Tâm kiêu mạn sẽ xuất hiện khi ta chấp công
Tâm kiêu mạn tàn phá công đức một cách khủng khiếp. Khi trong tâm hồn của chúng ta tồn tại một mầm mống nhỏ của kiêu mạn, điều đó có nghĩa là ba đường ác đã có lối vào.
Nếu như ta làm điều thiện rồi kể công, cậy công, nhớ công thì chắc chắn sẽ xuất hiện tâm kiêu mạn, đó là quy luật của tâm lý và cũng là nguyên nhân gây tổn phước rất lớn.
Ví dụ, đời này mình đã từng đi cứu trợ 5 tấn gạo, kêu gọi đóng góp xây dựng chùa được 300 triệu, và làm được rất nhiều việc thiện nguyện trong cuộc đời. Nhưng khi ta thấy mình có làm, ta ghi nhớ tất cả để rồi thấy mình làm được quá nhiều việc thì lúc đó tâm tự hào khởi lên, tâm kiêu mạn xuất hiện.
Và quả báo đời sau là ta sẽ giàu có, vinh quang, địa vị lớn nhưng do tâm kiêu mạn đời trước nên đời này ta hống hách, tự cao tự đại, coi thường con người, đây là cái Nhân để ngay trong kiếp đó thành công sẽ sụp đổ giữa chừng, chuẩn bị để đọa vào ngạ quỷ, súc sinh hoặc có thể đọa nặng hơn nữa trong những kiếp sau.
Còn nếu kiếp này mình làm được rất nhiều việc tốt mà lại thấy như không làm gì hết thì sẽ không bị kiêu mạn, đến đời sau sự nghiệp hiển vinh, cao sang, quyền quý mà tâm vẫn từ ái, vẫn thương yêu con người, vẫn mong sẻ chia phước mà mình có được cho chúng sinh, không có ý chấp giữ gì cho riêng mình thì như vậy phước chồng thêm phước, nối mãi đến vô tận, đạo quả về sau sẽ vô cùng lớn.
TT. Thích Chân Quang