Tây Du Ký: Ngoại chướng
Ngoại chướng là những cảnh duyên bên ngoài mà trong nhà Phật gọi là Ngũ dục – tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ; có chỗ nói là: Sắc, tài, danh, lợi, tình; đó là nói 5 dục thô, còn nói tinh tế hơn là năm trần cảnh – sắc, thinh, hương, vị, xúc, hoặc là bị bát phong thổi.
Mấy thầy trò đi ngang qua Tây Lương Nữ Quốc, dừng chân vào xin đóng dấu ấn trong văn điệp thông hành để tiếp tục hành trình đến Tây Trúc. Nước này toàn là người nữ rất đẹp, khi gặp phái nam nhất là thấy Đường Tăng tướng mạo phương phi họ nhìn không biết chán, reo mừng vui vẻ tươi cười vây chặt mấy thầy trò không lối đi.
Ba đệ tử Đường Tăng thấy thế đưa những hình dung xấu xí ra để mở lối, nhất là Trư Bát Giới làm cho đám con gái hoảng sợ ngã lăn tránh đường. Sau đó họ báo đến vua. Nữ vương ra diện kiến gặp Đường Tăng liền say mê muốn kết duyên bắt ép làm vua nước họ và để có giống truyền nối. Bát Giới khi thấy Nữ vương thì nhìn mê mệt rỏ dãi. Cho nên nói “Trai mê gái sắc. Gái đắm hình trai” thật chẳng ngoa vậy. Còn Đường Tăng thì bối rối sợ quýnh không biết xử trí thế nào, nhưng may nhờ có Tôn Hành Giả khôn khéo nên tương kế tựu kế bàn nói với Đường Tăng phải chịu hành lễ cưới cùng Nữ vương thì họ mới đóng dấu giấy thông hành, có thế mới thoát nạn được. Đường Tăng chấp thuận theo kế của Tôn Hành Giả.
Khi đóng dấu ấn xong, Đường Tăng giả đò nói với Nữ vương là đưa tiễn các đệ tử đến biên giới rồi sẽ trở về cùng Nữ vương vui loan phượng được. Mọi người nghe đều cho là hợp lý.
Nữ vương không biết là mưu mẹo nên truyền lịnh xa giá cùng Đường Tăng đến biên giới. Đường Tăng xuống xe, rồi mấy thầy trò xin bái biệt, chừng ấy Nữ vương mới biết mình lầm kế.
Sa Tăng bảo vệ Đường Tăng lên ngựa, còn Tôn Hành Giả định làm phép “định thân” giữ đám phụ nữ lại thì chợt có người con gái (yêu tinh hóa ra) ở mé đường ra đón, biến làm cơn gió lốc cuốn bắt Đường Tăng mất tích. Thật là: “Vừa thoát lưới yêu hoa, lại gặp ma trăng gió”.
Yêu tinh bắt Đường Tăng về động khuyến dụ ép giao hoan, nhưng Đường Tăng một mực định thần mong các đệ tử đến cứu. Yêu tinh giở trò đủ cách mà Đường Tăng không động lòng.
Yêu tinh tức giận trói Đường Tăng giam lại. Sau đó các đệ tử đến cứu, nhưng đánh không lại nó. Tôn Hành Giả đến gặp Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát chỉ lên Đông Thiên đến cung Quang Minh thỉnh Mão Nhật Tinh Quân mới hàng phục được nó.
Khi yêu tinh gặp Tinh Quân thì nó hiện nguyên bản tướng là con Rết tu thành tinh ngã lăn ra chết. Tôn Hành Giả đến động cứu Đường Tăng ra.
Ở hồi Tây Lương Nữ Quốc là hình ảnh tượng trưng cho ngũ dục đang dàn trải quyến rũ chúng ta trong cuộc sống; còn Đường Tăng là cái kho dung chứa tất cả chủng tử thiện ác, vậy thì chủng tử ái dục không sao tránh khỏi là phần chắc. Cho nên người hành đạo nếu không có trí tuệ sáng suốt nhận định lẽ thật về chúng thì sẽ dễ bị chúng trói chân vấp ngã. Nhân vật Mão Nhật Tinh Quân ở cung Quang Minh là hình ảnh tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt hiện hữu. Nếu trí tuệ hiện hữu thì niệm ái dục (yêu tinh) liền tan hoại, giống như mặt trời (Tinh Quân – vua ánh sáng) lên cao khoảng bảy giờ sáng (Mão Nhật) tỏa chiếu ánh sáng (Quang Minh) thì bóng đêm u tối – tâm trí mê mờ (yêu tinh) không còn nữa.
Tuy nói chướng chứ ngoại cảnh là cảnh đâu có ràng buộc gì đến mình, nhưng từ lâu chúng ta sống theo bản năng thường tình nên lúc năm căn tiếp xúc với năm trần ái nhiễm đắm mắc, bị ngoại cảnh xoay chuyển thành thói quen đành phải lệ thuộc nó. Hay có thể nói đúng hơn là chúng ta nhìn mọi sự vật bằng nghiệp cảm nên mỗi người hay mỗi loài có cái nhìn sai biệt. Ví như những món sơn hào hải vị ở thế gian chúng ta cho là ngon bổ quý giá, nhưng ở cõi trời nhìn thấy là nhơ nhớp, hay những gì trong thân ta bỏ ra mà có loài cho là thức ăn ngon, hoặc thấy người nào đó hợp nhãn vừa ý cho là đẹp, là tốt, dễ thương, còn người khác nhìn không hợp, không vừa ý cho là xấu, là không thích khó ưa. Nhưng đối với người trí như Phật và Bồ Tát thì sắc thân nào cũng là một đãy da hôi thối. Cũng một đối tượng mà do nhìn bằng nghiệp cảm hay trí tuệ nên thấy có khác hẳn một trời một vực.
Thật vậy, thân thể này dù có đẹp mấy đi nữa mà một, hai ngày không vệ sinh tắm rửa thì thật nhơ nhớp đáng gớm do thập khiếu thải ra (hai lỗ tai, hai lỗ ở mắt, hai lỗ mũi, một lỗ miệng, một lỗ tiêu, một lỗ tiểu và lỗ chân lông thải mồ hôi). Thế mà có người lại cho là đẹp, là dễ thương, tại do nhìn bằng nghiệp cảm nên không thấy được lẽ thật của nó. Con người tham đắm dính mắc năm trần vì không biết chúng là những ảo cảnh do tâm hiện, lại mê lầm mờ mắt tâm khiến chúng ta say đắm chìm ngấm vào dòng nước xoáy đó khó thoát ra được. Vả lại, không biết nó là những cạm bẫy lừa gạt bởi những cái hào nhoáng bên ngoài, và cũng do lòng còn tham, sân, si nên lầm lẫn lún sâu vào vũng bùn của dục lạc.
Năm trần không phải chỉ đến với chúng ta từng cái một mà có thể chúng đến cùng một lúc. Ví như, khi ta vào nhà hàng cao cấp thấy các chiêu đãi viên có dung mạo sắc diện đẹp đẽ (sắc); miệng nói những lời trong trẻo êm ái, dịu dàng lịch sự mời khách (thanh); mùi thơm nước hoa toát ra từ người chiêu đãi (hương); họ đang phục vụ các món cao lương mĩ vị cho mình thưởng thức (vị); nếu gặp phải chiêu đãi viên nào có tình ý thì họ tỏ lộ những cử chỉ cợt nhả lả lơi như đụng chạm để gợi cảm (xúc). Hoặc giả khi có việc ta đi xe hay tàu gặp người khác phái đón xe để đi cùng chuyến, khi họ lên xe thì chỉ còn một chỗ duy nhất gần ta nên liền đến đó ngồi. Họ có dáng mạo khôi ngô, sắc diện đẹp đẽ (sắc); trước khi ngồi họ lịch sự nở nụ cười mong thông cảm, nói lời dịu dàng trong trẻo (thanh); họ xức nước hoa mùi thơm dễ chịu (hương); và ngồi sát bên mình (xúc). Nếu như năm sự việc đó đều đến cùng một lúc thì thử hỏi người hành đạo phải thấy thế nào để tâm không vọng động? Nếu nói quán nó là không thì làm sao thấy không đây? Nếu ta thấy nó là thật có thì không làm sao quán nó không cho được. Bởi thấy có đối tượng (năm trần) thật là Nhân thì mình là chủ thể thấy đối tượng đó là Ngã; nếu có Ngã thật và Nhân thật thì có tất cả việc xảy ra là Chúng sinh (liếc mắt, mở lời gợi cảm, xúc chạm v.v…); do có những việc đó nên có cảm thọ trên các căn là Thọ giả.
Ở đây xin nêu ra vài cách để có cái nhìn khác hơn thế tình, nhưng đó cũng chỉ là phương tiện để không bị dính mắc ái nhiễm trên pháp. Khi đối diện với năm trần thấy chỉ thấy; nghe chỉ nghe; rõ biết tất cả sự vật đang hiện bày trước năm căn nhưng tâm thức không máy động thì dù trần cảnh có hiện diện ta vẫn bình thản như nhiên, vẫn thấy, nghe rõ biết tất cả mà cũng như không thấy nghe…. Tất cả trần cảnh có là do thức khởi mà có ra cái này, vật nọ… mới có nhận định lời này hay, tiếng kia tốt v.v… và v.v…, nếu thức không khởi động thì trần cảnh vốn tự vắng lặng. Ngài Bàng Uẫn có làm bài kệ nói ý này:
Đã tự vô tâm cùng vạn vật
Ngại gì vạn vật thường quấy nhiễu
Trâu sắt chẳng sợ sư tử rống
Tợ như người gỗ xem chim vẽ
Chim vẽ gặp người (gỗ) cũng chẳng kinh
Người gỗ thể vốn tự vô tình
Tâm cảnh như như chỉ thế ấy
Lo gì đạo Bồ đề chẳng thành.
Nói khác hơn là đối với các pháp hiện tại như thế nào thì hãy thấy như thế ấy chứ có mó máy động đậy.
Nếu chưa có cái nhìn như thế thì phải thấy đối tượng do nhiều yếu tố hợp lại mới thành hình, bản chất vốn không thực thể cố định. Ví như thân thể có là do da, thịt, gân, xương, máu và hơi thở… ràng rịt thì mới đi đứng hoạt động được. Âm thanh có phát ra là do môi, lưỡi, đóc giọng và hơi từ trong bụng ra cùng với ý nghĩ mới phát ra âm thanh dịu dàng, lời lẽ ngọt ngào v.v…, cho đến các sắc pháp khác cũng vậy. Do có cái nhìn như thế tâm mới không tham đắm ái nhiễm.
Còn nếu không được như vậy thì khi năm việc đó có đến ta phải ý thức rằng người lớn tuổi hơn ta nhiều nên xem như mẹ ruột; người lớn tuổi hơn chút ít thì xem như chị ruột; nhỏ tuổi hơn xem như em ruột; nếu nhỏ hơn nữa thì xem như con cháu trong nhà. Còn phái nữ phải thấy ngược lại, xem đối tượng như cha, anh, em, con cháu ruột. Có cảm nghĩ như thế thì tâm mới không động niệm vướng mắc trên năm dục, vì xem tất cả người khác phái đều là ruột thịt một nhà.
Đó là nói đại khái qua vài cách nhìn để hành giả biết chuyển hóa cái thấy trên các pháp khác hơn thế tình. Cũng chỉ là đôi mắt, nếu chúng ta có cách nhìn khác thì mới thấy tất cả đều giả dối, các pháp tuy có mà như huyễn, như mộng vậy. Có thân người thì ai cũng như ai, nhưng nếu có cách nhìn đúng lý chân chính thì khác hơn ở chỗ là đừng vướng mắc sáu trần, cho nên nói thánh, phàm khác nhau là chỗ đó.
Ngày nay thức tỉnh đi ngược dòng đời nên nói nghịch lại, nhưng phải có trí tuệ sáng suốt hành giả mới vượt qua, bằng không sẽ bị chúng quấy nhiễu và làm cản trở bước tiến trên đường hành đạo. Đây xin nói về sắc dục trước.
(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).
Đại đức Thích Tỉnh Thiền