Tâm tham

Tâm tham là một trong những loại tâm bất thiện (Tâm chẳng lành, tâm xấu,…). Khi chưa là A La Hán thì tâm này vẫn chi phối chúng ta, khiến chúng ta tạo tác và luân hồi sinh tử trong nhiều kiếp. Tâm này do huân tập từ nhiều đời cho nên khi gặp cảnh tốt đẹp, hài lòng thì sinh ham muốn.

 

Đây là một trong ba loại tâm (Tham, sân và si) gọi là tam độc, hay một trong sáu loại căn bản phiền não rất khó đoạn trừ. Người tu hành muốn tiến đến đạo quả giác ngộ giải thoát thì không thể không biết đến tâm này cũng như là nhận diện được nó và đoạn trừ nó trong khi hành thiền.

Đức Phật có dạy: “… Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo người khác đau khổ, bằng cách sát  hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc… Như vậy nhiều ác bất thiện pháp sinh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham” và: “Người bị ác pháp do tham chinh phục, ngay trong hiện tại sống đau khổ với tổn hại, với ưu não, với nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác khổ cảnh.”

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hành giả có thể nghiệm thấy, trong luân hồi sanh tử tâm tham dục của chúng ta rất mạnh, nó chi phối khiến chúng ta không kiểm soát được, do vậy làm khách ở cõi người thì ít mà làm chủ cõi ác thì nhiều. Thật ra, chủ hay khách thì trong luân hồi, đó không phải là nơi đáng để cho chúng ta an trú. Nơi an ổn nhất chính là Niết bàn. Vậy mà chúng ta cứ mãi để tâm tham dục chi phối, luôn dính mắc vào năm thứ dục lạc, rồi tạo tác các bất thiện nghiệp cho nên phải đau khổ, sa đọa không sao thoát ra khỏi.

Đức Phật ví tham dục như thể đi vay nợ. Các sự khoái lạc có được từ ngũ dục qua năm giác quan (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) sau khi lãnh nạp chỉ để lại sự đau khổ về biệt ly, mất mát, trống rỗng… Cũng như bất cứ món nợ nào cũng phải trả thêm lời. Do vậy, các khoái lạc đó rất nhỏ bé so với sự đau khổ ta nhận lại.

Theo Abhidhamma, có tám loại tâm tham. Tùy theo loại tâm tham nào mà những tâm sở câu hữu, sinh kèm, đi chung với nó sẽ khác nhau như: xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý… Nhưng có ba yếu tố khiến cho tâm tham đó thuộc loại nào trong 8 tâm tham: đó chính là tà kiến, hỷ và cần. Tâm sở tà kiến có mặt hay không có mặt xác định tâm tham đó là hợp tà hay ly tà. Tâm sở hỷ có mặt hay không có mặt quyết định tâm tham đó là thọ hỷ hay thọ xả. Ngoài ra, có sự kết hợp với tâm sở cần hay không xác định tâm tham đó là vô trợ hay hữu trợ, tức là cần có sự đốc thúc hay không đốc thúc của nội tại hay ngoại cảnh. Do vậy, cùng là trạng thái tham nhưng khi tạo nghiệp sẽ có quả báo sai khác.

Tuy nhiên, không phải tự nhiên lòng tham dục sanh khởi và tăng trưởng, nó phải có duyên của nó, đó chính là “Tịnh tướng”. Do tịnh tướng mà tham dục sanh khởi và tăng trưởng. Thông thường là bốn trong tám pháp thế gian khiến tham dục sanh khởi như được danh, được lợi, được khen và an lạc.

Đồng tu thân mến! Thấy được nguyên nhân tham dục sanh khởi đó là sự cần thiết ban đầu của người tu học. Bởi vì có thấy được nhân sanh khổ, chúng ta mới tìm con đường đưa đến sự diệt khổ. Vậy, con đường đó chính là Bát chánh đạo. Tu thiền định và thiền quán là cách thức rốt ráo để diệt trừ tham dục một cách hiệu quả. Vậy chúng ta mới xứng đáng là người thực hành giáo pháp của Đức Phật.

Tâm Tri