Tâm niệm thuần thiện, chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần giúp đỡ
Sự việc bất luận là khó hay dễ, bất luận là lớn hay nhỏ, phải thật thành khẩn, thành thật mà đi làm. Nếu sức mình không làm được thì chúng ta cũng phải có cái tâm tốt này. Đó gọi là “tâm có thừa mà sức không đủ”, cái tâm niệm này sẽ có cảm ứng.
Ở Trung Quốc trước đây, mỗi một nhà đều cúng bái Táo thần. Người tuổi tác cao một chút chắc sẽ nhớ rất sâu sắc, trước đây, ở trong nhà bếp các gia đình thường đều nấu củi, không phải hiện đại hóa như hiện nay là dùng đồ điện.
Khi xây bếp nấu củi đều dành cho Táo thần một vị trí, làm một cái trang thờ nhỏ để cúng Táo thần, trên trang thờ Táo thần có một bức liễn đối. Tôi còn nhớ câu đối trước là “thượng thiên tác hảo sự (lên trời làm việc tốt)”, câu đối sau là “hạ địa bảo bình an (xuống đất giữ bình an)”. Theo phong tục là vào ngày 23 tháng Chạp Táo thần sẽ thăng thiên báo cáo việc thiện ác mà gia đình bạn đã tạo trong một năm.
Người hiện nay nói đây là mê tín, trong nhà không cúng Táo thần, vậy Táo thần có còn quản nhà bạn hay không vậy? Vẫn quản như xưa, tuyệt đối không phải nói bạn không cúng thì ông sẽ không quản, ông vẫn trông coi…
Táo thần là thật có, quyết không phải là giả. Không những Táo thần, mà ở trong một gia đình có rất nhiều quỷ thần; cửa thì có thần cửa. Các vị xem sách Lễ Ký thì sẽ hiểu được, hóa ra là mỗi căn phòng, ở trong mỗi góc đều có quỷ thần cư trú, chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác, người không nhìn thấy được nhưng quỷ thần thấy rất rõ ràng.
Vào đời nhà Minh có truyện Du Tịnh Ý Cư Sĩ Ngộ Táo Thần Ký, truyện này là do đồng hương của ông ghi chép, hết thảy đều là sự thật. Bài văn này được in kèm vào phần sau của sách Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng tôi trước đây đã từng giảng qua một lần rất cặn kẽ, có thể làm tham khảo.
Không chỉ có mỗi Du Tịnh Ý gặp được Táo thần. Vào thời xưa, chúng ta xem thấy ở trong bút ký của cổ nhân có rất nhiều, nhưng bài văn này thì viết tường tận nhất, viết xuất sắc nhất, Pháp sư Ấn Quang cho lưu hành bài văn này.
Người có học, người tu hành luôn luôn tự cho rằng mình rất là lương thiện, người khác nhìn thấy bạn cũng rất là tuyệt vời, mỗi ngày đều làm một số việc thiện, nói lời hay, làm việc thiện. Du Tịnh Ý năm xưa cũng giống như vậy, nhưng cả đời lại nghèo cùng thất vọng. Ông tự cho rằng bản thân mình cũng hành thiện, chưa hề làm qua việc ác gì, sao ông trời lại giáng cái quả báo này, thật là không công bằng.
Táo thần rất từ bi, biết ông là người có học, chỉ dạy ông, ông có thể tiếp nhận, ông có thể phản tỉnh, nên Táo thần mới thị hiện, nói với ông: “Hành vi của ông giống như là thiện, nhưng ý nghĩ của ông quá ác, ác ý, bản thân ông không thể phản tỉnh, bởi vì ý niệm của ông là ác, ác ý, nên thiện mà ông làm đều không phải là thật. Trời đất quỷ thần giám sát, ông từ mồng một tháng Giêng đến 30 tháng Chạp, không có một việc thiện nào là thật, toàn là giả, là phô diễn, làm bộ cho người ta thấy”. Táo thần chỉ điểm cho ông, ông mới chợt nhận ra, ông mới thật sự hiểu ra…
Lỗi lầm mà ông phạm, cũng chính là lỗi lầm mà bản thân chúng ta hiện nay hay phạm. Mình phạm lỗi lầm mà chính mình thật sự không biết, luôn cho rằng điều mình nghĩ, điều mình nói, điều mình làm đều là đúng, người khác đều không đúng. Vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, trong Phật pháp gọi là mê hoặc điên đảo.
Trong kinh Phật nói đến mức độ nghiêm trọng nhất là nhất-xiển-đề, đây chính là người nhất-xiển-đề. Nhất-xiển-đề là tiếng Phạn, nghĩa là không có thiện căn. Phật Bồ-tát không thể cứu họ, họ không biết quay đầu, không biết giác ngộ.
Tiêu trừ nguyên nhân này như thế nào? Chúng ta hãy bình lặng mà suy nghĩ, vẫn là phải đọc sách như xưa, không đọc sách Thánh Hiền thì làm sao có thể giác ngộ? Mê, nói lời chân thật là giống như vũng bùn vậy, càng lún càng sâu, không dễ gì thoát được. Đọc sách Thánh Hiền, ngày ngày gần gũi Thánh Hiền, huân tập lâu dài sẽ dần dần giác ngộ. Ở Trung Quốc từ xưa đến nay, vì sao người già dạy trẻ con phải đọc sách Thánh Hiền, phải đọc kinh Phật, đạo lý là ở chỗ này. Du Tịnh Ý có thể quay đầu là do nền tảng đọc sách trước đó đã sâu dày. Nói với người ngày nay những lời này, vì sao họ không thể quay đầu? Là vì họ không có cái nền tảng này, đây là điều mà chúng tôi sâu sắc giác ngộ được.
Táo thần nói với Du Tịnh Ý: “Ý ác của ông quá nặng, chuyên theo đuổi hư danh”. Nói cho thật nhiều cũng không cần thiết, hai câu này là quan trọng. “Ông làm rất nhiều việc thiện nhưng đều không phải là chân thật, toàn là mua danh cầu lợi”.
Cho nên Táo thần nói: “Thiên địa quỷ thần ngày ngày đang giám sát, đang theo dõi ông, ông ở trước mặt quỷ thần cầu nguyện rất khẩn thiết, cũng có một chút thành ý, nhưng ông đối nhân xử thế tiếp vật thì hoàn toàn không tương ưng với việc ông cầu nguyện trước thiên thần”. Thiên thần từ bi. Người có học đều tin có Ngọc Hoàng đại đế, những tôn giáo khác gọi là Thượng đế.
Táo thần nói: “Thượng đế ra lệnh những quỷ thần giám sát việc thiện ác của thế gian đến đây để xem ông, thấy ông bao nhiêu năm nay chưa hề làm một việc thiện chân thật. Những việc thiện mà ông làm là hùa theo người khác. Hay nói cách khác, người khác không làm thì ông nhất định sẽ không chủ động làm. Khi ông ở một mình nơi vắng vẻ, quỷ thần thấy được những niệm tham, dâm, đố kỵ, hẹp hòi, niệm cao kỷ ti nhân, (tự cho mình cao, khinh thường người khác), niệm ức vãng kỳ lai (nhớ nghĩ quá khứ, hy vọng tương lai), niệm ân oán báo thù. Những vọng tưởng tạp niệm này của ông thật là quá nhiều, nói không hết, đây đều là ác ý, loại ác ý này kết tụ ở trong tâm của ông. Thiên địa quỷ thần đã ghi chép vào trong hồ sơ rất nhiều rồi, ông tránh họa còn không xuể, ông đến đâu để cầu phước chứ?”
Mấy câu nói này giống như một đòn giáng xuống làm ông Du Tịnh Ý thức tỉnh. Ông quỳ xuống trước Táo thần, lúc đó Táo thần thị hiện thành một người. Ông nói: “Ngài nhất định là thần tiên nên biết rõ về tôi như vậy”. Du Tịnh Ý cầu Táo thần cứu giúp. Ông vẫn còn có một tâm niệm này.
Người hiện nay nghe đến điều này thì tuyệt đối không đếm xỉa đến, cũng không chịu tin, cho là mê tín. Họ tự cho rằng đầu óc của mình là đầu óc khoa học, người khác đều không bằng, họ làm sao tiếp nhận được chứ! Người hiện nay thật là khó sửa lỗi, quá khó! Du Tịnh Ý còn có tâm niệm hối cải nên Táo thần giúp ông, bảo là ông từ nay về sau, phàm là niệm tham, niệm dâm, niệm khách khí, vọng tưởng tạp niệm, nhất loạt thu dọn chúng cho thật sạch sẽ.
Táo thần khuyến khích ông, trước tiên phải giữ tâm thuần thiện, sau đó tùy phần tùy sức mà đi làm việc tốt. Sức của bạn có thể làm được thì hãy tận lực mà làm, khi làm phải làm cho thật rốt ráo, quyết không cầu quả báo. Hành thiện mà vì quả báo là ý của bạn đã bất thiện rồi. Vì sao vậy? Là có điều kiện rồi. Thiện vô điều kiện là chân thiện. Làm việc thiện mà không cầu quả báo thì quả báo thù thắng nhất. Không cầu danh, không cầu lợi dưỡng, chẳng cầu mong gì cả, toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác, có thể xả mình vì người.
Sự việc bất luận là khó hay dễ, bất luận là lớn hay nhỏ, phải thật thành khẩn, thành thật mà đi làm. Nếu sức mình không làm được thì chúng ta cũng phải có cái tâm tốt này. Đó gọi là “tâm có thừa mà sức không đủ”, cái tâm niệm này sẽ có cảm ứng.
Cái tâm niệm này thật sự là thuần thiện thì được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần đến giúp đỡ bạn. Hay nói cách khác là tăng thêm sức mạnh cho bạn, khiến cho tâm nguyện của bạn được viên mãn. Bạn không phải vì chính mình, bạn vì chúng sanh, vì Phật pháp.
Trích “Thái Thượng Cảm ứng Thiên, tập 10.