Tản mạn đôi dòng về Thiền và Trà đạo

Nói đến Trà đạo, người ta thường liên tưởng ngay đến Thiền. Mối liên quan mật thiết giữa Thiền và Trà đạo gần như không còn khoảng cách để phân chia, chẳng hạn Trà Thang hình thành từ sự phát triển trong nghi thức uống trà của Thiền Tông, thậm chí có người cho rằng Trà đạo chính là Thiền.

 

Về điều này cũng không thể nhất thời thêm lời bớt ý. Tuy nhiên, có điều đáng nói là đến nay hầu như không ai có thể phủ nhận việc Trà đạo xuất phát từ chốn Thiền môn, được các nhà sư Nhật Bản cổ súy và quảng bá.

Khi đề cập đến Thiền và Trà đạo, trước hết chúng tôi muốn nói về tinh thần Trà đạo, tức cái đạo trong chén trà, cái đạo trong việc uống trà, sâu sát hơn là đạo vị trong khi thưởng thức trà và bao quát hơn là Đạo giải thoát theo tinh thần Phật giáo thông qua nghệ thuật Trà đạo, chứ không riêng gì Trà đạo xuất phát từ Nhật Bản, vì một khi nói đến Trà đạo, khiến người ta liên tưởng ngay đến cung cách lễ nghi và hàng loạt ứng xử, dụng tâm trong cách uống trà của người Nhật.

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.

Trong nhà Phật có câu: “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Điều này ngụ ý là Phật pháp hiện hữu ngay trong thế gian này, nên cũng không thể rời thế gian này mà giác ngộ. Có thể nói đây là tinh thần giác ngộ của Đại thừa Phật giáo. Từ nhãn quan Đại thừa Phật giáo, liên hệ đến việc uống trà, một việc vụn vặt mà gần như ai cũng biết, ai cũng dùng đến. Uống trà chỉ là một việc thường tình ở thế gian, nhơn cái việc phổ biến thường tình này con người có thể giác ngộ chăng? Có thể nói đây là vấn đề khá lý thú để cùng nhau bàn về Trà đạo.

Ở Nhật, người ta đã nâng cao giá trị của việc thưởng thức trà lên thành một thứ tôn giáo của chủ nghĩa thẩm mỹ. Trà đạo được xem là một thứ đạo lập ra nhằm tôn sùng cái đẹp trong những công việc tầm thường trong sinh hoạt hằng ngày, sâu xa hơn nó là một loại tín ngưỡng dành cho những người bị quyến rũ bởi tính hồn thiện và tinh khiết của thế giới thiên nhiên. Cũng không dừng ở đó, người ta còn thấy trong chén trà phảng phất đâu đó chất vị của đạo Thiền và nhiều người đã đến với chén trà này để tìm kiếm hương vị Thiền bằng sự cố gắng nỗ lực của riêng mình.

Ở các nước phương Đông khác như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, nghệ thuật uống trà cũng được con người chú trọng, văn hóa trà lan rộng cùng khắp. Trong quan hệ xã hội, dù thân quen hay xa lạ như thế nào đi chăng nữa, hễ có dịp đến nhà nhau, người ta thường mời nhau một chén trà. Bạn bè, bà con lâu ngày gặp nhau trước hết là được mời trà. Người đời vào chùa lễ Phật cũng được quý sư sãi đãi trà. Giỗ quảy, ma chay, cưới hỏi cũng phải có trà. Tết lễ hội họp cũng không thể thiếu trà. Trà trong ẩm thực, trà trong giao tế, trà trong lễ lộc, trà trong văn chương… trà đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống thậm chí đến chết có người còn được tẩm liệm với trà. Như vậy, trà đã theo bước chân con người từ sinh đến tử, chia sẻ biết bao buồn vui sướng khổ với từng mỗi cuộc đời. Bên cạnh chén trà phổ biến trong sinh hoạt thường nhật con người còn nhận thấy trong cái im lặng và dễ gần ở chén trà, có rất nhiều điều đáng tin cậy để cởi mở tấc lòng riêng. Trong quá trình phát triển văn hóa trà thì đây là chén trà tự sự để rồi thăng hoa hơn, thoát tục hơn khi con người nhìn thấy ở chén trà là cả một thế giới yên bình an ổn, có thể thông qua nó mà nội soi, mà phản tỉnh, từng bước vị trí của chén trà trong đời sống của con người cũng thay đổi cho đến khi người ta nhìn thấy chén trà yên lặng bên sự lặng yên trầm tĩnh của các thiền sư, chén trà đã được đạo hóa từ lúc nào cũng không ai hay biết. Ngày nay, chúng ta thường thấy chén trà này trong những am cốc, chùa chiền, tịnh viện của các tu sĩ Phật giáo. Sau giờ vãng tham, người ta ngồi lại bên chén trà để tiêu khiển, một sự tiêu khiển thanh cao ngút ngàn đạo vị. Cũng có người đã ngồi lặng lẽ bên tách trà yên lặng hàng giờ, hàng buổi mà không phải tìm chùa, tìm Phật… Chúng ta có thể gọi nôm na đó là Trà đạo phương Đông.

Ở đây, chúng tôi muốn nói về Trà đạo dung dị như là một “đạo sống”, một cách “sống đạo” chứ không bàn đến chỗ sâu kín, siêu việt của Thiền tông trong chén trà, bởi trong phổ biến, dưới mắt nhiều người, Trà đạo vẫn là một loại tôn giáo, tín ngưỡng mang tính nghệ thuật siêu thoát trong cảm nhận hơn là tính tư tưởng trong học thuyết của Phật giáo. Về điều này, chúng ta có thể thấy tinh thần Thiền đã góp phần quan trọng cũng có thể nói là then chốt cho tư tưởng Đông phương. Đó là nhận thức được tầm quan trọng trong những sự việc vụn vặt trong đời sống thế tục, nó luôn có tầm quan trọng ngang bằng với đời sống của tinh thần siêu thoát. Có thể nói rõ hơn là đời sống thế tục và siêu thoát bản chất vốn không hai, chỉ khác ở hiện tượng bị tâm trạng trói buộc hay tầm nhìn giới hạn.

Để cởi trói sự ràng buộc và gỡ bỏ cái giới hạn do tầm nhìn, các thiền gia chủ trương rằng cần có sự bình đẳng, trong mối tương quan giữa các sự vật không có sự phân biệt lớn hay nhỏ trong kích cỡ cũng như trong tác dụng của mỗi sự, mỗi vật. Bởi mỗi sự, mỗi vật đều có phần đóng góp cho cuộc sống, đều giúp con người tự hoàn thiện mình để bước lên nấc thang giác ngộ. Riêng điểm này, đối với người đi tìm sự trong sáng cho mình, đều có thể nhận thấy hoạt dụng của ánh sáng nội tâm phản xạ ngay trong những hành vi trong sinh hoạt thường ngày. Khi lặng lẽ bên chén trà, thong thả nâng chén trà lên nhấp ngụm, con người sẽ dễ nhận ra len lỏi trong máu huyết của mình luồng sinh khí giải thoát đã chạy đến đâu, chỗ nào hanh thông, chỗ nào ngưng trệ, cũng như len lỏi trong não bộ mình chủng tử buông xả đã chiếm lĩnh phần nào trong tạng thức, đâu là chỗ cứng đầu, lì lợm và điều gì đã ngoan ngoãn nghe theo…

Trong đời sống, đâu chỉ có Trà đạo mới giúp con người hoàn thiện tĩnh giác. Tuy nhiên, nét đặc thù của nghệ thuật Trà đạo thuận lợi trong việc đưa con người đến với đạo giải thoát hơn là so với những sự việc thường ngày khác. Trà đạo không có triết lý cao siêu, không phô trương cầu kỳ, chỉ kín đáo, yên tĩnh và dễ gần nên nó đã nghiễm nhiên trở thành loại tín ngưỡng tâm linh đã mê hoặc ngay những tâm hồn nhạy cảm và hướng nội.

Ngày xưa và cả thời nay, tinh thần “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm, một ngày không ăn) của thiền sư Hoài Hải Bá Trượng đã được đưa vào thanh quy của các thiền viện. Ngoài ý nghĩa mang tinh thần cơ phong ngữ lục, ngoài quy ước về mưu sinh trong đời sống hàng ngày, chúng ta còn nhận ra ở đó tính hành dụng cao cả nhằm giúp hành giả tu thiền va chạm không ngừng với thực tế, thông qua những công việc thế tục ngay trong đời sống hành thiền. Trong hàng loạt những công việc như trồng khoai, trồng bắp, tỉa đậu, tỉa mè, cấy lúa, se nhang, nấu cơm, bửa củi… thật ra đều là môi trường để cọ xát, là tiêu bản để phản bổn hoàn nguyên. Tại các thiền viện ngày xưa, chỉ trừ người già yếu ra, thì từ viện chủ cho đến các thiền sư, thiền sinh, cư sĩ nam nữ,  hết thảy mọi người trong thiền viện đều được cắt giao công việc. Điều đáng chú ý là đối với các chú tiểu, các cư sĩ mới vào chùa làm công quả tập sự tu thiền đều được giao cho những công việc nhẹ nhàng, phù hợp, còn những tăng sĩ khỏe mạnh, những cư sĩ đến trước thì phải đảm nhận công việc vất vả hơn. Tuy nhiên, thanh quy của thiền viện đều có dụng ý nhằm tùy cơ duyên và trình độ mỗi người nhằm giúp người tu hành sớm thức tỉnh tánh chơn.

Như vậy, ẩn chứa trong những công việc vụn vặt hàng ngày như làm cỏ, hái rau, pha trà, tưới kiểng hàm tàng bao điều trọng đại, mà mỗi thiền sinh đều phải đặt hết mạng căn vào đó với tâm trạng thuần nhất chẳng mảy may sơ xuất. Suy từ những việc làm từ nhỏ đến lớn trong các thiền viện, chúng ta mới thấy lý tưởng về Trà đạo chính là lý tưởng sống đạo của một đạo sống, ảnh hưởng rất lớn từ tinh thần siêu thoát của Thiền, nói lên sự cao siêu, ẩn mật tinh thần thoát tục bao hàm trong những sự việc, dù lớn lao hay nhỏ bé một khi nó đã hiện hữu trong đời. Như vậy, Thiền gia đã thổi một luồng sinh khí lồng vào trong cái đẹp, cái hồn thiện, cái tinh khiết trong nghệ thuật thưởng thức Trà đạo.

Trong đời sống ngày nay, mối liên kết giữa Thiền tông với trà đã được xem là hiển nhiên. Nhất là đối với giới tăng sĩ Phật giáo, vào thời công phu khuya, thường là ba giờ sáng, khi thức dậy người ta thường pha trà nóng, trước thì dùng hơi trà để hơ mắt, sau đó uống trà để cho tỉnh ngủ, hoặc trước và sau giờ tham thiền các sư sãi cũng đều dùng trà, ngoài ra, trà được xem là thức uống phổ biến luôn được giới tăng sĩ Phật giáo ưa chuộng. Bắt đầu một ngày tu hành của các Tăng sĩ – người đã đến với trà và sau một thời công phu tham thiền trì tụng kinh điển, người cũng dùng trà để thư giãn, tiêu khiển. Như vậy, có thể thấy rằng, trong đời sống khép kín của người tu theo hạnh Phật, chỉ có trà mới được lọt vào để chia sẻ cùng cộng hưởng không khí an lạc, thanh thoát của chốn Thiền môn. Tuy nhiên trong mối quan hệ thân thiết này, người ta chợt nhận ra hai phương diện hoàn toàn trái ngược nhau rất thú vị. Trà thì gần gũi, ấm cúng. Thiền thì cao tột, thiêng liêng.

Khi nói về Thiền, chỉ trên khái niệm thôi, chúng ta cũng đã thấy tinh thần “bất lập văn tự” quá cao tột, siêu xuất đến độ không ai dám bàn đến, bởi vừa nghĩ đến đã quanh co rồi. Trong đời sống vốn quanh co này, mà “trực chỉ” thì chẳng mấy ai đảm đương nổi. Cũng như trong tâm thức con người hiện nay, vốn chia năm sẻ bảy, vốn bất an và yếu đuối, mà nói đến “vô cầu, vô trụ” thì quả là viễn vông, thiếu thực tế, khó ai chấp nhận, thậm chí nếu không khéo sẽ bị cho là hoang tưởng. Vậy thì không có cách nào hơn là ngồi lại bên chén trà, mượn cái im lặng, dễ gần của chén trà thay cho cái vô ngôn sâu thẳm của đạo Thiền. Điều mà chúng ta cần nêu ra đây là trong tương quan giữa hành giả tu Thiền và các vị Thiền sư, thường luôn có một khoảng cách vô hình mà bản thân con người khó vượt qua. Tất nhiên, ranh giới này là từ nơi hành giả tu Thiền hiện thành. Đối mặt với Thiền sư, tức là  đối mặt với tâm thể vô ngã bao la thanh thoát, đáng lý ra các Thiền sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm an lạc, thì ngược lại bản ngã sẽ trở nên nặng nề phô bày rõ hơn. Dù rằng Thiền sư lặng im nhưng Thiền sinh vẫn thấy kính sợ và khó gần. Đây là khoảng cách! Còn khi Thiền sinh ngồi bên chén trà thì tình hình lại khác đi. Cái im lặng của chén trà lúc nào cũng sâu kín mà lại dễ gần. Không gian Trà đạo với nghệ thuật siêu thoát tự nó đã tuyệt vời, do vậy, nó đã tẩy đi một phần định kiến làm nhẹ đi bản ngã trong tâm thức Thiền sinh.

Trên bước đường hành Thiền, kiến thức thường làm trở ngại công phu tu tập, thì trong không gian Trà đạo cũng vậy, mọi hiểu biết lăng xăng chẳng hay ho gì. Thiền gia thường chú trọng vào biểu hiện giao cảm trực tiếp với tính chất bên trong của sự vật. Những phần phụ thuộc mang tính vòng ngoài đều không cần quan tâm đến bởi nó chỉ tổ gây trở ngại, chi phối việc phát huy tính hoạt dụng sáng suốt từ nguồn tâm tĩnh giác.

Trà đạo tối kỵ cẩu thả, lăng xăng, gấp gáp, nôn nóng. Thiền thì tối kỵ hý luận, chấp trước, kiến giải. Cho nên nói đến Thiền trước hết cần hiểu đó là lối đi riêng, cao tột và thẳng tắt của Phật giáo, được xem là pháp đốn siêu phương tiện do chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền trao cho ngài Ma Ha Ca Diếp, nội dung tinh thần truyền trao như sau: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, pháp môn nhiệm mầu, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý riêng truyền…”. Cũng từ đó về sau, người học Phật thường dùng vắn tắt tám chữ “Bất lập văn tự – Giáo ngoại biệt truyền” để chỉ về Thiền. Tinh thần “bất lập văn tự” cũng chính là tinh thần “trực chỉ” của chư vị Tổ sư Thiền tông sau này để khai thị cho kẻ hậu học thẳng tắt nhận ra chơn tâm. Như vậy, Thiền – chỉ nhằm giúp người tu Phật nhận ra “tánh chơn” vốn sẵn có nơi mỗi tâm người, khi thực chứng được sự tĩnh lặng tột cùng của bản thể mới phát huy được công năng sáng suốt bất tận của tánh chơn. Đối với người học Phật, trạng thái giác ngộ được xem là trọng tâm của Thiền. Nhờ giác ngộ, con người mới sáng suốt trong nhân quả, mới tường tận nơi muôn duyên, mới đạt được đỉnh cao của sự tu hành là vô ngã thong dong tự tại. Thế nhưng muốn bay lên trời, trước hết phải có những bước đi chững chạc ở đất bằng, do vậy, muốn giác ngộ trước hết cần phải lặng lẽ để tĩnh giác, tĩnh giác trong lặng lẽ. Tâm tĩnh giác của người tu Phật phải vận hành liên tục mới có cơ hội đến với chỗ “vô ngôn, vô hành”, đến với đạo giải thoát và giác ngộ. Đạo là sự vận hành liên tục của tâm tĩnh giác và tu theo Phật, là duy trì và giữ gìn cái đạo ấy để từng bước vượt thoát khỏi quỹ đạo luân hồi.

Để minh chứng cho mối liên hệ giữa Thiền và Trà đạo, và Thiền tính trong Trà đạo, chúng tôi xin nêu ra đây một câu chuyện ý vị. Ngày xưa có một vị Tăng đến thăm Thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm. Thiền sư hỏi: “Ông đã từng đến đây chưa?”. Vị Tăng đáp: “Thưa đã từng đến!” Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Sau đó lại có một vị Tăng khác đến vấn đạo Thiền sư, Triệu Châu hỏi: “Ông đã từng đến đây chưa?”. Vị Tăng này đáp: “Thưa chưa ạ!”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Vị thị giả của Thiền sư Triệu Châu thấy vậy liền thắc mắc: “Thưa Thầy, vị Tăng đã từng đến, Thầy bảo uống trà đi, vị Tăng chưa từng đến, Thầy cũng bảo uống trà đi. Ý chỉ việc này thế nào? Triệu Châu liền bảo: “Uống trà đi!”.

Trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, người ta thường nhắc đến bánh Vân Môn, trà Triệu Châu, gậy Đức Sơn và hét Lâm Tế được xem là cơ tiếp người độc đáo của Thiền gia. Mỗi nhà một vẻ, đều vì người mà thẳng tắt khai thị. Riêng ngài Triệu Châu thì hay mời khách uống trà, nên nhắc đến Thiền sư này, người ta thường liên tưởng đến chén trà Triệu Châu. Câu chuyện nổi tiếng nêu trên được giới học Thiền lấy làm công án để tham cứu. Tinh thần “Khiết trà khứ!” (uống trà đi) được xem là tinh thần liên kết giữa Thiền và Trà đạo tại Trung Hoa, được xem là cơ phong cao vút khiến những hành giả căn cơ cạn cợt khó đảm đương nổi.

Qua phương cách tiếp người đốn siêu phương tiện của Thiền sư Triệu Châu trong câu chuyện “Khiết trà khứ”, chúng ta chẳng dại gì đem tâm quanh co của mình bàn về chỗ cực kỳ thẳng tắt. Đọc xong câu chuyện này, quả thật không nên đặt câu hỏi “Thiền là gì?” vì nó hoàn toàn vô ích cho chính người muốn hiểu Thiền và làm rối rắm thêm cho người mở miệng trả lời, còn hiểu một cách máy móc thì đã có cả rừng sách vở giảng về Thiền, về Đạo.

Trong quảng lục của ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện, có một đoạn rằng: “Nói một câu đạt vô lượng nghĩa, trải vô lượng kiếp, độ vô lượng chúng sinh, cũng là sở tri ngu vi tế. Sở tri ngu thì cùng đạo trái nhau. Rất khó. Rất khó. Trân trọng!…”. Trước nghĩa lý siêu mầu trong phát biểu của Thiền sư Nam Tuyền, hy vọng chúng ta sẽ sớm thức tỉnh rằng, những ý nghĩ, lời nói của mỗi chúng ta, dù ra sao đi nữa, thì đối với Thiền, với Đạo cũng chỉ là cặn bã đáng quẳng đi. Có như vậy mới được phần thanh thản bên chén trà vô sự.

Trong phạm vi tản mạn này, chúng ta cùng bàn về Thiền và Trà đạo. Như các bạn cũng đã biết, Thiền không thể bàn, không thể dùng hiểu biết mà suy lường. Cũng như Trà đạo dễ gần mà lại rất khó thấy. Hy vọng bên chén trà vô sự, chúng ta sẽ cảm và nhận ra điều này một cách tinh khiết hơn và dù có cảm nhận ra điều gì đi nữa, các bạn cũng nên cẩn thận vì sự cảm nhận đó cũng chỉ là một tầng bậc khác của sự hiểu biết mà thôi. Đối với mỗi chúng ta, Thiền và Trà đạo cũng chỉ gửi gắm đôi điều như vậy!
Nguyên Châu