Tết cổ truyền – bài học yêu thương và hoan hỷ
Cách sống vui vẻ của đạo Phật khủng khiếp quá, nó đạt tới cái tuyệt đối của sự an vui, an nhiên, tự tại, hoan hỷ, cho nên gọi là an lạc. Cũng đạo lý đó thôi, cũng là sống yêu thương và sống vui vẻ thôi, nhưng ông bà ta cho ta ngày Tết để nhắc nhở ta đạo lý đó.
Thầy đố quý Phật tử: Ai tạo ra cái Tết? Ở đâu tự nhiên có cái Tết cho mình ăn?
Thật ra thì ta không biết đâu, nhưng mà ta rất biết ơn người tạo ra cái Tết. Nó có mấy lý do:
Thứ nhất, ở những vùng ôn đới có bốn mùa rõ rệt thì mùa đông mọi vật giống như là chết trong cái lạnh lẽo, tuyết phủ băng giá và mọi sự sống giống như dừng lại, đóng kín lại hết. Cho đến khi tiết xuân sang, người ta thấy chồi đâm ra, những con vật trốn đông bắt đầu nhảy tung trên tuyết đi tìm mồi và có những nụ hoa bắt đầu đâm chồi, hé mở, nghĩa là sự sống hồi sinh. Khi sự sống hồi sinh như vậy, người ta vui mừng. Đó là sự vui mừng của thời tiết, của mùa màng, kéo theo sự vui mừng vì sự sống đã trở lại. Thế là vui!
Đầu tiên là thời tiết cho mọi người niềm vui trong sự sống. Nó kéo theo những ảnh hưởng và người ta đặt ra cái Tết để bắt mọi người phải vui: vui trong quan hệ, vui trong đối xử, vui trong tình nghĩa, vui trong tâm lý, vui trong trò chơi, vui trong giải trí,… vui hết! Từ cái vui của cuộc sống, thời tiết, mùa màng, ông bà mình đã ép mọi người phải vui hết trên mọi lĩnh vực. Và cái vui đó là một bài học đạo lý quý giá của người xưa, chứ không phải chỉ để cho vui, để uổng phí.
Người xưa lợi dụng mùa màng bắt đầu vui và buộc mọi người phải sống vui. Để làm chi vậy? Vì bình thường chúng ta sống trong một năm, sống bươn chải với cuộc đời này, phải vất vả, phải đấu tranh, phải nỗ lực. Và cái tham, sân, si cũng theo đó phát sinh suốt cả năm trời. Cho nên con người ta không còn dịp để sống vui, không còn cơ hội, quên mất bổn phận là phải thương yêu nhau. Nên lợi dụng ngày xuân, mùa màng thời tiết đẹp, tổ tiên, ông bà ta bắt mọi người phải ôn lại bài học quý giá nhất trên cuộc đời này. Đó là bài học yêu thương và hoan hỷ. Ngày xuân bắt ta phải học bài học đó.
Ta đã được dạy từ nhỏ là ba ngày Tết không được gây lộn, không được chửi mắng, không được trách cứ, không được làm gì buồn nhau, mà gặp nhau chỉ là chúc tụng, mong cho nhau những điều tốt đẹp. Mà khi ta chúc và mong cho nhau những điều tốt đẹp, có nghĩa là ta thương nhau hay ghét nhau? Ta thương nhau phải không ạ? Cho nên, để muốn vui thì phải thương, có thương thì mới có thể vui, hai cái đó đi chung với nhau. Mà sống trên đời, có niềm vui và sống được yêu thương thì không còn gì có thể so sánh bằng nữa.
Cuộc đời vốn nhiều đau khổ, ta mưu sinh đã vất vả, rồi phải đối phó với bao nhiêu là hiểm họa, tai ách, bệnh tật, đủ thứ điều. Nếu vì những điều đó rồi chúng ta quên hết mất những niềm vui và tình yêu thương trong cuộc sống này thì cuộc sống này đúng là địa ngục. Vì vậy, sống phải biết yêu thương và phải biết sống một cách vui vẻ, hoan hỷ, đó là đạo lý cực kỳ quý giá. Mà ta đến với đạo Phật, Phật cũng dạy ta điều đó, cũng dạy ta sống yêu thương và sống hoan hỷ, không có gì khác. Chỉ có điều là đạo lý yêu thương của Phật lớn quá, vô biên, vô hạn. Cách sống vui vẻ của đạo Phật khủng khiếp quá, nó đạt tới cái tuyệt đối của sự an vui, an nhiên, tự tại, hoan hỷ, cho nên gọi là an lạc. Cũng đạo lý đó thôi, cũng là sống yêu thương và sống vui vẻ thôi, nhưng ông bà ta cho ta ngày Tết để nhắc nhở ta đạo lý đó.
Nếu người nào có thể suốt cả năm mà sống yêu thương được mọi người, sống vui vẻ với mọi người thì người này là số một, là bậc hiền ở cuộc đời này. Nhờ nhắc qua những ngày Tết, ngày xưa không nói nhiều, không có chữ viết cho nên chỉ bằng tục lệ mà ông bà ta đã khéo truyền dạy lại cho con cháu một đạo lý vô cùng quý giá là sống yêu thương và sống vui vẻ. Mà nếu ai giỏi thì sống được như vậy suốt cả năm. Khi ta đến với đạo Phật, ta cũng gặp được đúng đạo lý đó, sống yêu thương, sống vui vẻ, chỉ có một điều là Đức Phật phân tích ra.
Vì sao ta không yêu thương nhau được vì bản ngã, vì ích kỷ, vì cố chấp, nên phải tu để gỡ nó ra để có thể sống yêu thương được mênh mông mọi loài. Vì sao ta không sống vui vẻ được? Vì sao lòng ta phiền muộn, đau khổ, ưu tư, lo toan? Chỉ bởi vì những vô minh, những chấp ngã, những nghiệp chướng đã vây bủa thế nào? Bây giờ ta phải gỡ, phải giải ra. Nếu được như vậy thì ta có thể sống yêu thương và sống vui vẻ hết kiếp này đến kiếp khác, mà đạt đến tuyệt đối và đạt được trạng thái Niết Bàn. Nên ở đây, đạo lý ngày Tết mà ông bà ta dạy rất trùng hợp với đạo lý của Phật. Chính vì vậy, mà ngày Tết đến ta cứ thích đi Chùa là vậy.
Trong cái tâm linh, ta cứ thích đến chùa để dành cái ngày thiêng liêng này, ta dâng tâm hồn mình cho Phật, ta dâng lên những lời ước nguyện thiêng liêng của mình đến với Đức Phật để cầu nguyện cho gia đình mình, cho những người thân yêu, cho bá gia bá tánh.
TT. Thích Chân Quang