Thân tạo ác nghiệp đưa đến quả báo khổ

Đức Phật đã xác định, ai cố ý tạo ba ác nghiệp về thân thì chắc chắn sẽ thọ quả báo đau khổ. Và dĩ nhiên, không phải ai trong đời sống cũng trong sạch, thanh tịnh ba nghiệp này.

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

– Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp, Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.

– Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.

– Những gì là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, phải thọ khổ báo? Một là sát sinh, quá hung dữ, uống máu, cứ muốn sát hại, không thương xót chúng sinh, cho đến loài côn trùng. Hai là lấy của không được cho, đắm trước tài vật của kẻ khác, chiếm lấy với ý muốn trộm cắp. Ba là tà dâm, người kia chính mình xâm phạm tới người nữ có cha giữ gìn, hoặc có mẹ gìn giữ, hoặc được cả cha và mẹ giữ gìn, hoặc được chị em giữ gìn, hoặc được anh em gìn giữ, hoặc được cha mẹ vợ gìn giữ, hoặc được người thân thuộc gìn giữ, hoặc được người cùng dòng họ gìn giữ, hoặc được bảo vệ bằng đe dọa hình phạt hay roi vọt, hoặc đã được thuê, hoặc đã được hứa hôn, cho đến chỉ mới nhận tràng hoa làm tin. Đó là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Tư, số 15 [trích])

Không có kẻ thù nào độc hại bằng ác nghiệp của chính mình

01

Lời bàn: 

Kinh văn nói đầy đủ các nghiệp bất thiện thuộc về thân, khẩu và ý. Trích đoạn này, chúng ta chỉ bàn về ba ác nghiệp của thân.

Việc đầu tiên, tạo nghiệp cần được xác định khi có tác ý “thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả”. Chính sự cố ý hay có tác ý, có chủ tâm làm một việc gì đó thì mới tạo nghiệp và chịu thọ báo tương ứng. Trong trường hợp không có tác ý, do vô tình mà làm việc gì thì đó chỉ là hành động duy tác. Vì vô tâm nên Phật dạy “Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo”.

Nghiệp ác đầu tiên của thân là giết hại chúng sinh. Với tâm hung bạo muốn giết chóc, muốn làm tổn hại, người ấy đã ra tay giết hại người và vật thì tạo nghiệp sát sinh. Nghiệp giết càng nặng nề hơn khi không vì hoàn cảnh (để tự vệ, bị dồn vào đường cùng…) mà giết chóc bừa bãi cho hài lòng, thỏa ý, vui trên sự chết chóc của kẻ khác.

Kế đến là nghiệp trộm cướp. Lén lấy là trộm, đoạt lấy là cướp, nói tóm là lấy của không cho. Tất cả những gì không phải của mình mà tham lam tìm mọi cách lừa lọc, chiếm đoạt, thâu tóm (trốn thuế, lách luật, tham nhũng…) về cho riêng mình đều tạo nghiệp trộm cướp.

Ác nghiệp sau cùng về thân là hành vi tà hạnh. Tìm mọi cách để tư tình hay xâm phạm đến phạm hạnh đối với người ngoài giá thú mà trái với luật tục và luật pháp đều gọi là tà hạnh. Tham dục tà hạnh khiến tổn hại thanh danh, làm tan nát hạnh phúc của gia đình mình và gia đình người.

Đức Phật đã xác định, ai cố ý tạo ba ác nghiệp về thân thì chắc chắn sẽ thọ quả báo đau khổ. Và dĩ nhiên, không phải ai trong đời sống cũng trong sạch, thanh tịnh ba nghiệp này. Vì thế, khi đã phạm lỗi, cần phải nhanh chóng phản tỉnh, nhận ra lỗi lầm để sám hối, khắc phục và nguyện không tái phạm.

Sức mạnh đích thực của con người không phải là không phạm lỗi mà ở chỗ biết sám hối và phục thiện, chuyển hóa ba ác nghiệp của thân thành thiện nghiệp. Làm được như thế thì hiện tại đời này và đời sau chắc chắn sẽ hạnh phúc, an vui.

Quảng Tánh