Tâm nào tạo cảnh đó

Khi một người mê thì chấp vô cảnh, còn người giác thì thân, tâm, cảnh luôn rõ ràng, sáng suốt. Một người khi thấy rõ Chân Đế là sống với tục đế không lầm lẫn, biết ứng xử sao cho thích hợp với căn, cơ, thời, xứ…chứ không phải làm gì cũng được một cách vô minh.

Trong một tư gia, chỗ để thờ thì gọi là bàn thờ, chỗ dành tiếp khách thì gọi là nhà khách, chỗ nuôi heo thì gọi là chuồng heo…Tuy cùng trú xứ, nhưng vẫn có sự phân định rõ ràng và tùy mục đích và đối tượng sử dụng mà hành xử sao cho có nề nếp và không sai với đạo lý.

Cũng vậy, trong một khu vực, bậc tu hành ở thì gọi là tịnh cốc, chỗ phục vụ cho tín ngưỡng thì gọi là chùa hay nhà thờ, chỗ nhậu nhẹt thì gọi là quán nhậu, chỗ ca hát gọi là phòng trà, chỗ trồng trọt thì gọi là nông trại..v.v…Nói chung trên mặt tục đế, cảnh giới nào phải theo cảnh giới đó, tâm theo nhu cầu nào thì tạo ra và hướng về cảnh giới đó.

Nếu bàn thờ, phòng khách và chuồng heo không có sự phân định và khoảng cách rõ ràng mà hòa lẫn vào nhau thì gia đình ấy ắt sẽ loạn lạc, cũng vậy, nơi tu tập mà biến thành như nhà thế tục, thì nơi ấy ắt sẽ nhiều hệ lụy phiền não.

Ngôi nhà của tâm

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có những người, có chút tín ngưỡng, phát tâm cúng đất làm chùa hay bỏ tiền ra mua đất để quý sư làm cốc tịnh tu, ban đầu thì vì thiện cảm mà cúng, dần dần “gần chùa gọi Phật bằng anh ” rồi xem quý sư như thành viên gia đình của mình, đối xử như con cháu, lộng quyền quyết định mọi thứ, thuận lòng thì hoan hỷ, không thuận lòng hoặc không thấy được lợi ích gì thì gây ra những chướng ngại để những vị ấy tự đi.

Với những người chân tu, vật ngoài thân là của tạm, biết dùng trí tuệ quán xét, tùy duyên mà ngụ, tùy thời mà đi, để cho Nhân Duyên Quả tự làm việc. Nhưng với những người còn dính mắc pháp thế gian thì đa phần bị cuốn theo ý đồ của thế tục và sống như thế tục chẳng khác.

Cho nên, khi một người mê thì chấp vô cảnh, còn người giác thì thân, tâm, cảnh luôn rõ ràng, sáng suốt. Một người khi thấy rõ Chân Đế là sống với tục đế không lầm lẫn, biết ứng xử sao cho thích hợp với căn, cơ, thời, xứ…chứ không phải làm gì cũng được một cách vô minh.

Nếu một người gia chủ có hiểu biết, sẽ biết đặt bàn thờ, phòng khách và chuồng heo… đúng với vị trí của nó, không lộn xộn và đồng hóa vào nhau. Cũng vậy, một người cư sĩ hộ pháp có trí tuệ, thì sẽ không vì tham ái hay ý đồ cá nhân mà đánh mất đi phúc báu và cơ hội tiến hóa cho bản thân và con cháu mình. Đó cũng là một cách tu dưỡng vậy !