Tất cả những điều mình gặp đều vì một lý do này
Tất cả những gì đến với mình, chỉ mang một mục đích duy nhất, là để xem thái độ ứng xử của mình như thế nào thôi.
Nếu như đối tượng mà mình thích, khởi lên, mà ta phát sinh lên lòng tham, thì lòng tham ấy, có cả ngàn trường hợp khác nhau.
Có người, vừa khởi lên lòng tham, là họ thấy ra vấn đề, họ ngưng liền. Có người lâu hơn, mười ngày sau, họ thấy họ tham, họ ngưng. Và cũng có người, vừa khởi lên là họ chạy theo đối tượng luôn, mải miết, không dừng.
Tất cả những trường hợp vừa nêu trên, đều tốt như nhau.
Vì sao lại tốt như nhau? Là bởi vì không thể khác được.
Ví dụ: Một em mười tuổi, là mười tuổi thôi, chứ làm sao thành mười một được? Em mười một tuổi, là mười một tuổi thôi, chứ làm sao thành mười hai được? Tức là, sự việc đang như thế nào thì nó là như vậy.
Và mình cũng không thể nói, em này mới có mười tuổi, em kia mười lăm tuổi, cho nên em kia giỏi hơn. Em mười tuổi hay em mười lăm tuổi, thì cũng đều bình đẳng như nhau thôi. Chưa chắc ai hơn. Và chuyện hơn thua đó không quan trọng. Quan trọng là lúc đó, thái độ thực sự của mình là như thế nào.
Thầy thường nói: Tất cả những gì đến với mình, chẳng hạn như đối tượng mà ta thích, chỉ mang một mục đích duy nhất, là để xem thái độ ứng xử của mình, như thế nào thôi.
Nên, đang ứng xử ở mức độ nào, thì cứ tiếp tục ứng xử ở mức độ đó. Rồi qua đó, mình sẽ học được bài học của riêng mình.
Ví dụ: Khi A thấy đối tượng, A không có vấn đề gì cả, A Giác Ngộ lập tức. Còn khi B thấy đối tượng, B bị thu hút ngay và cứ chạy theo thôi. Chạy theo cho đến ngày vỡ lẽ ra, thì sẽ Giác Ngộ. Nghĩa là, trước hay sau, sớm hay muộn, họ cũng sẽ đều Giác Ngộ hết.
Cho nên, mới nói là bình đẳng. Chỉ là trình độ khác nhau, nhơn duyên khác nhau, thì kết quả sẽ cho ra khác nhau.
Thí dụ: Em bé bắt đầu tập đi, thì nó đi xiên xiên xẹo xẹo, lúc nào cũng như muốn té. Mình chê, đi như vậy là trật rồi, không đúng, phải đi cho ngay thẳng đàng hoàng chớ. Nhưng với em bé, thì nó là như vậy, biểu nó đi ngay thẳng là không được rồi.
Mình cũng thế thôi. Đầu tiên là phải thấy ra được, mình đang như thế nào, chớ không phải là, mình phải như thế nào. Không có một biểu đồ chung, một đáp án chung cho tất cả. A thế này, B thế kia, và C sẽ thế khác, tùy trình độ của từng người.
Thầy Viên Minh