Tạo nghiệp thiện có thoát luân hồi?

Nghiệp là hành động có tác ý và sẽ tạo ra nghiệp quả ở tương lai. Nghiệp là động lực chính dẫn dắt chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường. Tùy vào nghiệp nhân thiện hay ác mà kết duyên và chiêu cảm thành nghiệp quả (quả báo) lành hay dữ.

 

Hỏi: Theo tôi biết, nghiệp ác là nhân của luân hồi. Người tạo nghiệp ác sẽ luân hồi để thọ nhận nghiệp quả xấu của mình dù họ muốn hay không. Xin hỏi: 1. Nghiệp thiện có phải cũng là nhân luân hồi không? Người làm thiện có buộc phải luân hồi để nhận lãnh các quả tốt mà họ đã gieo không, hay nhờ nghiệp thiện nên họ có quyền quyết định việc luân hồi? Có phải chỉ cần còn nghiệp dù ác hay thiện thì vẫn phải luân hồi? 2. Trung đạo mà Đức Phật đã dạy có phải là con đường không làm ác cũng không làm thiện hay không? 3. Một vị Bồ-tát khuyến hóa chúng sinh tu thiện hay độ thoát chúng sinh thì có tạo ra nghiệp thiện không, có bắt đầu vòng luân hồi không?

Đáp:

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nghiệp là hành động có tác ý và sẽ tạo ra nghiệp quả ở tương lai. Nghiệp là động lực chính dẫn dắt chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường. Tùy vào nghiệp nhân thiện hay ác mà kết duyên và chiêu cảm thành nghiệp quả (quả báo) lành hay dữ.

Do vậy, không chỉ tạo nghiệp ác rồi chịu luân hồi mà tạo nghiệp thiện cũng vẫn bị luân hồi để thọ báo lành tương ứng. Không hề có chuyện tạo nhiều thiện nghiệp rồi được quyền quyết định luân hồi hay không.

Trung đạo theo Đức Phật dạy là tránh xa hai cực đoan hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh ép xác, trung đạo chính là Thánh đạo có tám ngành (Bát Thánh đạo), lộ trình đưa đến thoát ly sinh tử luân hồi. Về sau, trung đạo có đôi lúc được diễn dịch là con đường không thiện cũng không ác. Không thiện, không ác có hai cách hiểu: Một là siêu việt thiện ác, hai là chỉ đơn thuần ở giữa thiện và ác. Nếu siêu việt thiện ác thì khế hợp với ý nghĩa trung đạo. Còn nếu chỉ ở giữa của biên độ thiện ác thì không mang ý nghĩa trung đạo và vẫn bị luân hồi.

Bồ-tát có nhiều phẩm vị từ Sơ phát tâm cho đến Đẳng giác. Thiển nghĩ ở đây, bạn đang đề cập đến các vị Đại Bồ-tát chuyên cứu độ chúng sinh như Quan Âm, Địa Tạng… Đối với hàng Đại Bồ-tát thì các Ngài đã thoát ly sinh tử luân hồi từ lâu xa, đã viên mãn phần tự độ, các Ngài chỉ tận lực độ tha cho đến ngày công viên quả mãn. Quá trình độ tha, cứu độ chúng sinh của các Ngài đã vượt ra ngoài vòng chi phối của nghiệp (dù là thiện nghiệp) và luân hồi. Trong trường hợp các Ngài có tái sinh thì cũng do đại nguyện mà tái sinh chứ không phải do nghiệp dẫn trong luân hồi sinh tử.

Giác Ngộ