Tạp bút: Thấy
Người đời thường nói: “Chết là hết chuyện!” Thiên hạ hay kháo với nhau: “Chết, hai tay trắng, không mang theo được gì ngoài cái Nghiệp của mình!” Với tôi, chết rồi vẫn… chưa hết chuyện.
Với tôi, người chết rồi tuy không mang theo được gì ngoài cái Nghiệp của mình, nhưng vẫn “để lại” cõi trần ô trọc bụi bặm điêu linh này “cái gì đó”.
“Để lại” là để lại cho những người còn đang hít thở, tiếp tục sống và phải sống.
“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng” là vậy.
Quan trọng là, những người đang còn sống, tiếp tục sống với cuộc đời, lặn hụp tiếp trong dòng trôi sinh tử sôi động… sẽ tiếp nhận hay xua đuổi, gìn giữ hay hất phủi, trân quý hay khinh thường những “cái gì đó” mà người chết đã “để lại”cho đời.
Nếu không trân quý, không gìn giữ bảo tồn thì làm gì bây giờ có “Truyện Kiều” của đại thi hào Tố Như – Nguyễn Du để bao thế hệ hậu bối ngâm nga gẫm đọc?
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Nếu không kính phục tán thán công đức thì làm gì còn bài “Khai kinh kệ” của Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên để hậu sinh tụng niệm rầm rền cùng chuông khánh trống mõ?
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như-lai chân thiệt nghĩa.”
(Pháp vi diệu rất sâu vô lượng
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy xin trì tụng
Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu!)
Nếu không biết trân quý tôn kính và bảo tồn thì làm sao hậu thế biết được bài thơ di bút của Bồ tát Thích Quảng Đức kính dâng cúng dường Thập Phương chư Phật?
“Đệ từ hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình?”
…Còn cả vạn cái “nếu” khác để kê ra thí dụ tỏ rõ lấp lánh, nhưng kê ra nữa làm chi cho dông dài?!
Với tôi, tôi đã từng kính cẩn tiếp nhận rất nhiều lần bằng hai tay những thư từ, tư liệu, hình ảnh xưa cũ của Mẹ tôi truyền trao khi bà vẫn đang còn khoẻ khoắn, minh mẫn ở tuổi bát tuần. Vì sao Mẹ tôi giao cho tôi, đứa con thứ 11, mà không giao cho những người con khác trong bầy con 14 đứa?
Mẹ tôi chuyển giao cho tôi gìn giữ những kỷ vật quý hiếm, nhất là những thư từ bút tích của chư tôn đức Tăng Ni, đạo hữu và những trang thơ viết tay của bà, từ những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, vì bà “thấy” được nơi tôi đang có nhiều thuận lợi hơn những người con khác.
Đơn giản chỉ vì có nhiều thuận lợi. Thuận lợi là đang hoạt động viết văn, làm báo, đồng thời đã và đang có khả năng, có sở thích lưu giữ những di sản của tiền nhân tiền bối, đã lập nên một Tủ Sách Gia Đình đồ sộ như một Tàng Thư Các để bảo vệ, gìn giữ những kỷ vật quý báu của Phật pháp và gia tộc gia đình. Bà “thấy” tôi có đủ điều kiện để nhận giữ và khai thác kho tàng văn thư đó chứ không phải chỉ hốt gom lấy về bỏ vào rương đóng kín khoá kỹ.
Gìn giữ, bảo tồn mà ôm khư khư, bỏ vào rương, xếp vào hộc thì ai lại không làm được?! Qua thời gian, thủ thư rồi cũng chết đi, nếu có truyền lại cho con cái thì rồi chúng cũng chết đi chớ có trường sanh bất tử để gìn giữ thay ông cha đâu, tàng thư ngày càng mục nát, vậy là đem đốt, hoặc hốt bỏ thùng rác, rốt cuộc thì không ai biết trong rương trong hộc tủ đó lâu nay cất gì, giấu gì, theo bụi theo tro mất tăm mất dạng hết rồi!
Về sau, tôi sẽ chuyển giao cả tàng thư cho ai của hậu thế, cho ai trong thế hệ “con hậu duệ, cháu hậu sinh” nào, thì đó là chuyện chưa thể nói trước chắc chắn được, vì tôi chưa được “thấy” như Mẹ tôi đã từng “thấy” tôi.
Nhưng tôi vẫn “thấy” một chút hi vọng, hi vọng lấp lánh lấp loé, rồi một ngày nào đó tất cả những gì trong tàng thư của tôi sẽ chuyển giao hết cho… đứa cháu ngoại cưng, Bon – Nguyễn Phước Kiến Văn!
Ngạc nhiên chưa?!
Xin đừng ngạc nhiên. Vì, ít ra tôi đã “thấy”…“những gì đó đó” ở một đứa cháu ngoại nhóc con mới 4 tuổi, đứa cháu đã từng gắn bó với tôi từ lúc mới chào đời, rồi chướng duyên đẩy đưa nó đeo bám theo tôi sát rạt từ khi được 22 tháng tuổi đến nay. Chướng duyên của cháu, nhưng cũng có thể đó là thuận duyên, là phước của nó cho nó xa rời khỏi nhà bên nội mà về sống bên nhà ngoại để được thương yêu bảo bọc, cưng quý và giáo dưỡng theo Chánh pháp.
Tôi đã “thấy” nơi cháu cưng những gì không được thấy ở hai đứa con của mình, dù cả hai đứa con một gái một trai đều đã trưởng thành, tuổi đã trên dưới “tam thập nhi lập”. Cháu cưng đã bộc lộ thiên tư đặc biệt khác người, không chỉ thông minh lanh lợi, tiếp thu nhanh, nhớ lâu nhớ kỹ, mà còn hiển bày những sở thích nghệ thuật về âm nhạc, hội hoạ, thi văn và đặc biệt nhất là rất thích đi chùa, nghe nhạc thiền, niệm Phật, ngắm tranh tượng Bồ tát Thánh chúng, thường tìm hiểu thắc mắc về chốn chùa chiền tôn nghiêm, thi thoảng buộc miệng hỏi một câu, hoặc phán một câu nghe mà sửng sờ, mà kinh ngạc thích thú, cứ như là người có chủng tử đang mang kho kiến thức nằm sẵn trong A-lại-da thức theo vòng luân hồi nay đầu thai vào kiếp này chứ chẳng phải chuyện nói đùa nói chơi!
“Thấy” ở cháu, dù chỉ mới thấp thoáng, ẩn ẩn hiện hiện chưa rõ nét rõ dáng, nhưng tôi vẫn hi vọng là mình “thấy” đúng, chứ không phải… vọng tưởng. “Thấy” rồi hi vọng trước cái đã, còn vạn sự còn tuỳ ở nghiệp duyên đang vận hành tiếp diễn, chứ bây giờ nói trước sợ rằng bước không tới, diễn ra không phải là vậy!
Tâm Không Vĩnh Hữu