái độ xin lỗi giả tạo, không chân thành, không thành tâm, để rồi tiếp tục dồn người đó vào chân tường, ngõ cụt, không cho họ có cơ hội sám hối, ăn năn. Những nhận định, đánh giá, phán xét vội vã chưa qua thời gian kiểm chứng vô hình chung tự biến mình thành người cố chấp, không phù hợp truyền thống đạo lý văn hóa dân tộc Việt Nam: “ Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, và xa hơn nữa, bị người khác đánh giá ngược lại là trái với giáo lý từ bi hỷ xả của nhà Phật.
Do đó, thiết nghĩ, cần nên thận trọng trong việc nhận xét, đánh giá tâm sám hối, thái độ xin lỗi là chân thành hay giả tạo.