Tâm là gì?

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Hai câu đầu là sự kết hợp của ba nét bút. (Ba chấm như ba ngôi sao, còn nét móc câu nằm ngang tợ như ánh trăng nằm nghiêng). Hai câu sau nói lên chức năng và tầm quan trong của tâm. (Thành Phật hay làm thân trâu, ngựa mang lông, đội sừng cũng từ tâm này mà ra).

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

“Citta” – Tâm (theo chú giải Pāḷi).

Cittī = cittaṃ (nòng cốt), làm cho chúng sanh đặc biệt sai khác gọi là tâm.

Cintanamattaṃ = cittaṃ; biết gọi là tâm.

Āramaṇaṃ citetī = cittaṃ; biết cảnh gọi là tâm.

Kinh Tương Ưng, đức Phật có dạy: “Này các thầy Tỷ-kheo, các thầy có thấy tác phẩm kiệt tác của hội họa không?”. “Thưa Thế Tôn, chúng con thấy”. “Này các thầy Tỷ-kheo, tác phẩm nghệ thuật đó do tâm tạo. Này chư Tỷ-kheo, thật vậy, thậm chí tâm còn đẹp hơn tác phẩm kiệt tác đó”.

Kinh Pháp Cú, đức Phật cũng có dạy:

“Tâm dẫn đầu các phápTâm là chủ, tạo tácNếu nói hay hành độngVới tâm niệm bất tịnhKhổ não liền theo sauNhư xe theo bò vậy”.

Kinh Hoa Nghiêm cũng có viết: “Tam giới duy tâm”.

Từ những dẫn chứng trên, ta có thể hiểu và nhận biết tâm trên bốn phương diện sau:

– Tướng trạng của tâm là làm nhân cho sở hữu tâm biết cảnh.

– Phận sự của tâm là chủ trì, hướng đạo cho sở hữu tâm và sắc pháp.

– Sự thành tựu của tâm là tiếp nối, sanh khởi liên tục, là tác nhân tạo sự sai khác giữa mỗi người, mỗi loài.

– Nhân cần thiết sanh ra tâm có bốn:

+ Nghiệp quá khứ (atītakamma) là những hành động tạo tác trong quá khứ được tích lũy, tăng trưởng rồi nhận lấy quả hiện tại, như “sét từ sắt sinh, sét ăn lại sắt”, làm cho chúng sanh đặc biệt sai khác. “Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp”. Trong Duy thức gọi là chủng tử (hạt giống, tập khí).

+ Sở hữu tâm (cetasika) là những thành phần đồng sanh đồng diệt, đồng nương, đồng biết một cảnh, không có tâm nào sanh lên mà không có sở hữu tâm đi theo.

+ Cảnh (ārammanaṃ) là đối tượng của tâm, những gì tâm biết.

+ Vật (vatthu) là những sắc thần kinh (pasādrūpa), chỗ nương của tâm thức, như con mắt là chỗ nương của nhãn thức, lỗ tai là chỗ nương của nhĩ thức.

Như vậy, con người trong sạch hay dơ bẩn, cao thượng hay thấp hèn, giải thoát hay trầm luân cũng từ tâm.

Tâm Thủ