Tết Đoan Ngọ và nhớ…
Đến một lúc nào đó, mình không còn mong chờ những bữa ăn, thay vào đó, mình sẽ nhặt nhạnh những điều cũ kỹ để dưỡng nuôi tâm hồn, như ai đó nói: “Ký ức nuôi dưỡng tâm hồn”. “Miếng ăn” của tâm hồn đôi khi quan trọng hơn là những miếng ăn thực dưỡng hằng ngày phải không?
Có những tháng-ngày cứ lặp đi lặp lại hàng năm, theo quy luật tuần hoàn của thời gian nhưng nỗi nhớ hay những cảm xúc về nó vẫn cứ mãi vẹn nguyên, mới mẻ y như lần đầu tiên mình chạm vào nó. Như là Tết, như là Đoan Ngọ, hay là một ngày-tháng-năm kỷ niệm nào đó, với ai đó mà mình thương, quý hoặc đó là thời khắc làm thay đổi hướng nhìn đến đổi thay cuộc đời mình.
Hôm nay là Tết Đoan Ngọ, cái cảm xúc về những ngày be bé đón Tết-giữa-năm cùng má, ngoại vẫn y nguyên – cảm xúc chạy về, ngang qua miền nhớ, làm mình xốn xang. Cái nhớ về tuổi thơ đón Tết để được ăn chè do ngoại nấu hay má sẽ làm mì Quảng – món đặc trưng quê mình rồi dâng cúng ông bà trước khi dùng bữa trỗi dậy. Mùi khói nhang bay nghi ngút quyện tỏa trong không gian thành kính, đôi khi được gộp chung giữa ngày cúng lúa mới và mùng 5-5 là mùi của nỗi nhớ – cũng nghi ngút và ươn ướt như chính cái cay xè của khóe mắt thuở ấu thơ khi chạm phải khói nhang bàn thờ ngày Tết.
Chao ôi là nhớ, cái bữa trưa của một tháng 5 ngót nghét chừng 10 năm có lẻ, tụi bạn mình xúm xuýt về nhà ăn chè đậu đen có đá cây đập bỏ vô mát lành. Rồi canh đúng 12g trưa, ra ngước mắt nhìn lên mặt trời, nhỏ vài giọt chanh vô mắt rồi chớp lia chớp lịa để mắt sáng, không bị cận thị về sau. Cay xè, rát điếng, đó là cách làm bậy bạ của cái thời ngây thơ học trò, nghe chuyện… đời xưa rồi bắt chước mà hổng cần nghĩ suy chi hết.
Rồi lại nhớ cái nồi chè thuở nghèo ơi là nghèo, hồi ngoại còn sống, theo kiểu mà mấy người “đời xưa” là má hay kể, là “hồi mồ ma bà ngoại, năm nớ, đúng ngày mùng 5 tháng 5, cả nhà dành dụm mua được vài lon đậu với ký đường để nấu chè trước cúng, sau ăn. Ai dè, đôi mắt kèm nhem của ngoại, bốc lộn cái hủ bột ngọt rồi đổ cái ào vô nồi đậu, làm hư cả nồi chè, mất luôn mớ bột ngọt”. Thế là đứa cháu ngoại là mình đã ngậm ngùi nhìn nồi chè lợ ơi là lợ, rồi nhìn ngoại trong nỗi niềm tiếc nuối về sự kèm nhem của mình mà cứ chảy nước mắt, thương ngoại và tiếc bữa chè mùng 5 ngày cũ…
Có những cái nhớ cay cay vì thương và cũng có những nỗi nhớ cay cay vì nụ cười bỏ quên theo ngày-tháng là như thế. Bây giờ, mỗi năm tới Tết Đoan Ngọ, mình không mong chờ được ăn chè nữa, chắc vì tuổi thơ thèm chè không còn, nhưng nhớ cái mùi khói nhang của tháng 5, nhớ cái cảm giác chờ tới ngày Tết-giữa-năm, sắp đồ cúng lên bàn thờ rồi khấn vái thành kính, nhớ cái kiểu lạy lạy và lẩm nhẩm của ngoại hồi xưa lắc đó: “Cầu cho năm ni lúa mùa tươi tốt, cho con cháu con được mạnh giỏi…” mà thương.
Đến một lúc nào đó, mình không còn mong chờ những bữa ăn, thay vào đó, mình sẽ nhặt nhạnh những điều cũ kỹ trong mỗi ngày-tháng của những cột mốc quan trọng, những nếp văn hóa của quê nhà, của riêng mình để dưỡng nuôi tâm hồn, như ai đó nói: “Ký ức nuôi dưỡng tâm hồn”. “Miếng ăn” của tâm hồn đôi khi quan trọng hơn là những miếng ăn thực dưỡng hằng ngày phải không?
Nguồn: Báo Giác Ngộ