Tây Du ký: Huyền sử hay chính sử?
Không biết Tây Du Ký có từ lúc nào, nhưng nghe đâu đã có trước Ngô Thừa Ân lâu lắm do một thiền sư viết. Ngô Thừa Ân vì ham đọc truyện (lời đầu của truyện nói), sau này ông triển khai thêm những nhân vật và dựng nhiều cảnh để cho tình tiết Tây Du Ký được đa dạng phong phú hơn.
Bài 1: Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật (1)
Hay là ông có đọc hiểu Phật pháp và thực dụng nghiệm biết, rồi dựa vào chuyện ngài Pháp sư Huyền Trang sang Thiên Trúc (Ấn Độ) học đạo mà soạn thành Tây Du Ký để nói lên sự hiểu và hành đạo của mình qua tác phẩm (?).
Nhưng thiết nghĩ, những nhân vật đi theo Trần Huyền Trang sao ông lại mượn hình ảnh con khỉ làm Tôn Ngộ Không mà không chọn một con vật khác, như con bò, con dê chẳng hạn! Còn Trư Bát Giới là hình dáng con heo mà không mượn hình dáng con chó, con mèo, sao lạ vậy? Rồi những hình ảnh ma quái ghê sợ, cùng các trận chiến thật rùng rợn như trong truyện diễn tả là ý nói lên điều gì?
Và nếu chúng ta hiểu theo truyện thì thấy thật là vô lý và mâu thuẫn. Chẳng hạn như Mỹ Hầu vương ở Đông Thắng Thần Châu sang học đạo ở Tây Ngưu Hóa Châu mà lại nói tiếng xứ đó được, hay xuống dưới Long Cung, lên Thiên Đình, rồi gặp Đường Tam Tạng mà nói chuyện y như người trong nước vậy. Giả dụ, chúng ta ở Việt Nam sang bên Anh hay Pháp, nếu không học tiếng nước đó thì làm sao nói chuyện được? Để cho thấy tác giả muốn ngầm nói lên ý nghĩa gì đó qua những hình ảnh biểu trưng như thế.
Về mặt lịch sử thì Pháp sư Huyền Trang và chuyến Tây du của Ngài là có thật (xem Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh tác giả Võ Đình Cường và quyển Huyền Trang – nhà chiêm bái và học giả của HT. Thích Minh Châu dịch). Còn theo truyện Tây Du Ký thì chuyến đi của Ngài đã được Ngô Thừa Ân thần thoại hóa. Những nhân vật đi theo Ngài chỉ là giả tưởng do tác giả dựng lên, vừa biểu thị những ý nghĩa sâu xa trên tinh thần Duy thức học Phật giáo, vừa làm cho tập truyện sinh động có tính khôi hài để hấp dẫn người xem.
Là truyện của người xưa để lại, tuy có hư cấu và huyền thoại, nhưng nó là một tác phẩm văn học nói lên một triết lý tâm linh thật sâu sắc, thực tiễn. Thế mà thỉnh thoảng trong xã hội lại có loại ông lên, bà dựa, tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh ra vẻ oai phong linh thiêng để dọa dẫm rồi bịp người, thiên hạ thì đâu biết rằng nhân vật đó chỉ là hư cấu. Thật là một trò lừa gạt và mê tín, vậy mà cứ tồn tại mãi trong dân gian!
(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).
Đại đức Thích Tỉnh Thiền