Thân bệnh và tâm bệnh
“Thân bệnh thì dù có nặng đến đâu cũng sẽ hết khi ta từ giã cõi đời này. Còn tâm bệnh mới là nghiệp lực khó trừ, chúng sẽ theo ta trong kiếp này, kiếp sau và nhiều kiếp sau nữa…”
Bác Tư rất thích trồng cây. Nhà ở thành phố không có nhiều đất, nên bác trồng những cây thuốc nam trong các chậu nhỏ xếp quanh nhà. Có lần tôi thấy những cây thuốc bác trồng còn chưa kịp lớn thì đã bị người ta nhổ trộm. Nhìn những cây thuốc bị nhổ tung cả gốc lẫn cành lá, chứng tỏ người nhổ trộm không hề thấy thương xót cho công sức lao của bác.
Lấy trộm của người khác dù nhỏ hay lớn cũng đều là ác nghiệp. Tội trộm cắp là một trong 5 trọng giới của Đạo Phật áp dụng cho cả Phật tử xuất gia lẫn tại gia. Dù cho hái trộm cây thuốc là để chữa bệnh, nhưng người hái trộm đã gây thêm cho họ một bệnh khác đó là bệnh tham. Thân bệnh thì dễ thấy, dễ chữa, còn bệnh tham nằm sâu bên trong tâm thì khó thấy và khó chữa hơn nhiều.
Nhiều người chỉ vì một chút lợi nhỏ mà quên đi hại lớn của ác nghiệp. Đức Phật đã từng dạy cho chúng sinh tu tập Tứ Chánh Cần. Đó là: (1) ngăn chặn điều ác khi chưa phát sinh, (2) giảm thiểu tối đa ác nghiệp khi đã phát sinh, (3) thực hành điều thiện khi chưa phát sinh, và (4) tăng trưởng tối đa điều thiện khi đã phát sinh.
Ta nên nhớ rằng thân bệnh thì dù có nặng đến đâu cũng sẽ hết khi ta từ giã cõi đời này. Còn tâm bệnh mới là nghiệp lực khó trừ, chúng sẽ theo ta trong kiếp này, vào kiếp sau, và nhiều kiếp sau nữa.
Cao Thăng Bình