Tây Du Ký: Vàng bạc

Vàng bạc cũng là một thứ vật chất như bao nhiêu vật chất khác, nhưng bởi lòng chúng ta còn quá nhiều tham, sân, si, đắm nhiễm dục lạc nên dễ bị chúng quyến rũ trói buộc. Nếu không có trí tuệ sáng suốt sẽ bị chúng lừa làm mờ mắt tâm không thấy được lẽ thật.

Có hai yêu tinh tên Kim Giác và Ngân Giác, nghe nói thịt Đường Tăng ăn sống lâu muôn tuổi bèn đi tuần núi đón bắt… Yêu Ngân thấy mấy thầy trò định chặn đường bắt lấy Đường Tăng, nhưng lại sợ tài năng của Tôn Hành Giả khó mà thực thi ý đồ đã dự tính, nên mới dụng kế để cầm chân Tôn Hành Giả lại . Nó liền nghĩ “Nếu cậy thế mà bắt thì không mó tới, chỉ nhã nhặn làm y cảm, lừa cho y tương hợp với lòng ta, khéo léo lập mưu mới bắt được”. Nên nó biến ra một người bị thương để gạt lòng từ của Đường Tăng. Đường Tăng động lòng cứu giúp rồi bảo Tôn Hành Giả cõng đưa họ về nhà. Tôn Hành Giả biết là yêu tinh không chịu cõng mới bảo Bát Giới thay, nhưng yêu tinh không chịu, lấy cớ là sợ Bát Giới mà đòi Tôn Hành Giả giúp mới ưng. Đường Tăng vì thương người nên chiều theo bảo Tôn Hành Giả phải vâng lời. Tôn Hành Giả vì sợ cãi lời sẽ bị thầy đọc bài chú mà đau đầu nên phải làm theo. Đang cõng yêu Ngân trên lưng thì bị nó hóa ra ba hòn núi đè Tôn Hành Giả rồi bắt mấy thầy trò về động. Tôn Hành Giả thoát khỏi núi liền đi cứu thầy. Mấy phen đánh, Tôn Hành Giả đều bị bửu bối yêu tinh bắt nhốt, nhờ có nhiều mưu trí nên thoát hiểm và lập kế lấy được những bửu bối của yêu tinh đánh lại nó… Sau yêu tinh bị Tôn Hành Giả bắt nhốt vào hồ lô, rồi tìm cách cứu thầy cùng các sư đệ ra và dẹp sạch hang động thì gặp một ông lão đi tới đòi bửu bối, nhìn kỹ ra là Thái Thượng Lão Quân. Tôn Hành Giả hỏi: “Bửu bối gì?” Lão Quân nói: “Hồ lô ta đựng đơn, Tịnh bình đựng nước, Bảo kiếm luyện ma, Quạt ta quạt lửa, Dây kim tuyến là thắt lưng áo bào. Hai quái vật kia là đứa coi lò vàng, đứa coi lò bạc. Chúng ăn trộm bảo bối của ta xuống hạ giới làm yêu tinh….”.

Đại lược một đoạn ta thấy hai yêu tinh Kim Giác và Ngân Giác là ám chỉ cho vàng bạc, còn năm bửu bối của Thái Thượng Lão Quân bị yêu tinh cắp lấy tượng trưng cho tham, sân, si, mạn, nghi.

1564784515-130-hautruongtayduky8-1564552455-width579height432

Tuy vàng bạc là vật chất tạm dùng, nhưng vì lòng tham đã ăn sâu trong tạng thức nên khi gặp duyên thúc đẩy tâm lại dính mắc, thành thử ta thấy Đường Tăng dễ dàng cảm với người do yêu tinh hóa ra. Bởi vì Đường Tăng giai đoạn này còn là tạng thức, tức là cái kho chứa những chủng tử thiện ác chứ chưa phải cái kho trống sạch hoàn toàn. Do vậy người ta dùng vàng bạc để dẫn dụ khích động những ai còn tham đắm nó, làm cho đương sự mất đi trí tuệ sáng suốt để họ mua chuộc tất cả những gì trên cuộc đời này khi họ cần, đôi khi đến cả công lý nữa. Bởi nó có sức mạnh có thể làm ly gián tất cả các thứ tình cảm, hay là lợi dụng dùng nó để tạo cảm tình ở mọi đối tượng. Đôi khi nó xui khiến người ta đánh mất lương tâm phẩm giá làm những việc trái đạo lý hoặc đi đến bại danh hư thân nữa, giống như yêu tinh nói: “Nếu cậy thế mà bắt thì không mó tới, chỉ nhã nhặn làm y cảm, lừa cho y tương hợp với lòng ta, khéo léo lập mưu mới bắt được” là ý này.

Làm con người ai cũng có lý trí, nhưng bởi lòng còn tham, sân, si quá đỗi nên bị vàng bạc làm lòe mắt, lấp mất trí tuệ không rõ được bản chất của nó. Tuy thấy có lợi trước mắt nhưng chắc khó có thể tránh khỏi hậu quả chẳng lành, vì đã bị vàng bạc cám dỗ mất tự chủ. Giống như yêu tinh hóa ra một người bị thương lừa Đường Tăng và buộc Tôn Hành Giả cõng cho được, và thừa cơ hội hóa ba hòn núi đè Tôn Hành Giả để bắt Đường Tăng. Ở đây ba hòn núi là ám chỉ cho tham, sân, si. Khi bị tham sân si che lấp trí tuệ thì mọi hành động nào cũng đều dính mắc không tự chủ được, nên ít hay nhiều gì cũng phải chịu khổ đau khi chúng hiện diện, giống như hai yêu tinh Kim và Ngân hóa trận cuồng phong bắt Đường Tăng đem về động vậy.

Nói về vật chất thì vàng bạc là chìa khóa vạn năng, nếu có nó thì làm gì cũng thành công chóng vánh, và nó có sức mạnh trong tất cả mọi lĩnh vực. Cho nên ở thế gian người ta hay nói: “Có tiền mua tiên cũng được” là thế. Đôi khi con người vì vàng bạc mà đánh mất đi đức hạnh cao thượng, lại không biết vàng bạc là vật chất hình tướng dễ tạo ra và cũng dễ mất đi, chỉ cần một biến cố như thiên tai, chiến tranh hay bất cẩn thì sẽ bị mất sạch, nhưng đức hạnh thì rất khó tạo lập. Đức hạnh là cái tốt đẹp cao quí mà tất cả con người đều luôn tôn trọng và muốn đạt đến, tuy không hình tướng nhưng thường hay biểu hiện qua những hành vi ở thân khẩu ý làm cho mọi người cảm mến, tán thán và có thiện cảm. Không những thế mà còn là cái nhân tốt cho những đời sau được thăng hoa đến chỗ tốt đẹp cao thượng hơn. Nếu có duyên trở lại làm người thì được toàn thiện phẩm chất của một con người. Còn vàng bạc dù có nhiều đi nữa, khi xuôi tay nhắm mắt cũng chẳng đem theo được, đôi khi còn bị nó trói buộc mà luyến tiếc lẩn quẩn bị đọa thành ma giữ của, sống vất va vất vưởng không được thác sinh.

Tuy vàng bạc rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng phải có trí tuệ biết nó là cái tạm dùng và phải biết làm chủ khi có ở trong tay. Nếu khéo dùng thì nó là một vật hữu dụng, còn không sẽ bị nó sai khiến làm điều vô ích, đôi khi hại đến tính mạng nữa. Cho nên có câu: “Vàng bạc là một ông chủ tồi mà cũng là đứa đầy tớ tốt”. Cũng giống như con dao bén, nếu biết dùng thì làm rất nhiều việc lợi, còn không biết dùng thì hại cũng chẳng nhỏ.

Ở thế gian người ta thường dùng vàng bạc để trang trải đời sống thường tình không ngoài sự cảm thọ của thân xác, nhưng trí tuệ quan trọng hơn là vàng bạc.

Ở thế gian người ta thường dùng vàng bạc để trang trải đời sống thường tình không ngoài sự cảm thọ của thân xác, nhưng trí tuệ quan trọng hơn là vàng bạc.

Nếu có ai đem vàng bạc đến cám dỗ để nhờ ta làm những việc không đúng pháp, không chánh đáng thì hãy xét kỹ chín chắn, đừng vì nó mà tạo nhân bất chánh sẽ ảnh hưởng hậu quả không tốt sau này. Ta hãy nên giữ thái độ trầm tĩnh và tự nhũ: “Nếu ta nhận thì sẽ bị lệ thuộc và có thể mắc kế họ, nhất định không để cho ai lợi dụng sai sử ta như một con vật thụ động”.

Vả lại, chúng ta phải biết tự chủ và nghĩ rằng “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, chớ đừng thấy người đem đến tặng, biếu mà tự cho là hãnh diện. Tuy nhiên có trường hợp người tốt bụng thấy thiên hạ khổ sở mà khởi từ tâm thương xót giúp đỡ, song rất hiếm thấy. Hay là thành kính với đối tượng nào đó mà biếu tặng thì điều đó cũng có, nhưng rất ít.

Thế nên, hai Ma vương thì không sợ mà quan trọng là năm bửu bối, nếu thâu được năm bửu bối thì hai Ma vương sẽ đầu phục.

Năm bửu bối ấy là:

1- Hồ lô: Chỉ cho lòng tham. Bởi thấy vàng bạc dễ khởi lòng tham muốn thâu vào, giống như hồ lô của yêu tinh hút lấy tất cả những gì nó muốn.

2- Quạt: Chỉ cho niệm sân. Quạt làm cho lửa cháy thêm. Tham không được nên dễ sân, vì quạt của yêu tinh quạt một cái bay rất xa, thành thử khi sân không tự chủ được dễ tạo những hành động trái nhân tâm, gây hậu quả rất lớn.

3- Tịnh bình đựng mỡ dê: Tịnh bình là bình trong sạch mà đựng mỡ dê thành dơ bẩn. Thấy vàng bạc thì tìm đủ cách đem về cho mình, vì vậy tâm không trong sạch. Nói lên sự si mê (vì tịnh bình đựng nước dơ chỉ cho si) tạo điều kiện để cho lòng tham nổi dậy.

4- Kiếm: Chỉ cho mạn. Khi có vàng bạc trong tay dễ sanh tâm ngã mạn, dễ lấn hiếp sai khiến người, cho mình là bậc trên nên dễ tự cao tự đại khinh lướt người.

5- Dây kim tuyến: Chỉ cho nghi. Khi có vàng bạc phải bảo thủ, cất giấu kỹ sợ mất mát. Từ chỗ sợ mất mát mà sanh nghi, nên tự cột trói làm cho tâm không an ổn.

Năm bửu bối này của Thái Thượng Lão Quân bị hai đồ đệ trộm lấy. Mà Thái Thượng Lão Quân là chỉ cho Tâm, nên tham, sân, si… đều từ tâm phát khởi. Khi tâm bất giác mê muội sẽ bị chúng thúc đẩy theo bản năng dễ làm điều dữ ác gây ra muôn vàn tội lỗi. Nhưng khi giác ngộ rồi trí tuệ phát sinh thì chuyển hoá năm thứ ấy, dùng vàng bạc làm lợi ích cho nhân loại. Như lấy vàng bạc đem bố thí là xả bỏ được lòng tham; bởi không tham nên ít sân; thấy nó không tham nên tâm trong sạch; khi có lấy giúp người vì thấy người thiếu thốn mà khởi lòng thương nên tâm không tự cao ngã mạn; khi có vàng bạc biết nó là phương tiện tạm dùng, rủi có thất thoát cũng không buồn nên chẳng nghi ai. Vì vậy, khi biết tham, sân, si… từ tâm phát khởi hãy chuyển hoá chúng thì vàng bạc không sai khiến ta được, mà ta tự chủ sử dụng để làm nhiều điều lợi ích.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta mãi lo cho có nhiều tiền của, sự nghiệp lớn, địa vị cao, nhưng những cái đó có lâu bền và mình có giữ được hay chăng? Những cái không tồn tại mà chúng ta đem cả cuộc đời lo cho cái mình không bảo đảm giữ được, và khi bỏ sắc thân này chẳng thể đem theo mà hiện tại cứ mãi tranh giành, nhưng rốt cuộc rồi tất cả cũng chẳng còn. Còn cái không ai có thể tranh giành, không sợ mất mát mà chúng ta chẳng chịu làm, đó là những việc lành và phát huy trí tuệ. Nếu đời này có trí tuệ và làm thiện thì những việc đó không thể mất, do đời này tích lũy nên đời sau gặp nhiều duyên lành đến với mình và nhờ đó trí tuệ tiếp tục phát triển thêm lên chớ chẳng quên; còn cái không tồn tại, hư ảo mà cứ lo gầy dựng thì thật là mê lầm. Thành thử chỉ có trí tuệ và phước đức mới cứu giúp mình hết khổ. Nhìn qua chúng ta thấy như thiệt thòi, thua sút thiên hạ, nhưng những cái mình tích luỹ dành dụm đó không ai cắp lấy được. Còn có tiền của nhiều, địa vị cao và sự nghiệp lớn thì thiên hạ hay dòm ngó hoặc bằng cách này, cách nọ mà tranh giành cướp đoạt. Còn cái không bao giờ mất mà chúng ta lơ là chẳng chịu lo huân tạo thì thật là đáng tiếc.

Ở thế gian người ta thường dùng vàng bạc để trang trải đời sống thường tình không ngoài sự cảm thọ của thân xác, nhưng trí tuệ quan trọng hơn là vàng bạc. Vì sao? Vì vàng bạc là tài vật tạm thời mà trong Phật pháp gọi là vật chung của năm nhà: “Hỏa hoạn, nước cuốn, trộm cắp, quan chức tham ô, con cháu hư đốn”. Xét kỹ, vàng bạc không phải là thứ đầy đủ vạn năng đáp ứng toàn vẹn mọi nhu cầu cho con người, mà nó chỉ khả dĩ giúp được một phần nào về sinh hoạt vật chất cho con người mà thôi. Ví như có nhiều tiền mua được quần áo, đồ trang sức, mùng mền, nệm ấm v.v…, nhưng không thể mua được giấc ngủ yên ổn; nhiều tiền có thể mua được quần chúng, nhưng không mua được lòng người; nhiều tiền tuy mua được danh cao, nhà rộng, nhưng không mua được tự tại thảnh thơi; nhiều tiền có thể mua tất cả tình cảm, nhưng không mua được bi lụy khổ đau; nhiều tiền có thể mua được học vị thậm chí mua mọi vật chất thế gian, nhưng không mua được trí tuệ. Vả lại, vàng bạc người thế gian quí trọng là vì người ta dùng nó để trao đổi những vật chất tạo sự sống, nhưng nó quí báu phải cần nhờ trí tuệ mới biện biệt được mà nói nó là vật báu; còn như không có trí tuệ để biện biệt thì vàng bạc chẳng khác nào sỏi gạch. Ví như đứa bé ba tuổi chưa có trí, khi đưa vàng bạc cho nó thì nó không biết giá trị của vàng bạc là chi cả, nó ném bỏ không dùng đến. Để thấy vàng bạc có quí báu là do con người hiểu biết cái quí báu của nó, vậy thì nó báu mà chẳng tự biết là báu, phải nhờ trí ở con người mới biện biệt được nó là vật quí báu.

Thế thì chỉ có trí tuệ mới là nguồn quí báu nhất của nhân loại, nhưng đó chỉ là trí tuệ thông thường có thiện, có ác ở thế gian. Song mà có thứ trí tuệ thuần thiện siêu việt vô nhiễm vượt hẳn trí thế gian, đó là “Trí tuệ Bát Nhã”. Trong kinh điển nói trí tuệ Bát Nhã là mẹ đẻ của chư Phật, là thầy dẫn đường cho các vị Bồ Tát. Trước đó chư Phật nhờ trí tuệ này mà được thành Phật, Bồ Tát nhờ trí tuệ này mà thành tựu đạo quả.

Vậy thì nhân loại phải phát huy trí tuệ này mới hóa giải được tất cả mọi thứ khổ đau, mà mọi khổ đau không ngoài những nhu cầu mong muốn của con người

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật)

Đại đức Thích Tỉnh Thiền